Hà Giang tập trung đẩy mạnh phát triển thể thao trong giai đoạn mới

Trong những năm qua được sự quan tâm, đầu tư của các cấp các ngành, TDTT tỉnh Hà Giang đã có những bước phát triển mạnh cả về thể thao quần chúng lẫn thể thao thành tích cao. Nhiều người dân đã lựa chọn cho mình những môn thể thao phù hợp để tập luyện, góp phần đưa phong trào TDTT của tỉnh phát triển sâu, rộng.

Những kết quả đạt được

Để thúc đẩy phong trào TDTT phát triển, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhằm đáp ứng nhu cầu luyện tập và thúc đẩy phát triển phong trào TDTT quần chúng, các đơn vị, địa phương quan tâm huy động tốt các nguồn lực xã hội, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thể thao ngoài trời, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho Nhân dân. Đồng thời, xây dựng mô hình điểm về cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động TDTT tại các xã, phường, thị trấn. Các câu lạc bộ, điểm tập luyện TDTT trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tập luyện ở các môn, như: Cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, pickleball hay các môn thể thao dân tộc (kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh yến)…
Phong trào TDTT người cao tuổi phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Một số hoạt động TDTT của người cao tuổi thu hút đông các cụ tham gia như: Thể dục dưỡng sinh, đi bộ, bơi lội, bóng bàn... Đặc biệt, các cấp, ngành hàng năm đều tổ chức các giải thi đấu thể thao cho lực lượng thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; mở lớp năng khiếu thể thao hè để thu hút đông đảo các em tham gia tập luyện TDTT. Trong đó, thanh niên trở thành lực lượng nòng cốt tham gia các hoạt động TDTT, kỳ đại hội TDTT, Hội khỏe Phù Đổng và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác huấn luyện thể lực và luyện tập TDTT trong lực lượng vũ trang đi vào nền nếp, phát triển rộng khắp ở các đơn vị cơ sở với nhiều môn thể thao như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, võ thuật…

Đến nay, số người tập luyện TDTT trên địa bàn tỉnh đạt 26% dân số; số gia đình thể thao đạt 16%; 100% trường học thực hiện giáo dục thể chất nội khóa; 87% số trường học hoạt động giáo dục thể chất ngoại khóa; 98% cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong độ tuổi rèn luyện thể lực theo quy định.

Kéo co là một trong những môn thể thao dân tộc phát triển ở Hà Giang

Song song với phát triển phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao cũng được quan tâm đầu tư, nhờ đó thành tích của các VĐV tỉnh tại các giải thể thao thành tích cao cũng có nhiều khởi sắc. Hiện, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh đang duy trì các lớp năng khiếu tập luyện thường xuyên với tuyến I gần 130 VĐV, tuyến II 15 VĐV. Các môn trong hệ thống thể thao thành tích cao của tỉnh được xác định theo xu hướng phát triển thể thao thành tích cao của quốc gia, khu vực và phù hợp với truyền thống, điều kiện KT-XH của địa phương như: Wushu, bóng ném, vật nữ, penkatsilat, vovinam. 

Trình độ thể thao thành tích cao của tỉnh có tiến bộ vượt bậc so với những năm trước, giành nhiều huy chương danh giá tại các giải đấu khu vực, quốc gia và quốc tế. Không ít VĐV của tỉnh khi tham gia thi đấu cấp quốc gia đạt thành tích xuất sắc, trở thành hạt nhân tiêu biểu góp mặt cùng đội tuyển trẻ quốc gia tham gia thi đấu và giành giải thưởng tại đấu trường quốc tế. Điển hình như năm 2023, VĐV Đặng Thị Hiền giành HCĐ môn võ gậy tại SEA Games 32; góp mặt giành giải Nhì giải Bóng ném trẻ châu Á, tổ chức tại Hong Kong, Trung Quốc. Ngoài ra, từ đầu năm 2024 đến nay, các VĐV của tỉnh tham gia thi đấu 18 giải thể thao do T.Ư tổ chức, giành 43 huy chương các loại, gồm: 6 HCV, 8 HCB, 29 HCĐ. Có 18 VĐV đạt đẳng cấp cấp I quốc gia, 2 VĐV đạt cấp kiện tướng, cho thấy khả năng thi đấu xuất sắc và thành tích ấn tượng của các VĐV.

Mục tiêu hướng đến

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, như: Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển TDTT. Phong trào TDTT quần chúng phát triển chưa đồng đều, chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm thị trấn, thành phố. Thể thao chuyên nghiệp chưa phát triển mạnh, thể thao thành tích cao chưa đạt được nhiều giải cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, sân bãi phục vụ các hoạt động TDTT còn thiếu; xã hội hóa hoạt động TDTT hiệu quả còn thấp...

Chính vì vậy, để đẩy mạnh phát triển TDTT theo Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới, tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển TDTT với những mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp cụ thể. 

Theo đó, đến năm 2030 phấn đấu số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 38% dân số; số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt 28%; số cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tập luyện TDTT đạt trên 90%; số trường học đảm bảo giáo dục thể chất nội khóa đạt 100%, thực hiện tập luyện TDTT ngoại khóa đạt 97%; 100% học sinh các cấp đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể. Đối với lực lượng vũ trang: Tỷ lệ các đơn vị tổ chức hoạt động TDTT thường xuyên đạt 100%; trên 95% các đơn vị đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định; 100% cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định; tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ rèn luyện TDTT thường xuyên đạt 100%.

Phấn đấu đào tạo được ít nhất 200 VĐV thành tích cao thi đấu giải cấp quốc gia, quốc tế đạt 250 huy chương các loại mỗi năm; có 120 VĐV cấp I, 50 VĐV cấp Kiện tướng; hằng năm các bộ môn có đóng góp VĐV vào đội tuyển quốc gia. Phấn đấu mỗi xã, phường, thị trấn, thôn, tổ hoặc liên tổ dân phố có sân, bãi tập luyện thể thao ngoài trời; bố trí quy hoạch đủ quỹ đất dành cho TDTT và các công trình theo quy định.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, UBND tỉnh cũng xác định nhiệm vụ phát triển TDTT là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và của mỗi người dân. Đầu tư, huy động các nguồn lực phát triển TDTT; khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tập luyện TDTT để rèn luyện sức khỏe; giữ gìn, phát huy những giá trị TDTT truyền thống của các dân tộc trong tỉnh, phát triển nền TDTT mang đậm tính dân tộc, khoa học và văn minh.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục thể chất, thể thao trường học và trong lực lượng vũ trang; đẩy mạnh phong trào TDTT trong công nhân, người lao động, công chức, viên chức. Tập trung phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao. Tăng cường các nguồn lực cho sự nghiệp TDTT; rà soát, hoàn thiện quy hoạch, phát triển mạng lưới thiết chế, cơ sở thể thao đồng bộ, từng bước hiện đại, đạt tiêu chuẩn. Đổi mới phương thức hoạt động TDTT; đẩy mạnh xã hội hóa TDTT; từng bước nâng cao thành tích thể thao của tỉnh trong các giải thi đấu trong nước và khu vực Đông Nam Á.

Bài, ảnh: MH

Ảnh trong bài
  • Hà Giang tập trung đẩy mạnh phát triển thể thao trong giai đoạn mới
  • Hà Giang tập trung đẩy mạnh phát triển thể thao trong giai đoạn mới