Lịch sử ra đời và phát triển

 

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đất nước vừa giành được độc lập dân tộc đã gặp phải biết bao khó khăn, trở lực bởi thù trong giặc ngoài, cộng thêm với nền kinh tế do chế độ cũ để lại rất nghèo nàn lạc hậu, nhân dân nhiều nơi đói rét, dịch bệnh hoành hành, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, thất học và mù chữ nặng nề. Trong hoàn cảnh đó Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đề ra nhiều chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời nhằm đẩy lùi những khó khăn trở lực và Người kêu gọi đồng bào cả nước chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Đồng thời do nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vai trò sức khỏe con người, sức khỏe nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm ký Sắc lệnh thành lập ngành Y tế và ngành TDTT của nước Việt Nam mới.

 

Vào ngày 31 tháng Giêng năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên, tiền thân của ngành TDTT ngày nay. Ngành TDTT mới ra đời nhiệm vụ là liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục để nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc nhằm tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam. Để tăng cường và mở rộng các hoạt động TDTT và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 33 ngày 27-3-1946 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục.

 

Ngành TDTT mới là cơ quan tham mưu của Chính phủ cách mạng do Hồ Chủ tịch đứng đầu. Đây là cơ quan quản lý, điều hành công tác TDTT trong phạm vi cả nước. Ngành TDTT mới là cơ quan đặc trách công tác TDTT vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Điều đó chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ trước cách mạng tháng Tám.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới. Để nền thể thao mới hình thành và phát triển mang bản chất cách mạng, vì lợi ích của toàn dân và đất nước thì điều cơ bản nhất là có sự định hướng đúng đắn, chỉ ra được mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng. Để đáp ứng điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục". “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Người như ánh dương tỏa chiếu, định hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới của nước Việt Nam mới.

 

Vào một buổi chiều cuối tháng 3 năm 1946, khi tập thể cán bộ của Nha đang thảo luận công tác, tìm cách phát động phong trào TDTT, Bộ trưởng Bộ Thanh niên kiêm Giám đốc Nha thể dục Trung ương đi vào, hồ hởi thông báo: “Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”. “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” do Bác Hồ tự tay viết với văn phong bình dị, rõ ràng, ai cũng có thể hiểu được. Người viết:

 

Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công.
Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.
Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.
Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước.
Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí khuyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe.
Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục.
Tự tôi ngày nào cũng tập
”.

 

Anh em trong Nha Thể dục Trung ương vô cùng phấn khởi vì “Lời kêu gọi tập thể dục” của Bác Hồ là ánh sáng dẫn đường, chỉ lối cho công tác TDTT cách mạng.

Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ với ý tưởng cao đẹp của Người có ảnh hưởng sâu sắc với tình cảm, tinh thần và hành động của nhân dân và mọi người hăng hái làm theo tiếng gọi của vị lãnh tụ kính yêu. Chỉ hai tháng sau khi “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ đăng trên báo Cứu quốc số 199, ngày 27-3-1946, trong toàn quốc đã dấy lên phong trào Khỏe vì nước sôi nổi. Phong trào Khỏe vì nước thực chất là bước đầu của nền TDTT mới còn non trẻ nhưng đầy sinh lực phát triển.

 

Với những việc làm như: Ra Sắc lệnh thành lập ngành TDTT, viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”, đích thân phát động phong trào Khỏe vì nước phát triển sôi nổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh nền TDTT mới của nước Việt Nam mới.

 

Với các tên: Nha Thể thao Trung ương thuộc Bộ Thanh niên rồi đến Nha thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục (1946) và sau này là Ban Thể dục thể thao Trung ương (1957), đổi thành Ủy ban Thể dục Thể thao (1960), Ủy ban Thể dục thể thao đã giữ được vị trí TDTT trong xã hội và trong các giai đoạn cách mạng khác nhau. Lãnh đạo các phong trào thể thao trong nước và quốc tế.

Kể từ khi thành lập đến nay, ngành TDTT Việt Nam đã nhận được rất nhiều thư của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: Thư của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, thư của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, thư của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thư của Thủ tướng Phan Văn Khải... gửi cho cán bộ, viên chức, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài ngành TDTT. Đó chính là sự quan tâm của Đảng và Chính phủ và là nguồn lực làm cho ngành TDTT Việt Nam ngày càng phát triển.

 

Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người rất coi trọng công tác đối ngoại của TDTT. Người cho rằng đó là một phương tiện quan trọng để giao lưu, đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trong cộng đồng quốc tế. Vì vậy, mọi hoạt động đối ngoại ở trong nước hay quốc tế cũng đều phải đặt mục tiêu đoàn kết, hữu nghị lên hàng đầu. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Ûy ban Thể dục thể thao đã lãnh đạo phong trào, lập ra các đội tuyển quốc gia các môn để tham gia thi đấu giao hữu và các giải quốc tế. TTVN Tham gia vào các kỳ Olympic, SEA Games, các giải bóng đá trong khu vực và quốc tế đều đạt được những thành tựu đáng kể. Với sự kiện được đăng cai SEA Games 22 vào tháng 12-2003 tại nước nhà, ngành Thể dục thể thao Việt Nam muốn khẳng định với toàn thế giới rằng, TTVN cũng có thể sánh vai cùng với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Qua đó, cũng muốn thể hiện rằng tiềm năng của TTVN là rất to lớn.

 

Chúng ta đang ở thời điểm lịch sử trọng đại, bước vào thế kỷ XXI - mở đầu Thiên niên kỷ mới. Đất nước Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới xây dựng chủ nghĩa xã hội theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT tức là góp phần tích cực xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện.
Ngành TDTT Việt Nam dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh nhất định sẽ có sự phát triển rực rõ trong thời đại mới của lịch sử.

Đưa sự nghiệp TDTT lên tầm cao mới

* Định hướng phát triển công tác khoa học – công nghệ TDTT từ năm 2001-2005:
Nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ thiết thực cho thể thao là nhiệm vụ cấp bách của toàn ngành. Trong nhiều năm qua, công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho công tác đào tạo - huấn luyện đã đạt được những thành tựu nhất định. Sau đây là những định hướng phát triển công tác khoa học - công nghệ TDTT năm 2001-2005 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Danh Thái.

 

* Mục tiêu phát triển Ngành Thể dục Thể thao từ 2001-2010:
- Thực hiện tốt việc giáo dục thể chất trong nhân dân, nhà trường và trong các lực lượng vũ trang.
- Đẩy mạnh đào tạo tài năng thể thao quốc gia, trong hoạt động thi đấu quốc tế đạt được thành tích cao ở một số môn thích hợp. Phấn đấu đạt được vị trí cao trong các Đại hội thể thao ở khu vực Đông Nam Á và châu Á, có một số môn phải đạt thành tích cao trong các giải thế giới.
- Kiện toàn thêm một bước các điều kiện đảm bảo cho thể dục thể thao phát triển vững chắc: hệ thống đào tạo, tổ chức quản lý các cấp, hành lang pháp lý, cơ sở vật chất đảm bảo tập luyện và thi đấu, các cơ sở nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ.
- Định hướng về công tác khoa học - công nghệ thể dục thể thao từ năm 2000-2005 phải phục vụ cho mục tiêu phát triển Ngành Thể dục thể thao đến năm 2010.

I.Phục vụ cho giáo dục thể chất nhân dân, nhà trường và các lực lượng vũ trang.

- Tiến hành điều tra đánh giá tình trạng thể chất và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn thể lực chung của người Việt Nam từ 4-60 tuổi. Tiếp đó, tiến hành kiểm tra định kỳ 5 năm/lần một cách có trọng điểm.
- Điều tra nhu cầu hoạt động thể dục thể thao của nhân dân.
- Nghiên cứu một số mô hình xã hội hoá thể dục thể thao kết hợp với nghiên cứu các giải pháp kinh tế - xã hội và các hình thức tổ chức thể dục thể thao cơ sớ.
- Nghiên cứu ứng dụng một số giải pháp chuyên môn phát triển thể dục thể thao quần chúng, thể thao dân tộc (các tài liệu hợp với từng môn, từng nhóm lứa tuổi, tổ chức đào tạo hướng dẫn viên, hướng dẫn tự kiểm tra đánh giá sức khoẻ...)
- Nghiên cứu nâng cao chất lượng thể dục nội khoá và kết hợp với tổ chức thể dục thể thao ngoại khoá cho học sinh.
- Nghiên cứu phát triển thể dục thể thao dân tộc và trò chơi dân gian.
- Nghiên cứu các giải pháp tổng hợp nhằm phát triển thể dục thể thao quần chúng có thể được đưa vào “Dự án nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ phát triển thể dục thể thao quần chúng nhằm nâng cao sức khoẻ và đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân

II. Phục vụ cho đào tạo tài năng thể thao và nâng cao trình độ thể thao nước nhà.

1- Kết hợp khoa học tuyển chọn với khoa học huấn luyện để nâng cao thành tích thể thao.
- Kiểm tra đánh giá trình độ tập luyện và khả năng phát triển của các vận động viên trẻ trọng điểm phục vụ cho từng SEA Games 21, 22, 23 (đặc biệt cho SEA Games 22 nếu tổ chức tại nước ta).
- Kết hợp xác định các tiêu chuẩn tuyển chọn và đào thải về tuổi, xương, hình thái, sinh lý - sinh hoá, tâm lý, tố chất thể lực, thành tích chuyên môn và môn phụ.
- Theo dõi đánh giá khả năng chịu đựng lượng vận động vừa giúp điều chỉnh kế hoạch huấn luyện, vừa giúp cho tuyển chọn.
- Tổng kết công tác huấn luyện chuyên môn và biên soạn các tài liệu hướng dẫn huấn luyện, tuyển chọn, các kế koạc huấn luyện và công nghệ phục vụ huấn luyện.
2- Nghiên cứu ứng dụng về dinh dưỡng và hồi phục cho vận động viên.
- Cải tiến ăn uống thích hợp cho vận động viên.
- Bổ sung dinh dưỡng thích hợp cho vận động viên bằng thực phẩm thuốc.
3- Chăm sóc y học, theo dõi và điều trị chấn thương thể thao.
4- Nghiên cứu một số biện pháp huấn luyện tâm lý, bồi dưỡng đạo đức, ý chí và tư tưởng cho vận động viên.

Để phục vụ cho SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam, khoa học-công nghệ thể dục thể thao cần có bước phát triển mạnh mẽ đủ sức giải quyết các vấn đề lớn sau đây:
- Hoàn thiện các phương pháp, tiêu chuẩn để kiểm tra, đánh giá công tác đào tạo vận động viên phục vụ cho SEA Games năm 2003 chủ yếu ở các môn: Điền kinh, bơi lội, Thể dục, Taekwondo, Judo, Karatedo, Pencak Silat, Đua thuyền và Ca nô, Bắn súng, Bóng đá, Bóng bàn, Bóng ném.
+Tổ chức thường xuyên kiểm tra đánh giá trình độ tập luyện và dự báo khả năng phát triển. Từng bước giúp thu hẹp diện vận động viên cần tập trung đào tạo đặc biệt.
+ Tổ chức thường xuyên kiểm tra đánh giá lượng vận động viên trọng điểm và kết hợp với huấn luyện viên để điều chỉnh kế hoạch huấn luyện.
- Hoàn thiện các điều kiện đảm bảo về Y sinh học cho công tác đào tạo vận động viên chuẩn bị cho SEA Games 2003 chủ yếu các môn nêu trên.
+ Tổ chức hướng dẫn trang bị thống nhất các phương pháp, phương tiện hồi phục sức sau tập luyện và thi đấu nặng (về vật lý và về sinh hoá).
+ Tổ chức thống nhất các điều kiện đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung dinh dưỡng cho vận động viên (các bữa ăn, thức uống, thực phẩm thuốc).
+ Tổ chức theo dõi, chữa trị chấn thương vận động viên (vật lý trị liệu, đông y, phẫu thuật và hồi phục chức năng hậu phẫu thuật).
+ Tổ chức các điều kiện đảm bảo về khoa học - công nghệ trực tiếp phục vụ cho tổ chức SEA Games năm 2003 tại Việt Nam.
+ Chuẩn bị mạng lưới y học phục vụ cho thi đấu tại SEA Games 22.
+ Tổ chức mạng lưới tin học (kết hợp trong và ngoài nước) phục vụ cho thi đấu các môn tại SEA Games 22 - Bao gồm hệ thống thiết bị và phần mềm.
+ Thành lập phòng phương pháp chống Doping để có người tham gia và có tiếng nói chính thức trong tiểu ban chống doping trong SEA Games 22.
Các vấn đề khoa học công nghệ nêu trên đề nghị đưa vào Chương trình Quốc gia về thể thao như một chương trình nhánh.

III. Từng bước hoàn thiện các điều kiện về khoa học - công nghệ đảm bảo phát triển TDTT

1- Nghiên cứu nâng cao hiệu quả của hệ thống quản lý thể dục thể thao, các giải pháp, cơ chế chính sách phục vụ cho đường lối chính sách phục vụ cho đường lối thể dục thể thao, các giải pháp, cơ chế chính sách phục vụ cho đường lối thể dục thể thao của Đảng, phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
2- Nghiên cứu về thị trường thể thao, các tiêu chuẩn, định mức về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển TDTT. Nghiên cứu về thị trường bóng đá và chuyên nghiệp hoá bóng đá.
3- Tiếp tục nghiên cứu cải tiến các phương thức, chương trình, quy trình đào tạo và bồi dưỡng cán bộ thể dục thể thao trình độ cao đẳng, đại học trên đại học.
4- Đề xuất các giải pháp tổ chức khoa học - công nghệ thể dục thể thao và tăng nguồn vốn, tăng tiềm lực khoa học - công nghệ thể dục thể thao. Thu hút nguồn vốn để thành lập các cơ sở chuyển giao khoa học - công nghệ thể dục thể thao như: Trung tâm Y học thể thao tại Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng; Trung tâm tư vấn thể thao tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; Bệnh viện Y học thể thao tại Hà Nội. Ban hành một số văn bản pháp quy để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ TDTT.

IV. Ngày Thể thao Việt Nam 27-3

Cách đây tròn 10 năm, ngày 29-1-1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27-3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. “Ngày Thể thao Việt Nam” được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh. “Ngày Thể thao Việt Nam” bắt nguồn từ những sự kiện lịch sử buổi ban đầu của nền TDTT cách mạng.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Bác cũng là người khai sinh nền TDTT của chế độ mới. Ngày 30-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên. Với mục tiêu “xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”, Sắc lệnh nêu rõ: Nha thể thao TW có nhiệm vụ “liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục để nghiên cứu và thực hành thể dục trong toàn quốc”.

Gần hai tháng sau, căn cứ theo quyết định của Quốc dân đại hội VN (Quốc hội khoá 1) họp ngày 2-3-1946 định sự tổ chức của Chính phủ liên hiệp kháng chiến, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia giáo dục. Nha gồm có Phòng Thanh niên TW và Phòng Thể dục TW. Trên thực tế, với những quy định của Bộ Quốc Gia giáo dục, Phòng Thể dục TW đảm nhiệm toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Nha Thể dục TW cũ.
Cũng trong ngày 27-3-1946, trên các báo Cứu Quốc, Việt Nam khoẻ và nhiều tờ báo khác đăng lời “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục”.

Đây là văn kiện lịch sử, được coi như cương lĩnh đầu tiên về xây dựng nền TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới, thể hiện tập trung tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT phục vụ sức thịnh. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhiều nơi trong cả nước dấy lên phong trào Khoẻ vì nước rầm rộ trong năm 1946.
Với những ý nghĩa lịch sử sâu sắc đó, ngày 27-3 được Nhà nước ta lấy làm “Ngày Thể thao Việt Nam” hàng năm.