Lão tướng Bùi Lương: Điền kinh là tình yêu trọn đời

Ra đi ở tuổi 86, huấn luyện viên kỳ cựu Bùi Lương đã có hành trình 60 năm gắn bó cùng Điền kinh Việt Nam. Trong suốt 20 năm (1957 - 1977) là VĐV và 40 năm (1980 - 2020) ở vị trí huấn luyện, ông đã để lại cho môn thể thao này một gia tài khổng lồ.

Sinh năm 1939 ở Sài Gòn, ngay từ những năm tháng còn là học sinh, cậu bé Bùi Lương đã cho thấy tình yêu mãnh liệt với điền kinh. Ở thời điểm đó, ông chỉ nghĩ chạy bộ để duy trì sức khỏe. Nhưng đến năm 16 tuổi, khi chuyển đến sinh sống tại Hải Phòng, ông đã có định hướng rõ ràng đối với môn thể thao này bằng việc đăng ký tham dự giải chạy đường trường toàn miền Bắc đầu tiên vào năm 1957 tại Hà Nội. Sau khi kết thúc 3 vòng (5km) quanh hồ Hoàn Kiếm tại giải chạy năm đó, ông đã giành HCĐ.

Ở tuổi 86, lão tướng Bùi Lương vẫn góp mặt tại nhiều sự kiện dù gần hay xa

Thành tích này đã giúp ông được góp mặt vào tuyển điền kinh Hải Phòng, chuẩn bị Giải Việt dã báo Tiền Phong được tổ chức lần đầu năm 1958 ở công viên Bách Thảo (Hà Nội).

Lúc ấy, ông vô cùng háo hức vì nghe nói giải không chỉ tầm cỡ quốc gia, mà còn có sự góp mặt của ngôi sao Tiệp Khắc từng 3 lần giành HCV Olympic 1952 Emil Zatopek. Để chinh phục núi Nùng, Hàng Đẫy, Bách Thảo, vừa vượt ghế đá, vừa chạy địa hình vừa vượt chướng ngại vật, ông hăng say tập luyện ngày đêm.

Mọi nỗ lực của “lính mới” Bùi Lương đã được đền đáp với tấm HCB, qua đó trở thành cú hích tinh thần để ông tiếp tục theo đuổi đường chạy. Tình yêu với điền kinh đã giúp ông chạy miệt mài trên đường phố Hải Phòng lúc đó với đôi chân trần. Những năm tháng ấy, tình yêu với điền kinh đã giúp ông trưởng thành. Việc tuân thủ nghiêm khắc kỷ luật do chính mình đặt ra đã giúp ông đạt được nhiều thành tích trong sự nghiệp thi đấu.

Trong suốt 20 năm (1957 - 1977) với vai trò là VĐV, ông đã giành vô số danh hiệu. Trong đó, phải nhắc đến 9 lần vô địch giải Việt dã toàn quốc (8 năm liên tiếp giành giải Nhất). Ông cũng đã phá hai kỷ lục quốc gia chạy 5.000m với thành tích 15 phút 45 giây 05 và chạy 10.000m với 32 phút 44 giây 08 tại Đại hội Điền kinh năm 1967 và thiết lập kỷ lục marathon quốc gia 2 giờ 32 phút năm 1968. Kỷ lục này đã được duy trì trong hơn 30 năm. Phải đến kỳ SEA Games năm 2003, học trò ưu tú của ông là Nguyễn Chí Đông mới có thể vượt qua cột mốc mà người thầy của mình đã thiết lập.

Giã từ đường chạy, ông theo học tại trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh). Sau khi hoàn thành chương trình học tập, ông đảm nhiệm vai trò huấn luyện cho cho đội điền kinh Hà Nội. Các VĐV mà ông đào tạo đạt thành tích cao có thể kể tới như: VĐV Đặng Thị Tèo (vô địch quốc gia các cự ly 800m, 1.500m, 5.000m, 6 lần vô địch giải việt dã, giữ kỷ lục chạy marathon toàn quốc); Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Thị Hòa. Đặc biệt, năm 1992, 2 VĐV Đặng Thị Tèo và Lê Văn Hùng đã góp mặt trong danh sách tham dự Thế vận hội Olympic Bacerlona.

Tới năm 2001, với vai trò huấn luyện viên của đội tuyển quốc gia, các VĐV dưới sự dìu dắt của ông là Đoàn Nữ Trúc Vân đã giành HCV 10.000m, HCĐ 5.000m; Nguyễn Thị Hòa HCB marathon tại SEA Games 2003 tổ chức tại Việt Nam. Đến kỳ SEA Games 2009, 2 học trò của ông là Phạm Thị Hiên, Bùi Thị Hiền cũng thi đấu xuất sắc để giành huy chương và cũng trong năm đó, Bùi Thị Hiền đã giành được cả HCB lẫn HCĐ tại kỳ Đại hội thể thao châu Á trong nhà.

Không chỉ dừng lại ở đó, sau khi từ giã vai trò huấn luyện viên đội tuyển quốc gia, ông lại tiếp tục “nhào nặn” nên nhiều tên tuổi của điền kinh Việt Nam ở những nơi mà ông đã đi qua như: Hà Nội, Thái Bình rồi đến Quân đội, Công an Nhân dân, Vĩnh Phúc, Bình Phước…

Bất cứ nơi nào ông đến, bầu không khí tập luyện hăng say lại được thổi bùng lên, cùng với đó là thành tích đạt được ở cả đấu trường trong và ngoài nước. Điển hình như khi đến với đơn vị Bình Phước vào năm 2012, ông chỉ mất đúng 1 năm để xây dựng lại đội tuyển chạy việt dã của tỉnh. Ông đã giúp cho địa phương từ con số 0 tròn trĩnh trở thành một hiện tượng và giờ thì được ví như một thế lực đáng nể ở sân chơi quốc gia với những tên tuổi trong làng điền kinh Việt Nam như: Trần Văn Lợi (vô địch leo núi Bà Rá 2012-2013, vô địch marathon toàn quốc 2013); Hoàng Nguyên Thanh (vua leo núi Bà Rá 2014-2015, HCV giải vô địch marathon toàn quốc 2015, HCĐ SEA Games 28); Lâm Thị Thúy (HCB giải vô địch marathon toàn quốc 2015).

Lão tướng Bùi Lương được vinh danh và trao phần thưởng Thành tựu trọn đời tại Cúp Chiến thắng năm 2016

“Tôi đến chết mới hết chạy, vì điền kinh đã ngấm vào tâm can rồi. Được huấn luyện cho nhiều thế hệ VĐV vừa may mắn, nhưng cũng vừa là động lực thôi thúc tôi sống khoẻ và bằng mọi giá phải đóng góp trở lại cho thể thao nước nhà”, quả đúng như lời ông nói trước khi qua đời, HLV Bùi Lương không chỉ chăm chỉ tập luyện hàng ngày, mà còn nhiệt tình dẫn dắt các VĐV trẻ, cốt để truyền thêm ngọn lửa khát vọng cho điền kinh và cho cả nền thể thao Việt Nam.

Trong những ngày cuối đời, ông vẫn thường xuất hiện ở nhiều giải marathon quốc gia Việt Nam như Giải Vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 65 (tháng 3/2024); Giải chạy THACO Marathon Vì an toàn giao thông - Điện Biên Phủ (tháng 4/2024) và giải marathon gần nhất mà ông tham dự là Giải Quảng Trị marathon 2024 (tháng 6/2024).

Với những cống hiến cho điền kinh nói riêng và thể thao nước nhà nói chung, năm 2016, huấn luyện viên Bùi Lương được vinh danh và trao phần thưởng Thành tựu trọn đời tại Cúp Chiến thắng.

Hơn 60 năm theo đuổi sự nghiệp chạy và huấn luyện, huấn luyện viên Bùi Lương chính là tượng đài đích thực của thể thao nước nhà nói chung và của điền kinh Việt Nam nói riêng. Xuyên suốt 2 thế kỷ, chứng kiến bao thăng trầm và đổi thay của môn thể thao này suốt từ ngày đầu thành lập ngành TDTT đến nay, hình ảnh của huấn luyện viên Bùi Lương gắn liền với điền kinh Việt Nam, trở thành biểu tượng cho ý chí rèn luyện, nghị lực phi thường đối với các lớp VĐV trẻ.

Lễ viếng ông Bùi Lương được tổ chức vào 10:00 ngày 3/7/2024 tại Nhà tang lễ 354 (13 phố Đội Nhân - Vĩnh Phúc - Ba Đình - Hà Nội)

A.T, ảnh Đông Linh

Ảnh trong bài
  • Lão tướng Bùi Lương: Điền kinh là tình yêu trọn đời
  • Lão tướng Bùi Lương: Điền kinh là tình yêu trọn đời
  • Lão tướng Bùi Lương: Điền kinh là tình yêu trọn đời