Dấu ấn giải Bơi cứu đuối thanh thiếu nhi “Đường đua xanh” toàn quốc năm 2024

Giải bơi cứu đuối thanh thiếu nhi “Đường đua xanh” toàn quốc năm 2024 đã khép lại tại Thanh Hóa vào ngày 29/6 vừa qua đã để lại nhiều dấu ấn về công tác tổ chức cũng như thành tích chuyên môn.

Tăng về số lượng VĐV thi đấu cũng như chất lượng chuyên môn

Giải bơi cứu đuối thanh thiếu nhi “Đường đua xanh” toàn quốc là hoạt động diễn ra thường niên nhằm góp phần thúc đẩy phong trào dạy bơi và học bơi, hình thành sân chơi bổ ích, lành mạnh cho học sinh, thanh thiếu niên và nhi đồng nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc, phòng, chống bệnh tật và giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ Việt Nam. Đồng thời, đây là dịp để phổ biến, triển khai Chương trình thí điểm đánh giá trẻ em biết bơi gồm các 4 tiêu chí đó là: Biết kiến thức phòng, chống đuối nước; Biết kỹ năng bơi từ 25m trở lên; Biết đứng nước, nổi ngửa và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; Biết kỹ năng cứu đuối an toàn.

Nhận thức được tầm quan trọng của giải đấu, công tác tổ chức đã được chủ nhà Thanh Hóa chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Bởi vậy, giải đấu diễn ra an toàn, đảm bảo về chuyên môn. Các đoàn VĐV tham dự được đón tiếp chu đáo, chỗ ăn nghỉ, tập luyện và thi đấu cho các VĐV đảm bảo thuận tiện… Điều đó đã góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn cho giải đấu.

Giải bơi cứu đuối thanh thiếu nhi “Đường đua xanh” toàn quốc năm 2024 có sự tham gia của gần 600 VĐV thuộc 21 đơn vị tỉnh, thành, ngành trên cả nước (tăng gần 100 VĐV so với năm 2023). Không chỉ tăng về số lượng các VĐV, năm nay Ban tổ chứ cũng tăng thêm 01 nội dung thi đấu.

Ban tổ chức trao giải cho các VĐV giành huy chương

Cụ thể, các VĐV tham gia thi ở 7 nội dung kỹ năng cứu đuối, rèn luyện kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, gồm: “Rung chuông vàng” tìm hiểu kiến thức về bơi an toàn phòng, chống đuối nước; Trò chơi “Ai mặc áo phao nhanh nhất”, Trò chơi “Đua thuyền”, Trò chơi “Cứu đuối trên bờ bằng phao”, Trò chơi “xuống nước cứu đuối gián tiếp” và Trò chơi “Con Sứa nào giỏi nhất”.

Cùng với đó, các VĐV tranh tài ở 82 nội dung bơi, lặn cá nhân (bơi tự do, bơi ếch, bơi ngửa, lặn ếch), tiếp sức nam, tiếp sức nữ; tiếp sức hỗn hợp nam - nữ và bơi dìu (bơi cứu đuối) ở từng nhóm tuổi 6-8, 9-11, 12-13, 14-15, 16-17.

Đánh giá về giải đấu, Phó Cục trưởng Cục TDTT Nguyễn Hồng Minh khẳng định: Giải bơi cứu đuối thanh thiếu nhi “Đường đua xanh” toàn quốc năm 2024 là sân chơi cần thiết, ý nghĩa nhằm phát triển phong trào tập luyện bơi, lặn, các kỹ năng an toàn, kỹ năng phòng chống đuối nước cho thanh thiếu nhi, học sinh và cộng đồng. Đây cũng là dịp để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, gia đình và toàn xã hội trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Qua đó tiếp tục tạo điều kiện cho thanh thiếu nhi, học sinh, các VĐV, cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ được giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng cứu đuối và phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Đồng thời để phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng VĐV viên đạt thành tích xuất sắc, có năng khiếu ở môn bơi, lặn cho các địa phương, đơn vị trên cả nước và cho các đội tuyển quốc gia.

Qua giải đấu còn cho thấy sự đầu tư về chất lượng chuyên môn của các đơn vị tham gia tranh tài. Điều này đã chứng tỏ phong trào tập luyện môn bơi lội ở cơ sở ngày càng được quan tâm và chú trọng. Sự hưởng ứng của cả cộng đồng đối với giải bơi giúp cho phong trào bơi lội lan tỏa sâu rộng, công tác phòng chống đuối nước và tập luyện tại các CLB, trung tâm, nhà trường, cơ sở giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh hơn.


Quảng Nam nhất toàn đoàn


Qua 4 ngày tranh tài sôi nổi, quyết liệt, ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 6 giải khuyến khích cho các đơn vị xuất sắc nhất. Kết quả, đoàn Quảng Nam xếp thứ nhất với 1.176 điểm. CLB bơi Tuổi trẻ (Hà Nội ) xếp thứ nhì với 1.012 điểm. Hai đơn vị xếp đồng hạng ba là CLB Aquarace (Hà Nội) và Đắk Lắk.

Đoàn Quảng Nam giành ngôi nhất toàn đoàn

Kết quả đạt được tại giải lần này đã cho thấy sự quan tâm, đầu tư của tỉnh Quảng Nam trong việc phát triển phong trào bơi, lội ở địa phương. Để có được kết quả trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã có kế hoạch thực hiện chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2030. Công tác phổ cập bơi lội, phòng chống đuối nước được các cấp, ngành quan tâm với nhiều chương trình, hoạt động cụ thể. Theo đó, thực hiện yêu cầu của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tăng cường công tác phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, trong đó nhấn mạnh tăng cường truyền thông và các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước trẻ em; tận dụng tối đa các cơ sở vật chất có thể phục vụ việc tập huấn, dạy bơi cho các em.

Bài, ảnh: MH

Ảnh trong bài
  • Dấu ấn giải Bơi cứu đuối thanh thiếu nhi “Đường đua xanh” toàn quốc năm 2024
  • Dấu ấn giải Bơi cứu đuối thanh thiếu nhi “Đường đua xanh” toàn quốc năm 2024
  • Dấu ấn giải Bơi cứu đuối thanh thiếu nhi “Đường đua xanh” toàn quốc năm 2024