Mùa giải 2024/25: VFF, VPF chú trọng công tác y tế, kiểm tra Doping các cầu thủ

Đó chính là một trong những mục tiêu quan trọng được VFF và Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên chuyên Việt Nam (VPF) đặt ra khi triển khai công tác chuẩn bị, tổ chức các giải Bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia năm 2024/2025.

Khi nói về vấn đề này, tại Hội nghị triển khai công tác chuẩn bị, tổ chức các giải Bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia năm 2024/2025 diễn ra gần đây, ông Nguyễn Văn Phú - Trưởng phòng y học thể thao VFF chia sẻ: Ở mùa giải tới đây, bộ phận y tế sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, khuyến cáo tới các cầu thủ ở CLB cũng như cấp các đội tuyển Quốc gia về những tác hại khi sử dụng vào các loại thuốc, thực phẩm có chứa các chất nằm trong danh sách cấm (Doping) của WADA trong tập luyện và thi đấu thể thao chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, VFF và VPF cũng đã đề nghị và có các văn bản cần thiết gửi tới các CLB nhằm thắt chặt công tác quản lý, tăng cường các buổi chuyên đề về nhận thức, tư tưởng đối với các cầu thủ tránh xa những tệ nạn xã hội (chất cấm trong thể thao, các loại chất gây nghiện, kích thích ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, phong độ thi đấu và lối sống của các cầu thủ từ cấp tuyển trẻ hay cầu thủ chuyên nghiệp thi đấu dưới mầu áo CLB hay cấp đội tuyển quốc gia).

Thông tin từ bộ phận truyền thông của VPF để nâng cao chất lượng và sự chuyên nghiệp của giải đấu V-League, mùa giải 2024/2025, BTC sẽ tiến hành lấy mẫu, kiểm tra Doping ngẫu nhiên các cầu thủ của mỗi CLB thi đấu tại V-League. Nếu phát hiện cầu thủ có dương tính với các chất cấm thì không chỉ cầu thủ mà đội bóng – nơi cầu thủ đó đầu quân cũng sẽ phải chịu những án phạt với mức kỷ luật nghiêm khắc.

Đinh Thanh Trung (bìa phải) là một trong năm cầu thủ bị Công an Hà Tĩnh tạm giữ vì sử dụng ma túy (Ảnh: báo Tuổi trẻ)

Sau sự việc 5 cầu thủ đội Hà Tĩnh, gồm Nguyễn Ngọc Thắng, Nguyễn Trung Học, Nguyễn Văn Trường, Đinh Thanh Trung và thủ môn Dương Quang Tuấn bị nghi sử dụng ma túy, đã tạo ra những hình ảnh xấu về Bóng đá nước nhà nói riêng và Thể thao Việt Nam nói chung.

Chính vì vậy, việc quan tâm, chú trọng tới công tác y tế, kiểm tra Doping đối với các cầu thủ đang thi đấu tại V-League là việc làm cấp thiết và cần được duy trì thường xuyên để nâng cao chất lượng giải đấu cũng như tạo hình đẹp về Thể thao Việt Nam đối với khán giả trong và ngoài nước.

Theo cựu Phó Chủ tịch VFF Dương Vũ Lâm: Việc kiểm tra này sẽ giúp phát hiện những cầu thủ sử dụng chất cấm trong quá trình giải diễn ra. Đây sẽ là biện pháp kỹ thuật buộc các cầu thủ phải sinh hoạt tốt hơn, nếu không muốn tự phá hỏng sự nghiệp của chính mình, nếu bị phát hiện sử dụng chất cấm.

Kinh nghiệm của các nền Bóng đá trên thế giới, ở cả CLB lẫn BTC các giải đấu, đó là đều có kiểm tra Doping và kiểm tra chất cấm đối với các cầu thủ, đột xuất hoặc định kỳ.

Ở các nền Bóng đá chuyên nghiệp, họ không quản lý cầu thủ sau giờ tập và giờ thi đấu. Các cầu thủ tự do sinh hoạt sau các trận đấu và các buổi tập, nhưng vào các buổi sáng, các CLB chuyên nghiệp có thể kiểm tra doping cầu thủ của họ. Còn với BTC các giải đấu quốc tế, họ thường kiểm tra trước và trong quá trình giải đấu diễn ra. Ông Lâm cho biết thêm.

Theo kế hoạch, đối với Bóng đá trong nước, BTC giải V-League sẽ bắt đầu tiến đến việc kiểm tra Doping trong thời gian tới. Đây được xem là động thái làm gương cho các CLB. Như vậy, các CLB muốn giữ cầu thủ của mình trong kỷ cương, thì tự thân từng CLB cũng phải thực hiện khâu kiểm tra doping, tránh các cầu thủ quá buông thả sau các buổi tập.

Năm 2024, Cục TDTT tổ chức các giải thuộc hệ thống quốc gia đối với 42 môn thể thao (trong đó có bóng đá). Số mẫu Doping dự kiến lấy kiểm tra sẽ được nâng lên so với những năm trước để hạn chế và quản lý tốt hơn VĐV thi đấu ở các giải đấu cấp quốc gia, qua đó góp phần tạo nên nên thể thao lành mạnh, có niềm tin trước người hâm mộ.

N.H

 

 

 

 

Ảnh trong bài
  • Mùa giải 2024/25: VFF, VPF chú trọng công tác y tế, kiểm tra Doping các cầu thủ