Những bước đi đầu tiên...

Những năm qua công tác đào tạo tài năng thể thao trẻ đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Trong giai đoạn mới khi mà ngành TDTT hướng đến những sân chơi đỉnh cao với các mục tiêu cụ thể được đặt ra tại đấu trường Asiad, Olympic..., công tác này thực sự đang là vấn đề trọng tâm và nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài ngành.

Là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp cho công tác đào tạo của ngành TDTT, không chỉ là lá cờ đầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ cao về TDTT cho cả nước, trường Đại học TDTT Bắc Ninh giờ đây còn là cái nôi đào tạo các VĐV tài năng thể thao trẻ uy tín và có chất lượng, bổ sung nhiều gương mặt suất sắc cho Thể thao Việt Nam tại các giải đấu lớn.

Mô hình trường Năng khiếu TDTT không phải là mới mẻ nhưng việc bố trí để các VĐV có thể nội trú để vừa tập luyện mà vẫn đảm bảo chương trình học văn hoá thì thật là hiếm. Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Olympic là một trường mới được thành lập dù còn non trẻ nhưng bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.

Sau 1 năm thành lập, dù còn gặp không ít hạn chế nhưng tập thể thầy và trò nhà trường đã hoàn thành tốt nhiiệm vụ được giao ở các mặt hoạt động, tiêu biểu phải kể đến thành tích thể thao tại các giải đấu trong và ngoài nước, thành tích học tập văn hoá mà các em đạt được. 

Trường phổ thông Năng khiếu TDTT Olympic - nơi ươm mầm những
tài năng thể thao (Ảnh: NA)

Trong năm 2009 – 2010, Nhà trường đã đào tạo cho hơn 200 học sinh với với 2 cấp học (từ lớp 6 đến lớp 12) và các em đã cố gắng, nỗ lực để có được kết quả tốt nhất. Cụ thể: Loại giỏi có 06 học sinh (chiếm tỷ lệ 3% tổng số học sinh); Loại khá có 36 học sinh (chiếm tỷ lệ 16%); Loại trung bình có 168 học sinh (tỷ lệ 68%); Loại yếu có 34 học sinh (chiếm tỷ lệ 13%)  và không có học sinh nào xếp loại kém.

Kết quả này tuy chưa phải khả quan so với các cơ sở đào tạo khác nhưng phản ánh đúng lực học của các em bởi trên thực tế, bên cạnh việc học tập văn hoá các em còn phải hoàn thành khối lượng lớn bài tập của giáo trình huấn luyện. Sau mỗi buổi tập mệt mỏi với cường độ cao các em thường mệt mỏi nên việc học tập văn hoá cũng bị ảnh hưởng. Theo ý kiến của một số em học sinh, các giờ học văn hoá căng thẳng như toán, hoá, sinh... cộng với việc kiến thức ngày càng nhiều, lại bị hổng từ các cấp học trước khiến các em nhanh nản và hay buồn ngủ. 

Chính vì thế, để đảm bảo công tác giảng dạy đạt kết quả cao, các giáo viên đã phải xây dựng giáo án phù hợp và phong phú để kích thích các em hăng say học tập. Việc trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Olympic chủ động về thời gian và chương trình học văn hoá (tạo điều kiện cho những em nào phải tham gia thi đấu không học được sẽ được phụ đạo sau đó để không bị bỏ lỡ kiến thức) đã khiến các em học sinh cũng như gia đình của các em an tâm và tin tưởng vào môi trường mà họ gửi gắm con, em vào học tập.

Bên cạnh chương trình học văn hoá đảm bảo theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo,  Nhà trường còn tổ chức đồng bộ các hoạt động giáo dục đạo đức, văn hóa, giáo dục truyền thống, pháp luật, quốc phòng, an toàn giao thông... nhằm nâng cao ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức xây dựng động cơ thái độ học tập đúng đắn, giúp học sinh tự học để chiếm lĩnh kiến thức trong chương trình của cấp học. 

Cũng trong năm học vừa qua, các VĐV của Nhà trường đã thi đấu thành công tại các giải đấu trong nước và quốc tế, giành nhiều thành tích cao về cho thể thao đỉnh vào và truyển trẻ Việt Nam. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến các em như:  Lê Bình Định HCV giải trẻ Đông Nam Á, HCB giải Đại hội thể thao Châu Á: Nguyễn Thị Việt Linh HCV giải trẻ Đông Nam Á và rất nhiều thành tích của các VĐV khác.

Năm 2009 - 2010, có thể nói còn nhiều hạn chế và bất cập nhưng những thành tích ban đầu khả quan này chắc chắn sẽ là động lực thúc đẩy tập thể thầy và trò trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Olympic nỗ lực hơn nữa nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra. "Vạn sự khởi đầu nan", "Ở đâu có ý chí ở đó có con đường" - tâm sự của một cán bộ trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Olympic nhân ngày tổng kết năm học cũng chính là điều mà tác giả bài viết muốn gửi gắm thay cho lời kết.

Xuân Nhi

Ảnh trong bài
  • Những bước đi đầu tiên...