Lê Tuấn Minh và hành trình đến với tấm HCĐ Olympiad 2024

Lê Tuấn Minh và tấm HCĐ ngay lần đầu góp mặt tại đấu trường lớn nhất hành tình – Olympiad Cờ vua 2024 thực sự làm nức lòng người hâm mộ! Có thể nói, nếu Quang Liêm để lại dấu ấn mạnh mẽ bằng những màn đối đầu nảy lửa với các “vua cờ” thì Lê Tuấn Minh lại là người giành điểm quyết định trong những chiến thắng để đời của tuyển nam Việt Nam. Theo dõi Lê Tuấn Minh đánh bại các đối thủ để thấy đóng góp thầm lặng của kỳ thủ 26 tuổi sở hữu Elo 2.564 này quan trọng như thế nào.

Chơi cờ hay, học văn hóa giỏi

Trong làng cờ Hà Nội, từ lâu, Lê Tuấn Minh đã nổi tiếng về khả năng học văn hóa cũng như chơi cờ. Đam mê Cờ vua sau khi làm quen với môn thể thao này từ năm 8 tuổi với những buổi tập ở Trường Thể thao 10-10, kỳ thủ này đã giành không ít danh hiệu ở các giải trẻ khu vực ĐNÁ, quốc gia. Sách dạy cờ của HLV Lương Trọng Minh là cuốn sách đầu tiên Tuấn Minh làm quen khi đến với cờ, anh thuộc đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Tuấn Minh chia sẻ: “Càng tập và đọc sách về cờ tôi càng thấm và đam mê với nó lúc nào không biết”.

Lê Tuấn Minh với tấm HCĐ của mình

Ít ai biết để có ngày hôm nay, kỳ thủ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội này đã trải qua hơn 10 năm vô cùng vất vả để vừa thỏa mãn đam mê chơi cờ vừa có thể học văn hóa. Trước khi trở thành sinh viên khoa luật học Đại học Luật Hà Nội, Lê Tuấn Minh (sinh năm 1996) là học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ thuộc Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhà có hai chị em, chị gái Tuấn Minh cũng nổi tiếng là học tiếng Anh rất giỏi nên gia đình muốn Minh đi theo con đường học hành như chị gái mình. Thế nhưng bà Nguyễn Thị Loan – mẹ của Tuấn Minh, cho biết, con trai bà không hề có lựa chọn như nhiều VĐV khác là chọn học văn hóa để bỏ cờ hoặc ngược lại. 

Để có thể vừa là học sinh giỏi, sinh viên ưu tú, vừa là VĐV cờ chuyên nghiệp, Tuấn Minh phải hi sinh rất nhiều thứ. Trong khi chúng bạn cùng lứa có nhiều thời gian để giải trí thì Minh tận dụng từng phút một để giải quyết cả việc học văn hóa và chơi cờ.

“VĐV cờ chuyên nghiệp đòi hỏi phải có tối thiểu 4-6 tiếng luyện cờ/ngày. Ngoài ra Tuấn Minh phải đến lớp học, ôn bài tại nhà… Một VĐV phải siêng năng, bố trí thời gian khoa học mới có thể làm tốt được hai việc một lúc mà lại làm rất tốt”. Các đồng đội của Tuấn Minh cho biết: thường thấy Tuấn Minh mang sách, bài tập ở trường khi di chuyển để thi đấu, tập huấn cờ. Ngồi ở nhà chờ máy bay hay bất cứ đâu có thời gian rảnh, Tuấn Minh đều dành thời gian đọc sách, làm bài tập. Còn khi trên lớp lúc rảnh thì Minh tận dụng luyện cờ.

Lê Tuấn Minh có khả năng tính toán phương án chính xác, tư duy chiến thuật sắc bén, điều này làm thay đổi cục diện ván cờ và làm đối thủ khó lường. Trước năm 2016, khả năng chơi phòng thủ và chơi tàn cuộc của Tuấn Minh chưa tốt lắm, nhưng giờ đã được cải thiện hơn rất nhiều.

Để có được thành công như hôm nay, Tuấn Minh nhận được sự hỗ trợ rất tốt từ gia đình. Mẹ không biết gì về Cờ vua nhưng luôn chăm lo tốt nhất về tinh thần cho Tuấn Minh. Việc được thi đấu tại quê nhà Hà Nội giúp Tuấn Minh thuận lợi về thời tiết, giờ giấc sinh hoạt, điều kiện thi đấu… Với chiều cao 1m88 nặng 81 kg, kỳ thủ "đẹp trai" này có thể lực tốt để đấu trí đường dài với các đối thủ. Mẹ kỳ thủ cũng tiết lộ mỗi khi đấu xong 1 giải là anh tụt mất 1 kg. Ở Việt Nam, hiếm VĐV nào có được hậu phương tuyệt vời như Lê Tuấn Minh. Bà Nguyễn Thị Loan đã đi theo con trai từ những giải đấu đầu tiên trong đời. Gần như không giải đấu trong nước, quốc tế nào mà bà Loan không đồng hành bên con trai…

Hành trình không hề dễ dàng

Đến với Cờ vua khá trễ, thế nhưng, hành trang cờ của Lê Tuấn Minh không hề kém các tài năng trẻ khác. Anh được biết đến nhiều khi suýt giành ngôi vô địch Giải Cờ vua quốc tế HDBank 2018, so tài nảy lửa với "vua cờ" Magnus Carlsen, đồng vô địch World Open 2022 rồi giành cú đúp HCV cá nhân lẫn đồng đội cờ chớp tại SEA Games 31.

Sau khi trở thành kỳ thủ Việt Nam thứ 13 được phong cấp Đại Kiện tướng năm 2022, Lê Tuấn Minh trở thành thành viên quan trọng của tuyển Việt Nam, thường sắm vai hỗ trợ 2 đồng đội giàu kinh nghiệm là Quang Liêm và Trường Sơn tại các giải đồng đội như Olympiad.

Cho đến tháng 6/2024, Tuấn Minh đã chơi tổng cộng 405 ván cờ tiêu chuẩn tính Elo. Con số này thấp hơn nhiều so với kỳ thủ 27 tuổi Trần Tuấn Minh, với 1.236 ván. Những Đại Kiện tướng khác cũng được cọ xát nhiều hơn hẳn ở tuổi 28, với Lê Quang Liêm là 1.157 ván, Trường Sơn 917 ván, Đức Hòa 702 ván, Minh Huy 732 ván và Văn Huy 596 ván.

Do ít chơi cờ tiêu chuẩn, Tuấn Minh phải chờ đến năm 26 tuổi mới trở thành Đại kiện tướng. Trong khi đó, những Đại Kiện tướng thế hệ 9x trở về sau đều làm được điều đó trước tuổi 21.

Khi mới còn là Kiện tướng quốc tế (IM), Lê Tuấn Minh đã nổi danh ở làng cờ với hệ số cờ chớp và siêu chớp trực tuyến có lúc thuộc Top 10 trên nền tảng Chess. Nhiều cao thủ coi anh là “IM mạnh nhất thế giới”. Nói về Lê Tuấn Minh, năm 2021, cao thủ Hikaru Nakamura nói rằng: việc anh trở thành Đại kiện tướng (GM) chỉ là vấn đề thời gian.

Lê Tuấn Minh với màn đối đầu kịch tính ở vòng 5 Olympiad 2024

Giới chuyên môn ghi nhận sức cờ tiêu chuẩn của Lê Tuấn Minh xứng đáng góp mặt trong Top 100 thế giới, vấn đề chỉ là thời gian và nếu được đầu tư, anh hoàn toàn có thể tiếp bước Lê Quang Liêm đứng vào hàng ngũ các siêu Đại Kiện tướng quốc tế (Elo từ 2.700 trở lên).

Trong thời gian qua, Tuấn Minh dành thời gian nhiều hơn cho Cờ vua, khi tốt nghiệp đại học và lập một kênh riêng trên nền tảng Twitch. Kênh của anh dùng tiếng anh, đã có hơn 25.000 người theo dõi. Kỳ thủ 28 tuổi cũng được mời hoặc giành suất dự nhiều giải trưc tuyến tầm cỡ, nổi bật là Speed Chess Championssip 2024, nơi anh thua số 1 thế giới Magnus Carlsen ở vòng 1/8.

Cũng trong thời gian này, nhờ sự hỗ trợ của Cờ vua Hà Nội, Tuấn Minh thi đấu cờ tiêu chuẩn quốc tế nhiều hơn để tăng Elo, từ mức 2514 lên 2598 như hiện tại. Sự vươn lên của anh giúp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để đạt thành tích cao tại Olympiad cờ vua những kỳ tới, khi bàn ba đã thành điểm mạnh của đội.

Tạo lên dấu ấn tại Oylpiad 2024

Lê Quang Liêm nhận xét tuyển Việt Nam dự Olympiad 2024 đồng đều nhất từ trước đến nay, chính là nhờ vai trò "cầu nối" quan trọng của Lê Tuấn Minh.

Trong ngày thi đấu cuối cùng giải đồng đội Cờ vua thế giới – Olympiad 2024, kỳ thủ Lê Tuấn Minh đã xuất sắc đánh bại Raja Panjwani của Canada để giành HCĐ cá nhân.

Lê Tuấn Minh đã chiếm thế chủ động trong suốt ván đấu và đánh bại đối thủ chỉ sau 31 nước cờ. Chiến thắng này giúp kỳ thủ số 3 Việt Nam là đại diện duy nhất của đội tuyển Cờ vua Việt Nam (cả nam và nữ) giành được HCĐ ở Olympiad.

Thành tích bất bại tại Olympiad 2024 giúp anh giành HCĐ trong số các kỳ thủ ngồi bàn thi đấu số 3 nhưng hiệu suất thi đấu tương đương Elo 2.795 của Lê Tuấn Minh còn cao hơn hiệu suất 2.783 của kỳ thủ giành HCV bàn đấu số 2 là Đại Kiện tướng Nguyễn Thái Đại Văn (CH Czech, 2.647).

Tăng 34 Elo sau Olympiad 2024, Lê Tuấn Minh vươn lên chỉ cách cột mốc 2.600 vỏn vẹn 2 Elo và nếu vượt qua khoảng cách mong manh này trong thời gian ngắn sắp tới, anh sẽ trở thành kỳ thủ Việt Nam mạnh thứ 4 trong lịch sử - sau Lê Quang Liêm (2.741), Nguyễn Ngọc Trường Sơn (2.665) và Đào Thiên Hải (2.609).

Có thể nói, tìm người kế cận Quang Liêm và Trường Sơn là câu hỏi chưa có lời giải hơn 10 năm qua. Hai kỳ thủ này đã song hành tại Olympiad Cờ vua từ năm 2006, cùng nhau ngồi hai bàn đầu tiên của đội nam từ năm 2008. Kể từ đó, những kỳ thủ ngồi bàn ba thường thay đổi từ Thiên Hải đến các Đại kiện tướng như: Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Đức Hòa, Nguyễn Huỳnh Minh Huy hay Trần Tuấn Minh đều không có hiệu suất thi đấu đạt mức 2700. Nếu không tính Thiên Hải năm 2008, hiệu suất của những kỳ thủ còn lại đều dưới 2600 cho đến khi Lê Tuấn Minh lần đầu dự giải.

Ở hai kỳ tiếp theo tại Olympiad Cờ vua năm 2026 và 2028, cùng với Quang Liêm, Trường Sơn, Lê Tuấn Minh cũng sẽ tiếp tục là lá cờ đầu của đội nam. Khi đó, Lê Tuấn Minh sẽ đóng vai trò như gạch nối giữa 2 thế hệ, và khả năng giành huy chương của VN sẽ có đóng góp cực quan trọng của anh.

Minh Minh, Ảnh: FIDE

Ảnh trong bài
  • Lê Tuấn Minh và hành trình đến với tấm HCĐ Olympiad 2024
  • Lê Tuấn Minh và hành trình đến với tấm HCĐ Olympiad 2024