Thành viên Ban điều hành Hội đồng Olympic châu Á Mikako Kotani của Nhật Bản cho biết: phong trào đã nhận được sự thúc đẩy lớn từ Hội thảo về bình đẳng giới lần đầu tiên tại Bahrain vào năm 2022. Hội đồng Olympic châu Á không ngừng cam kết với mục tiêu này và thông qua các sáng kiến tại hội thảo lần này, nỗ lực trao quyền cho nhiều phụ nữ hơn, vun đắp các đồng minh mạnh mẽ và thúc đẩy một môi trường mà sự lãnh đạo, cạnh tranh và sự tham gia phản ánh sự đa dạng của cộng đồng châu lục.

Hội thảo về bình đẳng giới lần thứ hai của Hội đồng Olympic châu Á đã thu hút gần 100 đại biểu từ 43 NOC và 19 diễn giả
Bài Mikako Kotani cũng nêu bật chủ đề “Watch Her Shine” của hội thảo thứ hai này, muốn gửi đi một thông điêp rằng: “Chúng ta không thể làm điều này một mình. Tiến bộ thực sự đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các bên liên quan: Ủy ban Olympic quốc gia, liên đoàn, huấn luyện viên và đồng minh nam giới, những người ủng hộ mục tiêu cùng chúng ta”.
Nhân diễn đàn này, Hoàng thân Sufri Bolkiah, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Brunei Darussalam và thành viên danh dự Ban điều hành Hội đồng Olympic châu Á đã công bố kế hoạch chiến lược đầu tiên của Ủy ban Olympic quốc gia Brunei Darussalam về phụ nữ trong thể thao. Theo đó, kế hoạch phác thảo những thời điểm quan trọng trong quá trình hình thành chiến lược cùng với tầm nhìn, sứ mệnh và hình mẫu trong thể thao nữ tại Brunei.
HRH Hoàng thân Feisal Al Hussein, thành viên Ban điều hành Ủy ban Olympic quốc tế và Chủ tịch Ủy ban Olympic Jordan chia sẻ rằng: châu Á đang tụt hậu so với các châu lục khác về bình đẳng giới và những thách thức không được trở thành cái cớ.
Chủ tịch Ủy ban bình đẳng giới của Hội đồng Olympic châu Á Valerie Tarazi nhấn mạnh rằng: "Chúng ta tụ họp ở đây, đoàn kết với nhau bởi niềm tin chung vào sức mạnh chuyển đổi của thể thao. Thể thao là ngôn ngữ chung, vượt qua biên giới, văn hóa và thế hệ. Hội thảo này đại diện cho một bước tiến quan trọng trong hành trình chung của chúng ta. Đây là thời điểm để suy ngẫm, hợp tác và hành động. Cùng nhau, chúng ta sẽ khám phá cách đưa bình đẳng giới vào chính cấu trúc của các hoạt động, chính sách và chiến lược của Hội đồng Olympic châu Á. Cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng một tương lai mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn cho thể thao ở châu Á và xa hơn nữa. Chúng ta sẽ thiết lập tiêu chuẩn mới cho châu Á”.
Chủ tịch Valerie Tarazi cũng trình bày lộ trình của Hội đồng Olympic châu A cho giai đoạn 2024-2027 với năm chủ đề chính và ba cấp độ. Năm chủ đề là sự tham gia, lãnh đạo và đại diện, phương tiện truyền thông và miêu tả, phát triển, giáo dục và nhận thức, và cơ sở.
Các mục tiêu bao gồm 30% đại diện nữ ở mọi cấp độ của phong trào Olympic tại Châu Á bao gồm cả huấn luyện viên, quan chức, quản trị viên và giám đốc điều hành, phù hợp với chính sách của Ủy ban Olympic quốc tế
Chủ tịch Valerie Tarazi chỉ ra rằng, trong số 45 Ủy ban Olympic quốc gia ở châu Á, chỉ có sáu Ủy ban Olympic quốc gia có 30% đại diện là nữ trong ban điều hành, khiến 39 Ủy ban Olympic quốc gia không đạt được khuyến nghị của Ủy ban Olympic quốc tế. Nhìn lại Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu, 11% Trưởng đoàn là nữ, 41% vận động viên là nữ, 29% cán bộ kỹ thuật và 16% cán bộ đội và đại biểu kỹ thuật là nữ. Hội đồng Olympic châu Á sẽ phấn đấu đạt được 50% đại diện cho Đại hội thể thao châu Á Aichi-Nagoya tại Nhật Bản vào năm 2026.
Lộ trình cũng kêu gọi các Ủy ban Olympic quốc gia nộp đơn xin 10.000 đô la Mỹ dành cho phát triển xã hội thông qua chương trình Olympic và giáo dục. Trong tương lai, Ủy ban bình đẳng giới của Hội đồng Olympic châu Á sẽ có một gian hàng tại Đại hội thể thao châu Á để quảng bá phong trào phụ nữ và thể thao. Chủ tịch Valerie Tarazi cũng chỉ ra cách các Ủy ban Olympic quốc gia có thể hỗ trợ Hội đồng Olympic châu Á bằng cách nộp đơn xin tổ chức các sự kiện như hội thảo, thu thập và báo cáo dữ liệu cũng như chia sẻ các dự án và hoạt động thực tiễn tốt nhất của Ủy ban Olympic quốc gia.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được cung cấp kiến thức và kinh nghiệm trực tiếp về các vấn đề mà phụ nữ phải đối mặt trong thể thao cũng như các thông lệ tốt nhất của Ủy ban Olympic quốc gia.
Làm rõ vấn đề này, thành viên Ban điều hành Hội đồng Olympic châu Á Mikako Kotani của Nhật Bản, giám đốc trọng tài nữ Liên đoàn bóng đá châu Á Pannipar Kammueng của Thái Lan và Farah Ann Abdul Hadi, vận động viên thể dục dụng cụ Olympic và đại sứ sức khỏe tâm thần đến từ Malaysia đã lấy ví dụ thực tế từ công việc của mình. Theo đó, các diễn giả đã chia sẻ những thách thức và trở ngại phải đối mặt trên hành trình của mình và lời khuyên cho phụ nữ và trẻ em gái trong phong trào thể thao Olympic.
Cùng với đó, Giám đốc bình đẳng giới và hòa nhập của Ủy ban Olympic quốc tế, Pedro Dias đã trình bày về các xu hướng toàn cầu về bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ.
Hội thảo về bình đẳng giới lần thứ hai của Hội đồng Olympic châu Á đã thu hút gần 100 đại biểu từ 43 NOC và 19 diễn giả.
A.T biên dịch, ảnh ocasia