Lực sỹ Lê Văn Công: sẽ tiếp tục nỗ lực để trở lại thi đấu và giành nhiều thành tích cao cho Thể thao người khuyết tật Việt Nam

Paralympic Paris 2024 đang dần khép lại sau những ngày tranh tài kịch tính, đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam ghi dấu ấn với 1 HCĐ, của lực sỹ Lê Văn Công – môn Cử tạ. Trang tin TDTT Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với “người hùng” của thể thao NKT Việt Nam để nghe anh chia sẻ về những khó khăn, niềm vui khi lần thứ 3 liên tiếp giành huy chương tại một kỳ Thế vận hội lớn nhất hành tinh dành cho người khuyết tật.

Lực sỹ Lê Văn Công - người vừa giành tấm HCĐ duy nhất cho đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Paris 2024 (Ảnh: NV)

Là VĐV duy nhất của đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam giành HCĐ ở Paralympic 2024. Cảm nhận của anh về kết quả này?

Là VĐV có nhiều năm gắn bó với Thể thao Người khuyết tật và từng giành nhiều thành tích ở các đấu trường trong nước và quốc tế. Được tham gia thi đấu để mang vinh quang về cho Tổ quốc luôn là động lực thôi thúc tôi tập luyện hàng ngày. Thành quả mà tôi giành được là những tấm huy chương, dù là màu gì cũng luôn mang đến cho tôi nhiều cảm xúc vừa vinh dự, tự hào và đong đầy hạnh phúc.

Tấm HCĐ vừa giành được ở Paralympic Paris 2024 là thành tích thấp nhất so với hai kỳ Paralympic trước (HCV Rio 2016 và HCB Tokyo 2020), nhưng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt với tôi. Bởi, ở kỳ thế vận hội năm nay, ngoài việc phải chinh phục đòn tạ, cạnh tranh với các đối thủ mạnh hàng đầu thế giới tôi còn phải vượt qua chính mình khi thi đấu với một thể trạng chưa hoàn toàn bình phục. Đây cũng chính là thử thách lớn nhất mà tôi đã vượt qua. Bởi vậy, dù có chưa thực sự thỏa mãn, nhưng tấm HCĐ này là thành quả của sự nỗ lực vượt bậc của tôi.

Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về những khó khăn, thách thức khi đến với Paralympic Paris 2024?

Paralympic Paris 2024 -sân chơi lớn nhất hành tinh dành cho những VĐV người khuyết tật hàng đầu thế giới vốn dĩ đã vô cùng khốc liệt. Với cá nhân tôi, sự khốc liệt ở kỳ thế vận hội lần này cao gấp bội, bởi tôi phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thách thức khi đối thủ là những VĐV rất xuất sắc như: Omar Qarada, Kayapinar …

Đến với Paris 2024, tôi là VĐV được kỳ vọng sẽ mang huy chương về cho đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam. Bởi vậy, trọng trách này cũng tạo cho tôi áp lực tâm lý, cùng với đó là vấn đề tuổi tác, năm nay tôi đã 40 tuổi, trong khi các đối thủ của tôi là những VĐV trẻ, giỏi về chuyên môn và đang ở đỉnh cao phong độ khiến tôi có những lo lắng. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất của tôi chính là chấn thương ở vai chưa hồi phục. Đây cũng chính là thử thách lớn nhất mà tôi phải vượt qua để có mặt trên bục huy chương Paralympic 2024.

Bước vào thi đấu, tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, tôi luôn tâm niệm một điều, thể thao  như cuộc sống của mình vậy. Mặc cho đối thủ mạnh cỡ nào, vì danh dự, vì trách nhiệm và vì muốn chiến thắng bản thân nên tôi tập trung hết khả năng trong khi thi đấu. Sau lần cử đầu tiên với mức tạ 171kg, vai tôi đã rất đau. Tôi vẫn cố gắng hết sức với hi vọng có thể tăng thành tích, nhưng lần cử 176kg, vai đau nhói khiến suýt rớt tạ. Thi đấu xong trở về, cánh tay phải của tôi cũng bị chùn xuống luôn, không thể cầm, nắm, dù chỉ là đôi đũa ăn cơm... Chắc chắn tôi sẽ phải trải qua những ngày cơn đau hành hạ, nhưng với tôi được thi đấu, được cống hiến cho Tổ quốc là điều tôi cảm thấy hạnh phúc và vượt qua tất cả.

Tôi đã cố gắng hết sức, và tấm HCĐ tôi vừa giành được là niềm an ủi, là động lực để tôi tiếp tục cố gắng hơn. Sau Paralympic 2024, tôi sẽ nỗ lực chữa trị chấn thương để có thể trở lại thi đấu với phong độ tốt nhất, gặt hái thêm nhiều thành công cho Thể thao người khuyết tật Việt Nam ở kỳ Thế vận hội tới và trong tương lai.

Tấm HCĐ vừa giành được ở Paris 2024, đã giúp anh trở thành VĐV khuyết tật đầu tiên và duy nhất ở thời điểm này đi vào lịch sử Thể thao Việt Nam khi sở hữu trọn bộ huy chương với đủ màu ở 3 kỳ Paralympic liên tiếp kể từ Paralympic Rio 2016 đến nay. Anh muốn nói điều gì về thành quả của mình?

Tấm HCĐ tôi vừa giành được là thành quả của cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân. Tôi cho rằng, thành quả đó không phải chỉ của riêng tôi mà có sự đóng góp của nhiều người. Tôi vô cùng biết ơn lãnh đạo Nhà nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục thể thao, Hiệp hội Paralympic Việt Nam, Sở Văn hoá, Thể thao TP.HCM, Trung Tâm Huấn Luyện Thể Thao Quốc Gia TPHCM, ban huấn luyện đội tuyển Cử tạ Người khuyết tật Việt Nam và đông đảo người hâm mộ. Không có sự ủng hộ, giúp đỡ của họ, chắc chắn tôi không thể đến với ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh dành cho người khuyết tật. Đây là đấu trường mà mỗi VĐV nói chung, cá nhân tôi nói riêng luôn khao khát được tham dự.

Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến những người đã ủng hộ mình suốt những năm tháng đã qua. Đặc biệt là gia đình, vợ con, người thân của tôi đã hy sinh rất nhiều để tôi có thể theo đuổi sự nghiệp thể thao. Cảm ơn các nhà tài trợ đã luôn đồng hành, tiếp sức cho tôi trên hành trình chinh phục những đỉnh cao vinh quang.   

VD thực hiện

Ảnh trong bài
  • Lực sỹ Lê Văn Công: sẽ tiếp tục nỗ lực để trở lại thi đấu và giành nhiều thành tích cao cho Thể thao người khuyết tật Việt Nam
  • Lực sỹ Lê Văn Công: sẽ tiếp tục nỗ lực để trở lại thi đấu và giành nhiều thành tích cao cho Thể thao người khuyết tật Việt Nam