Chặng đường hồi sinh của Đá cầu Bắc Giang

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Bắc Giang đã được mệnh danh là “cái nôi” của môn Đá cầu. Lúc bấy giờ, cố thày giáo Đỗ Chỉ - giáo viên trường cấp 3 Ngô Sỹ Liên là người có công lớn khi đặt những “viên gạch” đầu tiên cho phong trào Đá cầu ở Bắc Giang. Chắc hẳn những người yêu thích môn Đá cầu không thể quên hình ảnh người thày bình dị luôn mang bên mình hành trang một cuộn dây làm lưới, vài quả cầu lông gà tự chế, đạp chiếc xe đạp "cà tàng" để đi đến khắp các trường học trong tỉnh vận động, hướng dẫn các học trò chơi môn Đá cầu với tất cả lòng say mê và nhiệt huyết vì sự phát triển của Đá cầu nói riêng và phong trào TDTT trong trường học nói chung. Với những công lao đóng góp cho phong trào Đá cầu Bắc Giang, thày Đỗ Chỉ được coi như một trong những "lão làng" của Đá cầu Việt Nam.

Mỗi khi giải Đá cầu toàn quốc được tổ chức trên đất Bắc Giang, những nén tâm nhang của các Trưởng đoàn, VĐV các tỉnh về dự giải lại được thắp trên bàn thờ với tấm lòng thành kính trước vong linh thày Đỗ Chỉ. Phát huy từ nơi khởi thuỷ của phong trào Đá cầu, Bắc Giang đã nhanh chóng hình thành được đội tuyển Đá cầu hùng mạnh để  “làm mưa, làm gió” trong nhiều năm liên tiếp tại các giải Đá cầu quốc gia. Đến những năm cuối của thế kỷ 20, Đá cầu Bắc Giang rơi vào cuộc khủng hoảng lực lượng trầm trọng và đành ngậm ngùi nhìn các tỉnh bạn mang Vàng về từ các giải đấu lớn. Đây cũng chính là khoảng lặng buồn của Đá cầu Bắc Giang. Thực tế đó đã đặt ra nhiều câu hỏi cho môn Đá cầu tại Bắc Giang, trong đó điều mà những người làm công tác TDTT ở Bắc Giang luôn trăn trở đó là: phải làm gì để Bắc Giang xứng đáng là “cái nôi” của môn Đá cầu. Chính vì vậy mà cuộc “cải tử hoàn sinh” cho đá cầu Bắc Giang sớm được tiến hành.

Trong suốt quãng thời gian 3 - 4 năm ròng, thế hệ kế tiếp của Đá cầu Bắc Giang mới bắt đầu lộ diện. Đó là thời gian làm việc không biết mệt mỏi của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, HLV... ngành TDTT Bắc Giang mà trực tiếp là các HLV như: Phạm Quang, Nguyễn Hữu Yên, Trương Văn Đức... Với sự đoàn kết, cùng chung một chí hướng, họ đã lặn lội đi khắp các trường học trên địa bàn tỉnh - nơi không lúc nào vắng bóng trái cầu, để tìm kiếm những tài năng. Bên cạnh đó, là chủ trương liên tục coi Đá cầu là môn thể thao mũi nhọn của tỉnh nên được các cấp lãnh đạo quan tâm sát sao và đầu tư lớn nhất với quyết tâm giành lại vị thế cho Đá cầu Bắc Giang. Thế rồi bao nỗi vất vả cũng đã được đền đáp thoả đáng, “những viên ngọc thô” mang những cái tên: Nguyễn Anh Tuấn, Thân Ngọc Ba, Hoàng Thị Hải, Trịnh Thị Nga… đã được trưng tập.

Tiến trình tập luyện khoa học với tinh thần kỷ luật cao, Đá cầu Bắc Giang đã nhanh chóng lấy lại niềm tin để quyết tâm tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên đấu trường trong nước cũng như quốc tế. Đó là năm 2004, Đá cầu Bắc Giang đánh dấu mốc cho cuộc trở lại của mình bằng những chiến thắng ngoạn mục để đoạt ngôi vô địch toàn đoàn tại giải Đá cầu trẻ quốc gia. Tiếp đến, năm 2005, Đá cầu Bắc Giang chính thức tuyên bố sự hồi sinh mạnh mẽ của mình khi đoạt ngôi vô địch với 3HCV, 3HCB, 4HCĐ giành được tại giải vô định Đá cầu toàn quốc. Từ đó đến nay, Đá cầu Bắc Giang luôn nằm trong tốp 3 đoàn dẫn đầu toàn quốc. Riêng năm 2008, Đá cầu đã mang về cho Bắc Giang 14 huy chương, trong đó có 6HCV.

Đặc biệt nhất là năm 2007, các VĐV Đá cầu Bắc Giang đã giành được 4HCV tại giải vô địch Đá cầu thế giới trong màu áo đội tuyển Đá cầu Việt Nam. Tháng 3/2009, tại giải vô địch Đá cầu cá nhân toàn quốc, đội tuyển Đá cầu Bắc Giang giành được 2HCV, 4HCB, xếp thứ nhì toàn đoàn. Đây là tín hiệu vui để Đá cầu Bắc Giang quyết tâm lấy lại ngôi vương tại giải Đá cầu Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010.

Tìm hiểu về mục tiêu trong thời gian tới, ông Bùi Ngọc Anh - Phó Giám đốc Trung tâm HL và TĐ TDTT Bắc Giang cho biết: “Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã yêu cầu bộ môn rà soát lực lượng, chọn lựa những VĐV có triển vọng để tập trung đầu tư. Hiện tại, đội ngũ VĐV này đang được tập luyện với cường độ cao để chuẩn bị cho những cuộc đấu lớn phía trước, mà cụ thể là SEA Games 25. Để các VĐV yên tâm tập luyện, Trung tâm đã tích cực phối hợp với các trường để kết hợp tốt giữa việc tập luyện với việc học văn hoá, đồng thời phổ biến chế độ đãi ngộ với các VĐV năng khiếu thể thao…”

Trường Giang

Ảnh trong bài
  • Chặng đường hồi sinh của Đá cầu Bắc Giang