Hà Tĩnh triển khai thực hiện Kết luận 70-KL/TW

Nhằm cụ thể hóa triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận với nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Trong những năm qua, để phát triển TDTT tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình nhằm đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong mọi tầng lớp nhân dân, đưa phong trào thể dục thể thao tỉnh nhà ngày càng phát triển toàn diện, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng.

Hàng năm, hướng dẫn và tổ chức thành công “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân” và tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao trong tháng 3 cho mọi người từ cấp tỉnh đến cơ sở; tổ chức Lễ phát động “Chạy vì sức khoẻ cộng đồng UPRACE” đạt kết quả cao về số lượng người và quảng đường; tổ chức và phối hợp tổ chức thành công giải thể thao cấp tỉnh; tổ chức 150 hoạt động/năm, giải thể thao cấp huyện và trên 1.000 hoạt động, giải thể thao cấp xã/năm.

Việc triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển, đạt các chỉ tiêu đề ra, trong đó tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên đạt: 39,1%;  Tỷ lệ gia đình thể thao đạt: 29%; Cộng tác viên TDTT cơ sở: 456 người; Số CLB thể thao phong trào đạt trên: 1.096 câu lạc bộ.

Tỉnh tập trung tăng cường đầu tư xây dựng các sân chơi bãi tập, công trình thể thao trong quần thể Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, cụm thôn, thôn, tổ dân phố. Bổ sung các điều kiện đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT trong cơ sở tập luyện, sân bãi thể thao gắn với nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao phường, xã. Đến nay 100% thôn có nhà văn hóa, khu thể thao cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL. 

Ngoài các công trình TDTT do nhà nước đầu tư xây dựng, một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố đã đầu tư xây dựng các sân thể thao vừa kinh doanh, vừa phục vụ hoạt động TDTT, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân như: sân Bóng đá cỏ nhân tạo, Bóng chuyền, Quần vợt, Cầu lông....

Công tác GDTC và thể thao trong trường học có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện nay, 100% trường học thuộc thành phố đang triển khai tốt các chương trình nội khóa. Các hoạt động TDTT trong trường học diễn ra sôi nổi, thường xuyên. Hàng năm, ngành giáo dục thành phố đều tổ chức tốt Hội khỏe Phù Đổng, tạo phong trào thi đua nâng cao chất lượng GDTC trong các trường học. Đặc biệt, việc đưa bộ môn Bóng rổ vào trường học đã góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực của thanh thiếu nhi. 100% các trường học có hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị TDTT cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy và tổ chức các hoạt động TDTT, với 25 sân tập thể thao, 09 sân bóng chuyền, 05 sân bóng rổ, 01 bể bơi và 02 nhà đa năng.

Cùng với đó, thể thao thành tích cao cũng đạt nhiều kết quả khả quan khi các VĐV của tỉnh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (chỉ tiêu: từ 175 - 180 Huy chương, trung bình mỗi năm giành được trên 200 huy chương các loại). Đặc biệt, tại Đại hội thể thao Đông Nam Á – SEA Games 32 góp phần giành được 08 Huy chương: 05 HCV-01 HCB-02 HCĐ, tại Đại hội Thể thao châu Á – Asiad tại Hàng Châu, giành: 02 HCĐ, các đội tuyển bóng đá trẻ của tỉnh giành thành tích tốt ở các giải trẻ Quốc gia được tổ chức hàng năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thể thao Hà Tĩnh cũng phải đối mặt với một số khó khăn, tồn tại. Theo đó, cơ sở vật chất TDTT ở cấp cơ sở tuy đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng tương đối với yêu cầu của sự phát triển của phong trào TDTT hiện nay, các thiết chế về thể thao vẫn đang còn thiếu; hệ thống sân tập luyện TDTT của cơ sở đa số chưa đảm bảo, chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Đội ngũ cán bộ quản lý, số lượng HLV, chuyên gia giỏi còn hạn chế, nhiều vị trí huấn luyện viên phải do viên chức quản lý kiêm nhiệm; điều dưỡng, bác sỹ về lĩnh vực thể thao chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác huấn luyện đào tạo; cơ sở vật chất, hệ thống sân tập, trang thiết bị dược xây dựng và sử dụng từ lâu nên đã hư hỏng, xuống cấp; chưa có địa điểm tập luyện môn Bắn súng, Đua thuyền và 1 số môn võ; hệ thống nhà ăn, ở của huấn luyện viên, vận động viên bị quá tải, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để giải quyết những vấn đề còn khó khăn trên, tỉnh đã xây dựng những kế hoạch, mục tiêu với những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 số người luyện tập TDTT thường xuyên trên tổng số dân đạt tỷ lệ 45%; đến năm 2030 đạt tỷ lệ 60%; số gia đình thể thao trên tổng số hộ gia đình đến năm 2025 đạt tỷ lệ 32%; đến năm 2030 đạt tỷ lệ 39%;

Về số câu lạc bộ TDTT cơ sở mục tiêu đến năm 2025 đạt 1.106 câu lạc bộ; đến năm 2030 đạt 1.150 câu lạc bộ. Đối với TDTT trong trường học đến năm 2030 đạt 100% số trường học đảm bảo chương trình GDTC trong trường học có chất lượng; 70% - 75% số trường học thường xuyên tổ chức hoạt động TDTT ngoại khoá (2 lần/tuần); Số chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định đạt 98,5% trở lên.

Có 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện tổ chức Đại hội TDTT theo định kỳ; tổ chức Tháng hoạt động thể thao và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân trong dịp tháng 3 hằng năm; tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn Bơi phòng, chống đuối nước hằng năm; phấn đấu 100% khu công nghiệp, khu kinh tế có thiết chế trung tâm văn hóa - thể thao; 100% thanh thiếu niên thường xuyên chơi ít nhất một môn thể thao; đến năm 2030 có 100% huyện, thị xã, thành phố có đủ 03 công trình thể thao gồm: Sân vận động, Nhà thể thao và Bể bơi.

Bóng đá là một trong những môn thể thao phát triển mạnh tại Hà Tĩnh

Về thể thao thành tích cao, thường xuyên tuyển chọn, bổ sung lực lượng và tổ chức đào tạo, huấn luyện, tập luyện thể thao thành tích cao tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, đến năm 2025 với khoảng: 350 VĐV/10 môn; đến năm 2030 với khoảng: 500 VĐV/12 môn. Tổ chức tập huấn và tham gia thi đấu các giải quốc gia, khu vực và quốc tế; giai đoạn đến năm 2025: hàng năm tham gia 40 - 46 giải, phấn đấu đạt từ 175- 190 huy chương các loại (đạt từ trên 75 huy chương vàng trở lên); giai đoạn 2026 - 2030: hàng năm tham gia 45 - 50 giải, phấn đấu đạt từ 190 - 210 huy chương các loại (đạt từ trên 80 huy chương vàng trở lên).

Bên cạnh đó, tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển Bóng đá các tuyến trẻ. Theo đó đến năm 2025 có đủ 05 tuyến các đội trẻ (U11, U13, U15, U17 và U19), tham gia các giải trẻ trong hệ thống thi đấu ngoài chuyên nghiệp, phấn đấu có từ 1 - 2 đội được vào vòng chung kết; đến năm 2030 tiếp tục duy trì, đảm bảo đủ 05 tuyến các đội trẻ (U11, U13, U15, U17 và U19), tham gia các giải trẻ trong hệ thống thi đấu ngoài chuyên nghiệp, phấn đấu có từ 2 - 3 đội được vào vòng chung kết, phấn đấu có 1 đội giành được huy chương.

Đội Bóng chuyền nam Hà Tĩnh đến năm 2025 thi đấu giải vô địch quốc gia: giữ hạng (phấn đấu trong tốp 6); đến năm 2030 chuyển dần sang Câu lạc bộ bóng chuyền nam chuyên nghiệp của Hà Tĩnh và thi đấu giải vô địch quốc gia: giữ hạng (phấn đấu trong tốp 4).

Hướng đến mục tiêu phát triển thể thao chuyên nghiệp bằng việc đưa Câu lạc bộ bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh thi đấu ở giải bóng đá Vô địch Quốc gia đạt kết quả giữ hạng ở mùa giải 2024, 2025, phấn đấu nằm trong tốp 8/14 đội; đến năm 2030, giữ hạng thi đấu ở giải bóng đá Vô địch Quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 6/14 đội. Và câu lạc bộ bóng chuyền nam Hà Tĩnh phát triển, chuyển dần sang hướng chuyên nghiệp.

Để đạt những mục tiêu đề ra, trong thời gian tới các cấp các ngành tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. Xây dựng mạng lưới hướng dẫn toàn dân tập luyện thể dục, thể thao đúng cách để nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thể lực, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần và phòng chống bệnh tật. Tổ chức giải thi đấu các môn thể thao nhằm khuyến khích, thúc đẩy phong trào luyện tập thể dục thể thao của Nhân dân.

Cùng với đó, tập trung, ưu tiên phát triển các môn thể thao mũi nhọn đã được định hướng phù hợp với đặc điểm, lợi thế, tiềm năng địa phương hiện có (Điền kinh, Đua thuyền, Karate), quan tâm đầu tư đến công tác đào tạo trẻ, phối kết hợp chặt chẽ với thể thao phong trào nhất là thể thao học đường, qua đó tìm kiếm, tuyển chọn VĐV bổ sung cho các tuyến đội tuyển tỉnh. Tiếp tục huy động, kêu gọi tài trợ từ nguồn xã hội hoá để phát triển câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp; tập trung tuyển chọn, đào tạo huấn luyện các tuyến bóng đá trẻ của tỉnh để từ đó có thể tạo nguồn cung cấp cầu thủ cho đội 1 (Câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Hà Tĩnh). Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nhất là đối với thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.

Bài, ảnh: KC

Ảnh trong bài
  • Hà Tĩnh triển khai thực hiện Kết luận 70-KL/TW