Với trường hợp VĐV TDDC vừa gây “sốt” khi giành tới 2 HCV Olympic là Carlos Yulo, Philippines cũng phải mất chu trình đào tạo chuyên nghiệp lên tới 17 năm. Vậy nên câu chuyện đào tạo một VĐV đẳng cấp Olympic sẽ không thể diễn ra trong một sớm, một chiều mà cần phải có thời gian.
Mục tiêu tầm thế giới, đầu tư tầm quốc gia
Ngoài yếu tố chuyên môn, vấn đề mấu chốt trong việc cải thiện thành tích của Thể thao Việt Nam là nguồn lực đầu tư. Thực tế cho thấy, mức đầu tư của chúng ta so với một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore đã không bằng, chứ chưa nói đến các quốc gia khác trong châu lục. Mục tiêu thì muốn vươn tầm châu lục và thế giới, nhưng thực lực lại chỉ đủ đầu tư ở cấp độ quốc gia.
Vì thế nói gì thì nói trước hết chúng ta phải giải quyết được vấn đề về kinh phí, về nguồn lực đầu tư cho thể thao nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng. Chắc chắn rằng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước mà phải huy động được các nguồn lực xã hội hóa, cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động thể thao. Thế nên câu chuyện cải thiện thành tích, chỉ riêng nỗ lực của ngành Thể thao là chưa đủ mà còn cần có những cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thu hút đầu tư và cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
(TS CAO VĂN CHÓNG, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương)
Phải thay đổi cách đào tạo, chú trọng tuyển chọn nhân lực
Để có những VĐV đỉnh cao thi đấu đạt thành tích tại các đấu trường lớn như Olympic, giải vô địch thế giới hay Asian Games thì thể thao nói chung, cầu lông nói riêng phải có nguồn lực VĐV vững vàng và dày. Tôi lấy điển hình như việc tranh suất dự môn cầu lông tại Olympic Paris, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia đều có từ 4 VĐV cạnh tranh ở mỗi nội dung thì chúng ta chỉ có từ 1 đến 2 VĐV. Điều này cho thấy lực lượng của chúng ta rất mỏng nên việc tranh suất đi Olympic đã khó chứ đừng nói đến thi đấu có thành tích.
Để hướng đến các giải đấu đỉnh cao, phải có kế hoạch đào tạo lâu dài. Đặc biệt là đào tạo VĐV trẻ, phải chọn các VĐV thật sự có tài năng, vượt trội ở lứa tuổi và nội dung của mình. Tôi lấy thêm một ví dụ về Nhật Bản, trước năm 2010, họ không thực sự mạnh về cầu lông nhưng sau khi chú trọng tuyển chọn và đào tạo trẻ bài bản bằng việc thường xuyên tổ chức các giải đấu trong nước và cho VĐV tập huấn tại cường quốc cầu lông thế giới là Trung Quốc thì cầu lông Nhật Bản đã thực sự “lột xác”.
(ĐẶNG ANH ĐĂNG, Phụ trách môn cầu lông Sở VHTT TP.HCM)
Phải thật sự kiên nhẫn
Với kinh nghiệm của một HLV trưởng thành từ VĐV môn TDDC, tôi thấy rằng một chu kỳ Olympic là 4 năm nhưng với quá trình chuẩn bị để thi đấu lấy chuẩn tham dự Đại hội thì chỉ có khoảng 2 năm.
Như trường hợp của Carlos Yulo - VĐV người Philippines vừa giành 2 HCV môn TDDC tại Olympic Paris, bạn ấy cũng phải tham dự hai kỳ Olympic rồi và kỳ này mới thành công. Carlos Yulo bắt đầu tập TDDC từ năm 7 tuổi và từng được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp tại Nhật Bản trong một thời gian dài, với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực. Dù là một hiện tượng ở khu vực Đông Nam Á và vô địch thế giới nhưng ở kỳ Olympic trước anh cũng thi đấu không thành công. Trước khi trở thành nhà vô địch của 2 nội dung tại Olympic này, Carlos,Yulo cũng từng thất bại tại nhiều giải đấu, gần đây nhất là tại giải vô địch thế giới, anh chỉ đứng ở vị trí thứ 4 chung kết.
Như vậy, quá trình để đào tạo ra một VĐV tầm cỡ như Carlo Yulo cũng mất tầm 17 năm với quá trình đào tạo rất chuyên nghiệp, bài bản, qua nhiều giải đấu tầm cỡ, nhiều kỳ Olympic, khi thành công cũng như khi thất bại, phải rất kiên trì mới có sự toả sáng rực rỡ như vậy. Tôi nghĩ quy trình để đào tạo một VĐV đẳng cấp Olympic phải mất từ 8-10 năm liên tục, kiên trì và bền bỉ với một quy trình huấn luyện khoa học, nghiêm ngặt và hiệu quả.
(TRƯƠNG MINH SANG, HLV đội tuyển TDDC quốc gia)
Chú trọng thi đấu, tập huấn quốc tế
Bất cứ môn thể thao nào muốn có lực lượng VĐV thi đấu đạt thành tích cao ở các giải châu lục và thế giới thì khâu tập huấn nước ngoài, cọ xát thường xuyên ở các giải quốc tế là rất quan trọng. Chỉ có được tập luyện trong môi chuyên nghiệp, được thi đấu, va chạm thường xuyên với những đối thủ mạnh mới giúp VĐV chúng ta tích lũy, có thêm kinh nghiệm để không khỏi bỡ ngỡ khi bước ra các giải đấu đỉnh cao như Olympic hay Asian Games.
Tôi lấy ví dụ từ VĐV Nguyễn Thị Thật, người vừa thi đấu tại Olympic Paris. Trước khi giúp xe đạp Việt Nam lần đầu góp mặt tại Thế vận hội, Thật đã trải qua quá trình tập huấn, thi đấu lâu dài để phát triển chuyên môn. Thật từng có thời gian tập huấn ở Thụy Sỹ vào năm 2015 khi mới 22 tuổi. Trước khi có vé dự Olympic, Thật cũng đã cùng đội đua chuyên nghiệp Thụy Sỹ thi đấu ở nhiều giải đẳng cấp ở châu Âu. Thật vô địch châu Á, giành vé dự Thế vận hội trong năm 2023 nhưng trước đó VĐV này đã giành rất nhiều áo vàng, áo xanh ở các giải quốc tế, giành HCV SEA Games, vô địch châu Á các năm 2018 và 2022.
(ĐỖ THÀNH ĐẠT, HLV đội tuyển xe đạp TP.HCM)
Cần sự chung tay từ nhiều phía
Với bất kỳ môn thể thao nào cũng vậy, vai trò định hướng, đào tạo nguồn lực của Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng để phát triển bền vững, có lực lượng VĐV thường xuyên thi đấu đạt thành tích ở các Đại hội, các giải quốc tế thì ngoài vai trò của Nhà nước cũng cần sự chung tay của nhiều phía, đặc biệt là xã hội hóa.
Tôi lấy ví dụ từ Lê Quang Liêm. Để trở thành kỳ thủ nằm trong top 20 thế giới và thường xuyên được mời thi đấu các giải đẳng cấp thế giới thì bản thân Liêm cũng đã trải qua quá trình thi đấu và tích lũy lâu dài. Liêm trước đây cũng thi đấu các giải trẻ, giải học đường, sau đó thi đấu các giải Thành phố, toàn quốc rồi lên đội tuyển quốc gia thi đấu các giải quốc tế. Để có được thành quả như ngày hôm nay, Liêm đã nhận được sự hỗ trợ của ngành thể thao TP.HCM, các Mạnh Thường Quân và sự hậu thuẫn rất lớn từ gia đình. Đây là những yếu tố cực kỳ quan trọng để giúp Liêm có cơ hội được thi đấu thường xuyên các giải quốc tế và tích lũy cần thiết để có được thứ hạng như bây giờ.
(LÂM MINH CHÂU, cựu HLV đội tuyển cờ vua Việt Nam)
Thu Sâm (Báo Văn hóa)