Những kết quả đạt được
Trong giai đoạn 1 (2011-2020), để Đề án Tổng thể phát triển thể lực tầm vóc Người Việt Nam giai đoạn II (đề án 641) đi vào thực tiễn, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa cách thức triển khai thực hiện, như: Quyết định số 1923/QĐ-UBND ngày 27-9-2012 thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 179/UBND ngày 27-12-2017 về việc thực hiện chương trình 3 - Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3-18 tuổi, giai đoạn 2017-2030; Kế hoạch số 287/KH-UBND ngày 27-12-2017 về thực hiện chương trình 4 - Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đến ngày 4-5-2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 149/KH-UBND về thực hiện chương trình 1 - Nghiên cứu, triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam và chương trình 2 - Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số liên quan, do Sở Y tế đảm trách. Trên cơ sở đó, UBND các cấp đã ban hành kế hoạch và nhiều văn bản khác để triển khai thực hiện tại mỗi địa bàn.
Toàn tỉnh có 684 CLB thể thao cơ sở ở khu dân cư, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT. Riêng lĩnh vực trường học có 220/417 CLBthể thao, đạt 52,76%; 100% trường học thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất chính khóa; 86% trường học thực hiện giáo dục thể chất ngoại khóa. Tỷ lệ sinh viên tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa đạt 65%; cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực là 98,9%.
Nâng cao hoạt động thể thao trong học sinh là một trong những nội dung quan trọng của Đề án tại tỉnh Bình Phước
Hằng năm Sở VHTTDL triển khai chương trình phổ cập bơi dành cho trẻ em quy tụ hơn 1.000 học sinh tham gia, tập luyện; Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân được tổ chức đồng bộ từ cấp xã, huyện đến tỉnh thu hút hơn 60.000 người tham gia. Bình quân tổ chức 20 giải thi đấu thể thao cấp tỉnh, toàn quốc, khu vực . Đến nay, tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên chiếm khoảng 33,7% tổng dân số toàn tỉnh; số gia đình thể thao chiếm 22,3% tổng số hộ, trong khi năm 2015 chỉ đạt 17,2%.
Mục tiêu đến năm 2030
Trong giai đoạn II của Đề án (2023-2030), tỉnh Bình Phước sẽ tập trung triển khai 4 chương trình trọng tâm của Đề án.
Chương trình 1: sẽ tập trung tiếp tục Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Theo đó, tỉnh Bình Phước sẽ triển khai lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch của ngành, khảo sát, thống kê các chỉ số sinh học và tổng hợp các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá thể lực, tầm vóc người Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Trong chương trình sẽ đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá thể lực, tầm vóc người Việt Nam; thí điểm triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam từ 03 tuổi đến 18 tuổi ở 25% số trường mẫu giáo và phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Chương trình 2: sẽ triển khai chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan. Trong đó, sẽ tập trung tiếp tục chương trình chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi; Nghiên cứu đề xuất chuẩn thực đơn dinh dưỡng hàng ngày phù hợp với các đối tượng của Đề án; Thí điểm hướng dẫn và thực hiện chế độ chăm sóc dinh dưỡng đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Mục tiêu đến năm 2030 mở rộng diện hướng dẫn, chăm sóc chế độ dinh dưỡng cho 100% số Trường mẫu giáo và phổ thông; triển khai chương trình sữa học đường đối với toàn bộ các Trường mẫu giáo và tiểu học ở các huyện vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Song song với 2 chương trình chăm sóc, tỉnh Bình Phước sẽ tập trung phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 03 tuổi đến 18 tuổi.
Theo đó, tỉnh Bình Phước sẽ tập trung nâng cao chất lượng giờ học thể dục chính khóa; tổ chức các hoạt động TDTT ngoại khóa, hướng dẫn học sinh tự luyện tập TDTT để tăng cường thể lực, cải thiện chiều cao thân thể. Kiểm tra, đánh giá các tố chất thể lực theo yêu cầu của Đề án (Chiều cao, cân nặng, lực bóp tay, sức bền) đối với các trường đại diện các vùng theo Kế hoạch chung (thành thị, vùng sâu, vùng xa theo các cấp học): Tiểu học (lớp 5); THCS (lớp 9); THPT (lớp 12).
Cải thiện và tăng cường điều kiện phục vụ hoạt động TDTT trong trường học bao gồm: cơ chế chính sách, tổ chức quản lý, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ tập luyện. Tận dụng các công trình TDTT trên địa bàn để phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất trong trường học (chính khóa và ngoại khóa). Thành lập các CLB thể thao trong trường học, đặc biệt ở các trường trung học cơ sở.
Mục tiêu đến năm 2030 số trường phổ thông các cấp có CLB TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT, thực hiện dạy thể dục nội khóa kết hợp với hoạt động thể thao ngoại khóa chiếm 90% tổng số trường.
Cùng với 2 chương trình trên, Bình Phước sẽ triển khai chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, chú trọng phổ cập thông tin, kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng đối với trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên và thanh niên; các biện pháp tập luyện TDTT, xây dựng lối sống lành mạnh, phòng chống nguy cơ lây nhiễm bệnh tật. Kết hợp các biện pháp truyền thông trực tiếp thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, hệ thống của ngành VHTTDL, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử và các biện pháp tiếp thị xã hội.
Xây dựng chuyên mục tuyên truyền trên đài, báo của tỉnh và các địa phương cũng như tuyên truyền bằng hình thức pano, băng rôn tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố; Lồng ghép tuyên truyền trong các giải, hội thi thể thao cấp tỉnh, huyện.
Bài, ảnh: Phương Anh