Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự, chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước cùng hàng nghìn đại biểu ở các Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở Trung ương, Ban cán sự đảng các bộ, ngành, đơn vị, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương… Hội nghị cũng được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: QĐND)
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh.
Quang cảnh Hội nghị trực tiếp tại Trung ương (Ảnh:QĐND)
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương công bố Quyết định của Bộ Chính trị về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua. Trong đó nhấn mạnh: sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Ảnh: Văn Duy)
Các tổ chức khoa học - công nghệ và đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập và đi vào hoạt động, bước đầu phát huy hiệu quả. Việt Nam thuộc nhóm đầu các quốc gia ban hành Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành từng bước được triển khai. Công nghiệp số phát triển nhanh, đóng góp ngày càng lớn cho GDP. Đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính 18,3%; công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu 152 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, như: Tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ số cốt lõi...
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí Thư Tô Lâm nhấn mạnh: Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta.
Đảng và Nhà nước ta luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Từ Đại hội IV, khoa học và công nghệ đã được xác định là cuộc cách mạng, và đến nay, là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, nghiêm túc và khách quan, kết quả thực hiện các Nghị quyết của Trung ương chưa đạt các mục tiêu đề ra, chưa được như mong đợi, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ.
Làm sao để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời; Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải xắn tay ngay vào làm việc, không được chậm trễ. Những chủ trương, giải pháp trong đó phải được nhanh chóng thể chế hóa và ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thực hiện.
Quang cảnh đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Ảnh: V.Duy)
Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh 8 nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những nhiệm vụ đột phá. Đó là: Thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Phải rất khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, trong năm 2025, càng sớm càng tốt phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Về sắp xếp lại bộ máy về khoa học công nghệ, Tổng Bí thư yêu cầu khẩn trương trong Quý I năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp lại các tổ chức khoa học, công nghệ; tập trung đầu tư trọng điểm để phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh. Ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học, công nghệ xứng tầm là quốc sách đột phá: Bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ, R&D, lập các quỹ khoa học và công nghệ, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, phải nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Ban hành cơ chế thu hút nhân tài nói chung, đặc biệt là nhân tài khoa học, công nghệ, nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế, với các chính sách hấp dẫn về quốc tịch, thu nhập, nhà ở và môi trường làm việc. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm công nghệ số. Tập trung mũi nhọn vào các ngành có lợi thế và tiềm năng, tránh dàn trải. Đẩy mạnh hợp tác và tận dụng tri thức quốc tế...
N.H