Chương trình truyền thông khởi nghiệp cho nữ VĐV

Sáng 7/11 tại TPHCM đã diễn ra chương trình truyền thông khởi nghiệp cho nữ VĐV. Phó Cục trưởng Cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến đã tham dự Chương trình.

Chương trình Truyền thông khởi nghiệp cho nữ VĐV là chương trình nhằm giới thiệu, tạo động lực khởi sự kinh doanh và chuẩn bị hành trang khởi nghiệp sau khi hết thời gian thi đấu chuyên nghiệp cho các nữ VĐV, trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ. Chương trình do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Cục TDTT, Ban Phụ nữ Ủy ban Olympic Việt Nam tổ chức.

Hàng năm, tại Việt Nam có rất nhiều VĐV giã từ sự nghiệp thi đấu, trong đó có những người từng giành thành tích cao tại các giải thi đấu quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới.. Theo báo cáo của ngành TDTT, chỉ có khoảng 15 - 20% các tuyển thủ quốc gia, các VĐV xuất sắc đã trở thành HLV hay giáo viên thể chất với tấm bằng Đại học chuyên ngành thể thao sau khi dừng thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Trong khi đó, có tới 60-70% số VĐV từng là tuyển thủ cấp tỉnh thuộc diện chính thức nhiều năm, có thành tích và đẳng cấp, khi chia tay sự nghiệp đã phải bắt đầu một công việc khác.

Các nữ VĐV chia sẻ tại Chương trình (Ảnh: H.Y)

Vấn đề giải quyết việc làm, định hướng nghề nghiệp cho các VĐV sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp là một việc hết sức khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là nhiều VĐV không có định hướng và chuẩn bị hành trang cho giai đoạn sau khi nghỉ thi đấu dù biết giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp thường chỉ khoảng 10 năm.

Chính vì vậy, chương trình truyền thông sẽ cung cấp cho các VĐV, nhất là các nữ VĐV  một số kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, qua đó giúp các em suy nghĩ, tìm ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch để một ngày không xa biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực và thành công.

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Minh Hương nhấn mạnh: Khởi nghiệp không phải là việc quá phi thường, yêu cầu chúng ta phải có nhiều tiền hoặc kỹ năng chuyên môn sâu. Bất cứ ai, già hay trẻ, nữ hay nam, thành thị hay nông thôn và trong số VĐV chúng ta ngồi đây chắc chắn có người đã từng khởi nghiệp hoặc có ý tưởng khởi nghiệp. Tuy nhiên, khởi nghiệp không phải dễ dàng và luôn thành công đối với tất cả mọi người. Ngoài những thách thức thường gặp trên hành trình khởi nghiệp như phải có ý tưởng sáng tạo, có vốn, có kế hoạch cụ thể, tinh thần mạnh mẽ để đương đầu với vô vàn biến cố khó lường, sự thay đổi về kiến thức, công nghệ..., phụ nữ khởi nghiệp còn phải đối mặt với nhiều rào cản định kiến giới, trách nhiệm với gia đình, con cái...

Bà Nguyễn Minh Hương cũng cho biết: Trong thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với Cục TDTT, Bộ VHTTDL, Ban Phụ nữ Ủy ban Olympic Việt Nam để cung cấp kiến thức, kỹ năng về kinh doanh; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nữ VĐV khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Phó Cục trưởng Cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến tham dự Chương trình (Ảnh: H.Y)

Tạo việc làm và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp cho các VĐV thôi không còn thi đấu chuyên nghiệp là một việc làm thiết thực để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo thu nhập ổn định cho VĐV đã kết thúc thi đấu, đồng thời là sự động viên, khích lệ cho các VĐV đang thi đấu yên tâm, nỗ lực hơn nữa trong tập luyện và thi đấu, mang lại nhiều thành tích thể thao cao hơn cho đất nước.

Phó Chủ tịch Nguyễn Minh Hương mong rằng các nữ VĐV sẽ tiếp tục nỗ lực luyện tập, thi đấu thật tốt, giành thành tích cao trên đấu trường khu vực và quốc tế, mang lại màu cờ sắc áo cho Tổ quốc. Đồng thời các nữ VĐV hãy chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững chắc cho giai đoạn tương lai – khi dừng thi đấu chuyên nghiệp. Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là một sự lựa chọn tốt, có thể tạo cho chị em nhiều cơ hội phát triển bản thân và ổn định cuộc sống. Với tố chất nhanh nhẹn, thông minh, khoẻ mạnh, năng động, nghị lực, ý chí được hun đúc từ tập luyện, tôi tin rằng các chị em sẽ dễ dàng thích nghi và tiếp tục phát triển ngành nghề, công việc mà bản thân lựa chọn sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu.

Trong những năm gần đây, nhiều VĐV đã chủ động lựa chọn cho mình con đường kinh doanh. Nhiều người đã khá thành công trong khi vẫn giữ được đà tập luyện, thi đấu. Ví dụ như: Tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh đã ổn định kinh tế với một cửa hàng chuyên kinh doanh thiết bị cầu lông tại TP Hồ Chí Minh và hiện anh là đại sứ thương hiệu Kamito – thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thể thao; VĐV thể hình Phạm Văn Mách hay Lý Đức đều sớm trở thành ông chủ của các phòng tập thể dục thể hình,… Nhà vô địch SEA Games 30 ở nội dung chạy trung bình dài, vượt chướng ngại vật Nguyễn Thị Oanh từng khá thành công với việc bán giày thể thao. Nhà vô địch nhảy xa ASIAD 2018 Bùi Thị Thu Thảo kinh doanh cửa hàng ăn uống tại Ba Vì (Hà Nội).

 

KC

Ảnh trong bài
  • Chương trình truyền thông khởi nghiệp cho nữ VĐV
  • Chương trình truyền thông khởi nghiệp cho nữ VĐV
  • Chương trình truyền thông khởi nghiệp cho nữ VĐV