You must configure this module first via "Module Settings"

Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT

Là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh, vương quốc Campuchia. Cùng với vị trí địa lý thuận lợi, Tây Ninh là một trong những tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều kiện kinh tế không ngừng phát triển đời sống nhân dân được nâng cao. Đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy công tác TDTT của địa phương ngày càng có nhiều khởi sắc.

Nhiều giải thi đấu Thể thao được tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hóa do doanh nghiệp đóng góp (Ảnh: Đ.Thọ)

Theo thống kê của Sở VHTTDL Tây Ninh, trong giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn tỉnh trung bình tăng 1,03% và có những năm tăng tới 1,1%; Số hộ gia đình trung bình hàng năm cũng tăng trên 2%. Hiện nay, số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt trên 32% dân số và số hộ gia đình thể thao đạt 23%. Từ nay đến cuối năm 2020, toàn ngành phấn đấu nâng số người tập luyện TDTT thường xuyên cũng như số gia đình thể thao lần lượt đạt mức 33% và 25%. Phong trào TDTT trong đối tượng công nhân trong khu công nghiệp được quan tâm phát triển ước đạt 1,22% vào năm 2020.

Các phong trào TDTT quần chúng không ngừng được mở rộng với nhiều nội dung phong phú, đa dạng về loại hình đã góp phần tích cực vào việc duy trì và nâng cao thể chất cho nhân dân. Thể thao thành tích cao cũng có những bước chuyển biến đáng kể, năm 2019 số lượng vận động viên trẻ, năng khiếu tỉnh Tây Ninh đạt 403 người, có 58 vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia. Trong số này, vận động viên cấp 1 có 41 người, kiện tướng 17 người và có khoảng 17 vận động viên dự tuyển quốc gia. Các vận động viên tỉnh Tây Ninh góp mặt trong đội tuyển quốc gia thi đấu các giải quốc tế đạt thành tích ấn tượng. Ở đấu trường SEA Games 30, các vận động viên Tây Ninh đã đóng góp 4 huy chương vào bảng thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam, trong đó có 1 huy chương Vàng (môn Quần vợt của vận động viên Lý Hoàng Nam), 1 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng.

Hệ thống cơ sở vật chất từ tỉnh đến cơ sở từng bước được hoàn thiện, nâng cấp. Cùng với các công trình TDTT do nhà nước đầu tư xây dựng như Sân vận động, Trung tâm thi đấu TDTT tỉnh, Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao tỉnh (được xây dựng trên diện tích hơn 5 ha tại huyện Châu Thành và đưa vào hoạt động năm 2018)... toàn tỉnh có trên 500 cơ sở kinh doanh TDTT do tư nhân đầu tư xây dựng, trong đó có 28 sân quần vợt, 3 sân bóng đá 11 người, 101 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 24 hồ bơi, 2 nhà tập thể thao, 7 phòng tập bóng bàn, 6 nhà tập cầu lông, 330 bàn billiards, 40 phòng tập thể hình, 2 sân bóng chuyền, 40 phòng tập khiêu vũ thể thao và thể dục thẩm mỹ. Ngoài ra, còn có 131 điểm tập các môn võ thuật với trên 4.000 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở cũng từng bước được hoàn thiện. Hiện nay hầu hết các xã, phường, thị trấn đều có nhà văn hóa. Qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT cũng như giao lưu văn hóa của người dân trên địa bàn tỉnh.

Cùng với sự gia tăng về hệ thống cơ sở vật chất, các tổ chức, Liên đoàn Thể thao, Hội thể thao không ngừng tăng về số lượng. Hiện cấp tỉnh có Liên đoàn Cầu lông, Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Quần vợt, Hội Vovinam, Hội Thể dục dưỡng sinh, CLB Mô tô thể thao, Liên đoàn Lân Sư Rồng, CLB Yoga... Sự ra đời của các tổ chức xã hội, các CLB TDTT đã góp phần giảm tải gánh nặng ngân sách nhà nước cho ngành TDTT. Hàng năm, các Liên đoàn, Hội, CLB TDTT đã vận động nguồn tài chính từ các tổ chức xã hội để tổ chức ít nhất 1 giải thi đấu với kinh phí từ 30 - 150 triệu đồng/giải.

Đóng góp vào công tác xã hội hóa TDTT ở Tây Ninh phải kể đến Công ty cổ phần Bóng đá Tây Ninh - một trong những đơn vị xã hội nghề nghiệp làm tốt công tác xã hội hoá TDTT. Hằng năm, công ty vận động nguồn tài trợ cho đội bóng đá Tây Ninh với số tiền từ 15 - 20 tỷ đồng. Hay khu thể thao bao gồm hồ bơi, sân quần vợt và phòng tập thể hình thuộc Trung tâm thương mại giải trí Cà Na có số vốn đầu tư 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở cũng đã đầu tư trên 1 tỷ đồng cho việc kinh doanh các hoạt động TDTT ở mỗi cơ sở. Nhiều dự án được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả như: Khu liên hợp văn hoá, thể thao Bình Đức - thị trấn Trảng Bàng, Trung tâm văn hoá, thể thao tổng hợp huyện Gò Dầu, dự án đầu tư cải tạo hồ bơi Thiên Ngân ở thành phố Tây Ninh...

Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất cho TDTT như sân bóng cỏ nhân tạo, nhà thi đấu quần vợt, hồ bơi, phòng tập các môn: Thể dục thể hình, Thể dục thẩm mỹ, Thể hình, Bóng bàn, Yoga.... với số tiền ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn huy động kinh phí tổ chức các giải thi đấu thể thao, đầu tư trang thiết bị tập luyện phục vụ nhu cầu của người dân.

Để đạt được kết quả trên, bên cạnh nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước, việc huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển TDTT là một chủ trương đúng đắn, kịp thời và là một trong những xu thế tất yếu của quá trình phát triển. Bởi lẽ, trong bối cảnh hiện nay, điều kiện kinh tế xã hội đất nước nói chung, Tây Ninh nói riêng tuy có những bước phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, ngân sách dành cho TDTT còn hạn chế. Nếu không có sự chung tay của các tổ chức xã hội, chắc chắn TDTT sẽ vô cùng khó khăn khi hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động tập luyện và thi đấu TDTT còn thiếu thốn, nghèo nàn và lạc hậu; kinh phí để tổ chức các giải thể thao lớn, ngân sách nhà nước khó đáp ứng được.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xã hội hóa TDTT, ngành VHTTDL tỉnh Tây Ninh đã chủ động, tích cực trong việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Quy hoạch phát triển TDTT tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 đã chỉ rõ, cần đẩy mạnh "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước về thể dục, thể thao. Trong quá trình xã hội hóa hoạt động thể thao Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, đồng thời huy động tiềm năng, nguồn lực của mọi lực lượng, mọi thành phần kinh tế xã hội, cùng tham gia sáng tạo, cung cấp, phổ biến, tạo điều kiện cho các hoạt động TDTT phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, đa dạng hóa chủ thể hoạt động, dân chủ hóa nhưng không thương mại hóa.

Chăm lo cho sự nghiệp thể dục, thể thao phải thật sự trở thành trách nhiệm chung của các cấp uỷ Đảng, cơ quan, chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội; là nhiệm vụ của toàn xã hội - trong đó ngành thể dục, thể thao giữ vai trò nòng cốt. Đặc biệt, cần phải nhận thức rõ rằng, xã hội hóa không có nghĩa là Nhà nước cắt giảm đầu tư cho lĩnh vực thể dục - thể thao mà Nhà nước tăng cường đầu tư nhưng thay đổi cơ cấu đầu tư theo hướng hiệu quả hơn, đồng thời có cơ chế hợp lý để khuyến khích sự đóng góp của xã hội về tài chính, vật chất và trí tuệ.

Theo chia sẻ của ông Lê Quang Chánh - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL trong những năm gần đây, phong trào tập luyện TDTT của người dân Tây Ninh phát triển mạnh. Các cơ sở kinh doanh về TDTT được tư nhân đầu tư ngày càng nhiều, góp phần tạo điều kiện cho người dân tham gia tập luyện.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT, ngành VHTTDL Tây Ninh đã và đang từng bước đổi mới phương thức quản lý của Nhà nước, chuyển một phần công việc của Nhà nước cho nhân dân và các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội thực hiện nhưng Nhà nước không giảm trách nhiệm, không giảm ngân sách cho các hoạt động TDTT. Đầu tư của Nhà nước tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, các chương trình Quốc gia và hỗ trợ các đối tượng chính sách. Trong điều kiện thực tiễn của địa phương, chỉ có đẩy mạnh xã hội hóa TDTT mới có thể đảm bảo phát triển sự nghiệp TDTT một cách nhanh chóng và bền vững, đồng thời từng bước đưa TDTT thành một ngành kinh tế dịch vụ, có đóng góp xứng đáng vào kinh tế – xã hội của tỉnh.

VD
 

Ảnh trong bài
  • Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT