Thay mặt Trường liên cấp Everest, tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải – Chủ tịch Hội đồng giáo dục của trường đã nhiệt liệt chào đón đoàn đại biểu trong nước và quốc tế đến thăm trường. Tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải cho rằng, chuyến thăm của đoàn lần này phản ánh cam kết chung của Việt Nam và Nhật Bản trong việc thúc đẩy giáo dục thể chất hòa nhập, đặc biệt là đối với học sinh khuyết tật. "Các nước ASEAN đã đạt được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực này và sự hợp tác của chúng tôi với Nhật Bản càng củng cố thêm điều này". Tiến sỹ Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khải, kể từ Hội thảo trực tuyến vào năm 2022 về cải thiện giáo dục thể chất cho học sinh khuyết tật, chúng ta đã chứng kiến những bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chương trình giảng dạy và phương pháp giảng dạy. Khu vực ASEAN vẫn cam kết thúc đẩy một hệ thống giáo dục hòa nhập, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.

Buổi làm việc diễn ra trọng thị, hiệu quả
Tại Việt Nam, giáo dục thể chất cho học sinh khuyết tật đã có những tiến bộ đáng kể với khoảng 6,1 triệu người khuyết tật, trong đó có 1,1 triệu người khuyết tật nặng, nhu cầu về giáo dục chuyên biệt là rất rõ ràng. Để giải quyết những vấn đề này, Việt Nam đã thành lập hơn 20 trung tâm hỗ trợ cấp tỉnh và hơn 100 cơ sở giáo dục chuyên biệt để tăng cường giáo dục hòa nhập.
Theo Điều tra quốc gia về người khuyết tật, số trẻ em khuyết tật đi học tại Việt Nam đã tăng gấp mười lần trong hai thập kỷ qua. Tỷ lệ trẻ em khuyết tật đi học đúng độ tuổi là khoảng 88,7% ở cấp Tiểu học và 33,6% ở cấp THPT. Trên cả nước, bốn trường đại học sư phạm và ba trường cao đẳng sư phạm đã thành lập các khoa giáo dục đặc biệt để đào tạo giáo viên cho trẻ khuyết tật. Mỗi năm, các cơ sở này đào tạo gần 600 giáo viên giáo dục đặc biệt, đào tạo giáo dục hòa nhập cho 600-700 cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo cho 2.000-2.500 giáo viên mầm non, THCS và THPT chủ chốt từ 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Giờ học giáo dục thế chất của trường
Song song với những nỗ lực này, Việt Nam tiếp tục tăng cường đầu tư và hợp tác để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục cho học sinh khuyết tật dù vẫn còn đó những thách thức, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và nguồn lực giảng dạy chuyên biệt.
Quay lại với trường Everest: hiện trường cũng chưa tiếp nhận một học sinh khuyết tật nào theo học, tuy nhiên, với mong muốn chia sẻ, cùng xây dựng một cộng đồng giáo dục giàu tính nhân văn, nhà trường luôn sẵn sàng chào đón những học sinh khuyết tật theo học tại trường.
Một đại biểu đến từ Malaysia đã gợi ý: Trường Everest có cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập phục vụ cho công tác dạy và học môn giáo dục thể chất khá hiện đại, đồng bộ. Với lợi thế này, ngoài việc tạo cho các em môi trường phát triển toàn diện cả về trí và lực thì nên chăng cần tăng cường, kết nối để tạo thêm nhiều chuyến thăm dã ngoại thực tiễn tại các cơ sở giáo dục dành cho trẻ khuyết tật tại Việt Nam và ngược lại mời các em học sinh khuyết tật đến giao lưu, học tập ngoại khóa tại trường Everest nhằm giáo dục tình yêu thương, biết quan tâm và chia sẻ với những bạn học sinh kém may mắn về thể chất cho học sinh của trường. Chính những trải nghiệm thực tiễn đó sẽ giúp tính nhân văn, lòng nhân ái được nhân rộng hơn trong cộng đồng.
Trước ý kiến này, tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải ghi nhận, đánh giá rất cao và khẳng định đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa, cần được tổ chức thường xuyên. Phía nhà trường sẽ xem ý tưởng này là sự khởi đầu để chuẩn bị cho kế hoạch học tập, định hướng phát triển giáo dục của trường trong thời gian tới.

Cơ sở vật chất dành cho môn học giáo dục thể chất của trường được đánh giá cao
Cũng theo tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải, buổi gặp gỡ hôm nay giữa Ban giám hiệu nhà trường và đại biểu trong đoàn đã góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác sâu sắc giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực. Là một đất nước vốn phải chịu nhiều khó khăn do chiến tranh, Việt Nam hiểu được tầm quan trọng của việc hỗ trợ những người có nhu cầu. Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc chăm sóc và giáo dục nhóm dân số lớn là người khuyết tật. Đây là lý do tại sao chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Nhật Bản và ASEAN trong việc đảm bảo các quốc gia sẽ ngày càng hòa nhập và gắn kết hơn thông qua các chương trình, hoạt động giáo dục thể chất. Chúng tôi rất trân trọng chuyên môn cũng như cam kết của các bạn và hy vọng sự hợp tác của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển!

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng ban lãnh đạo, giám hiệu nhà trường
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, các đại biểu trong đoàn đã tham dự tiết học giáo dục thể chất của học sinh khối THCS; tham quan hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất của trường như bể bơi, phòng tập Gym, sân Bóng rổ, sân Pickleball... Các đại biểu đều đánh giá cao và dành nhiều lời khen về phương pháp tổ chức môn học giáo dục thể chất và điều kiện cơ sở vật chất hiện có của trường Everest.
N. Hương, Ảnh: V. Duy