Mục tiêu đến năm 2030
Những năm qua, phong trào thể dục, thể thao (TDTT) trên địa bàn huyện Chi Lăng – tỉnh Lạng Sơn đã có bước phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho Nhân dân, tăng cường tình đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Theo đó, huyện đã tập trung đầu tư xây mới và nâng cấp các thiết chế văn hóa thể thao thôn, khu phố; mua sắm trang thiết bị TDTT, phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT thường xuyên của người dân. Đến nay, toàn huyện có 15/20 xã, thị trấn có sân thể thao, chiếm 75% (tăng 37% so với năm 2016); 176/177 thôn, khu phố có nhà văn hóa, trong đó, 85% số nhà văn hóa có sân tập thể thao đơn giản; 45 sân bóng chuyền hơi, 38 sân cầu lông, 3 sân cỏ nhân tạo, tạo điều kiện cho người dân luyện tập hàng ngày.
Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo tăng cường các hoạt động TDTT trong trường học. Hiện nay, 100% trường học trên địa bàn huyện đảm bảo chương trình giáo dục thể chất, gần 80% trường học tổ chức tốt hoạt động TDTT ngoại khóa. Bên cạnh đó, huyện định kỳ tổ chức Hội khỏe Phù Đổng 4 năm một lần, thu hút 100% các trường học trên địa bàn tham gia. Hằng năm, huyện tổ chức 5 đến 6 giải thi đấu thể thao. Nhờ đó, chất lượng hoạt động TDTT ở các xã, thị trấn được nâng lên rõ rệt và từng bước phát triển mạnh mẽ.
Phát huy những kết quả đạt được, đặc biệt tập trung đầu tu phát triển TDTT trong giai đoạn mới theo Kết luận 70 của Bộ Chính trị, các cấp các ngành huyện đã xây dựng nhiều kế hoạch triển khai, trong đó đặt ra những mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.
Mục tiêu đến năm 2030, số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt tỷ lệ trên tổng dân số của huyện từ 43% trở lên. Số gia đình luyện tập TDTT đạt tỷ lệ trên tổng số hộ gia đình trong toàn huyện từ 35% trở lên. Phấn đấu 100% sân thể thao cấp xã được cấp giấy CNQSDĐ; phấn đấu 50% sân thể thao thôn được cấp giấy CNQSDĐ theo quy định. Phấn đấu xây dựng mới 01 Sân vận động cấp huyện và các công trình TDTT cơ bản liên quan; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống sân thể thao ở các xã, thị trấn, các thôn, khu phố.
Đối với TDTT trường học đưa tỷ lệ học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở thực hiện đầy đủ nội dung chương trình giáo dục thể chất đạt 100%. Các trường học, cơ sở giáo dục có câu lạc bộ TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT, có đủ giáo viên thể dục để thực hiện các hoạt động thể thao ngoại khóa thường xuyên đạt 100%. Tỷ lệ học sinh được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt trên 98% trong đó, số đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực đạt trên 96%.

Bóng đá là một trong những môn thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện
Trong lực lượng Công an nhân dân, đưa tỷ lệ đơn vị thực hiện đủ chương trình rèn luyện thể lực cán bộ, chiến sĩ đạt 100%; tỷ lệ đơn vị đạt tiêu chuẩn tổ chức rèn luyện thể lực đạt 100%. Tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực đạt trên 98%. Và trong lực lượng Quân đội nhân dân đặt tỷ lệ đơn vị thực hiện đủ chương trình rèn luyện thể lực cán bộ, chiến sĩ đạt 100%, tỷ lệ đơn vị đạt tiêu chuẩn tổ chức rèn luyện thể lực đạt 100%. Tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện 3 thể lực đạt 100%.
Song song với các mục tiêu phát triển phong trào TDTT cho mọi người, huyện Chi Lăng cũng đặt mục tiêu phát triển thể thao thành tích cao. Trong đó, mục tiêu ở giai đoạn 2025 – 2026 là tập trung tổ chức thành công Đại hội TDTT các cấp huyện Chi Lăng lần thứ X, năm 2025. Trong đó, Đại hội TDTT cấp xã tổ chức thi đấu từ 05 môn thể thao trở lên; Đại hội TDTT cấp huyện tổ chức thi đấu 10 môn thể thao trở lên. Tham gia Đại hội TDTT tỉnh Lạng Sơn lần thứ X năm 2026, phấn đấu đạt 04 huy chương vàng trở lên, phấn đấu nằm trong thứ hạng 08 đoàn có thành tích tốt nhất.
Hàng năm, tham gia ít nhất 70% tổng số giải thể thao trong hệ thống thi đấu giải cấp tỉnh tổ chức; ưu tiên các giải có môn thế mạnh (môn Điền kinh, Việt dã, Bắn nỏ, Bóng bàn, Bóng đá, Võ thuật...). Phấn đấu mỗi năm có từ 01 - 02 VĐV được triệu tập vào đội tuyển tỉnh tham gia thi đấu các giải cấp khu vực, cấp quốc gia. Hằng năm cử 03 - 04 VĐV có tiềm năng tham gia đào tạo VĐV cấp huyện, ngành theo văn bản của các sở, ngành cấp tỉnh; cử 01 - 02 VĐV có tiềm năng tham gia các lớp đào tạo tại tỉnh.
Tập trung triển khai 4 nhóm nhiệm vụ, giai pháp trọng tâm
Một trong những nhiệm vụ, giai pháp trọng tâm là tập trung nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, nhân dân đối với phát triển sự nghiệp TDTT; lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về TDTT trong nghị quyết, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ứng dụng công nghệ số, tăng cường vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng, đẩy mạnh xây dựng các tin, bài về TDTT nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng hoạt động thể chất, thông tin có liên quan đến các tầng lớp Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng phối hợp tuyên truyền, vận động thành viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia tập luyện TDTT gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Huyện ủy để sớm ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Rà soát, kịp thời áp dụng các cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng, giáo dục thể chất và thể thao trường học theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030. Nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người trực tiếp làm công tác TDTT. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác, giao lưu góp phần nâng cao hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm giữa các huyện trong tỉnh và các địa phương khác. Tăng cường công khai, minh bạch, thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật; kịp thời hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực TDTT.
Khuyến khích phát triển TDTT quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể thao để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí. Tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn phong trào TDTT quần chúng; xây dựng công trình thể thao công cộng ở khu dân cư. Quan tâm phát triển thể thao dân tộc, thể thao giải trí, thể thao quốc phòng, các đối tượng trẻ em, học sinh, người cao tuổi, người khuyết tật... trong hoạt động thể dục, thể thao.
Đổi mới giáo dục thể chất và thể thao trường học gắn với mục tiêu giáo dục, phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và kỹ năng sống cho học sinh, tạo nền tảng để phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng trẻ. Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất, phát triển các loại hình hoạt câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên, tổ chức thi đấu, chuyển nhượng vận động viên hợp pháp.
Tăng cường huy động các nguồn lực cho sự nghiệp thể dục, thể thao. Rà soát, hoàn thiện mạng lưới thiết chế, cơ sở thể thao đồng bộ phù hợp quy hoạch, đề án phát triển của tỉnh. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa Nhà thi đấu đa năng huyện. Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức các giải thi đấu, đào tạo vận động viên góp phần thúc đẩy các phong trào, môn thể thao thế mạnh của huyện.
Bài ảnh: Hồng Hạnh