Nhằm đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng gắn với công tác xã hội hóa hoạt động TDTT; nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong trường học; khôi phục và phát triển các môn thể thao truyền thống; tuyên truyền, vận động tạo nên phong trào thể thao quần chúng sôi nổi trong nhân dân, từ đó phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng được các vận động viên năng khiếu, tài năng thi đấu thể thao thành tích cao; nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong nhà trường và phong trào TDTT trong lực lượng vũ trang. Cùng với đó, ngành TDTT tỉnh đã tập trung phát triển 06 môn thể thao thế mạnh của địa phương là: Bắn cung, Điền kinh, Taekwondo, Vovinam, Cờ vua, Bóng bàn. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển mạnh các môn thể thao dân tộc, truyền thống phù hợp với văn hóa, điều kiện kinh tế xã hội của địa phương đó là Bắn nỏ, Đẩy gậy, Kéo co,.. .
Các mục tiêu cụ thể
Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho TDTT còn thiếu thốn, lạc hậu. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, ngành TDTT tỉnh Bắc Kạn đã không ngừng nỗ lực nhằm đưa phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu hội nhập, rút ngắn khoảng cách về vị trí trên bản đồ thể thao quốc gia so với các địa phương khác.
Trên cơ sở những điều kiện thuận lợi cũng như tiềm năng phát triển, Bắc Kạn đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt 100% số trường phổ thông thực hiện chương trình giáo dục thể chất nội khoá; số trường phổ thông tổ chức hoạt động TDTT ngoại khoá 1 lần/tuần đạt 65 - 70%; số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định đạt 90% ở các cấp học; đảm bảo số giáo viên chuyên trách TDTT các cấp như sau: Tiểu học đạt 50 - 60%, THCS đạt 65 - 75%, THPT đạt 100%. Để đạt được những kết quả trên, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo thành lập một số lớp năng khiếu thể thao trong các trường phổ thông có điều kiện; phối hợp với các sở ngành chức năng nghiên cứu việc thành lập Trường Phổ thông năng khiếu TDTT của tỉnh để tìm kiếm, tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao làm tiền đề phát triển thể thao thành tích cao, thể thao học đường.
Về TDTT quần chúng: Tập trung phát triển các loại hình hoạt động TDTT, các môn thể thao phù hợp với điều kiện hoạt động của các đối tượng quần chúng ở nông thôn, đô thị; đối tượng thanh, thiếu, nhi, người cao tuổi; người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; cán bộ, công nhân viên chức…phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên đạt 28 - 31%, số hộ gia đình thể thao đạt 14 - 17%; cấp xã có cán bộ hướng dẫn viên, cộng tác viên được bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ về TDTT đạt 75%; có hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT thôn, bản được tập huấn nghiệp vụ ở các lớp cấp tỉnh đạt 50%.
Về thể thao thành tích cao: Xây dựng hệ thống đào tạo thể thao thành tích cao, từng bước nâng cao thành tích thi đấu ở các kỳ đại hội trong nước và đạt huy chương ở một số môn thể thao xác định trọng điểm. Số lượng huy chương giành được trong các cuộc thi đấu toàn quốc đạt 22 - 25 huy chương/năm.
Về hệ thống cơ sở vật chất: đến năm 2020, có 5/8 huyện, thị xã có sân vận động được tu bổ, sửa chữa, nâng cấp; có 4/8 huyện, thị xã có nhà tập luyện; có cơ sở vật chất TDTT theo quy định xây dựng nông thôn mới đạt 10%.
Đến năm 2030: phấn đấu số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 34 - 37%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 17 - 20%; số trường thực hiện giáo dục thể chất và thể thao trường học ở các bậc học là: Tiểu học đạt 70 - 80%, THCS đạt 85 - 95% và THPT đạt 100%. Số các CLB, tụ điểm, nhóm tập luyện TDTT ở cơ sở đạt từ 450-700 CLB; Từ 90-100% cán bộ hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ về TDTT.
Về thể thao thành tích cao, Bắc Kạn quy hoạch 12 môn thể thao thành tích cao vào hai nhóm: Nhóm các môn thể thao trọng điểm loại 1 (có huy chương), nhóm môn thể thao loại 2 (các môn thể thao định hướng phát triển). Trong đó, nhóm các môn thể thao trọng điểm loại 1 gồm 6 môn: Bắn cung, Điền kinh, Taekwondo, Bóng bàn, Vovinam, Cờ vua. Nhóm các môn thể thao loại 2 gồm 6 môn: Bóng chuyền; Karatedo; Bắn nỏ; Võ cổ truyền; Cầu lông; Bóng đá thiếu niên nhi đồng.
Cùng với đó, Bắc Kạn cũng đưa ra quy hoạch VĐV thể thao thành tích cao theo 3 tuyến: Tuyến VĐV năng khiếu đào tạo bán tập trung; tuyến VĐV đội tuyển trẻ; tuyến VĐV đội tuyển tỉnh. Năm 2020, tổng cộng đào tạo từ 169-223 VĐV và đến năm 2030 con số này tăng lên từ 306 - 386 VĐV. Với những mục tiêu cụ thể trên, đến năm 2030, TDTT Bắc Kạn phấn đấu đứng ở thứ hạng trung bình khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Phấn đấu có 2 - 4 Huy chương vàng tại các kỳ đại hội Thể thao toàn quốc.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, ngành VHTTDL Bắc Kạn đã xây dựng một loạt các giải pháp thực hiện. Trong đó, tập trung vào 07 nhóm giải pháp sau:
Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân về phát triển TDTT: Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết của đảng về phát triển TDTT đến năm 2030 trong các cấp uỷ đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận về phát triển TDTT đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh với các hình thức tuyên truyền phù hợp. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn và vận động nhân dân tham gia hoạt động TDTT ở cơ sở; gìn giữ, phát triển các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế trên địa bàn đầu tư phát triển TDTT. Phát động các phong trào thi đua “Khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, xây dựng và nhân rộng các điển hình về TDTT...
Đổi mới, nâng cao hiệu lực lãnh đạo và quản lý TDTT: Thực hiện cải cách hành chính, tích cực cải tiến lề lối làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ TDTT cơ sở, tổ chức hoạt động, khai thác có hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư để nâng cao chất lượng hoạt động TDTT. Đổi mới cơ chế quản lý TDTT ở các cấp theo hướng hiện đại, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, đảm bảo tính hệ thống, sự tương thích trong các lĩnh vực và có khả năng xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trong quản lý. Thường xuyên thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát trên mọi lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và khoa học công nghệ phát triển TDTT: Đầu tư mở rộng và quản lý hiệu quả tài nguyên cơ sở vật chất TDTT. Tập trung đầu tư, mở rộng các cơ sở vật chất được quy hoạch trọng điểm để đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải thể thao cấp khu vực và toàn quốc đồng thời phục vụ nhu cầu tập luyện, thi đấu thể thao ngày càng cao của nhân dân; xây dựng các chính sách khuyến khích nguồn đầu tư từ trong nước và nước ngoài để xây dựng cơ sở vật chất TDTT; xây dựng mô hình quản lý hiệu quả các tài nguyên cơ sở vật chất để phát triển ổn định, bền vững, nâng cao năng lực phục vụ, năng lực kinh doanh, tỷ lệ khai thác, đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của nhiều đối tượng khác nhau. Tập trung công tác nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực trọng điểm của TDTT với phương châm “Sáng tạo, đột phá, hướng tới tương lai”; tăng cường đầu tư hệ thống đảm bảo phục vụ công tác khoa học công nghệ và y học TDTT trong lĩnh vực thể thao thành tích cao; tiến hành cải cách thể chế quản lý công tác khoa học công nghệ TDTT để có những chính sách huy động nguồn lực và khai thác tài nguyên khoa học ở trong nước và nước ngoài; phối hợp, liên kết tận dụng ưu thế của các Trường Đại học TDTT, Viện Khoa học TDTT trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ khoa học cho sự nghiệp phát triển TDTT của tỉnh.
Huy động các nguồn lực tập trung phát triển TDTT: Huy động tiềm năng, nguồn lực của mọi lực lượng, mọi thành phần kinh tế xã hội cùng tham gia sáng tạo, cung cấp, tạo điều kiện cho các hoạt động TDTT phát triển mạnh mẽ, rộng khắp theo xu hướng đa dạng hóa chủ thể hoạt động. Đẩy mạnh xã hội hóa TDTT thông qua việc xây dựng, đổi mới các cơ chế, chính sách và điều kiện cần thiết để phát huy tiềm năng về vật chất và trí tuệ, tạo điều kiện để toàn xã hội được hưởng thụ các thành quả của TDTT, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo và những người trước đây khó có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ TDTT. Tăng cường ngân sách nhà nước cho phát triển TDTT đến năm 2020; tăng đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm về phát triển TDTT cũng như về xây dựng hệ thống cơ sở vật chất TDTT các cấp đáp ứng yêu cầu đào tạo, huấn luyện VĐV và tổ chức các giải thể thao trong tỉnh, đăng cai các giải thể thao khu vực và toàn quốc.
Ban hành cơ chế, chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên, tổ chức, cá nhân có thành tích đóng góp phát triển TDTT: Xây dựng cơ chế, chính sách và chế độ thoả đáng cho phát triển các môn TDTT truyền thống; cơ chế, chính sách đối với VĐV thể thao thành tích cao, cán bộ, huấn luyện viên, trọng tài; cơ chế, chính sách đối với VĐV thể thao thành tích cao có nhiều cống hiến cho tỉnh sau khi nghỉ thi đấu, VĐV sau khi hết độ tuổi thi đấu, hướng nghiệp và chính sách thu hút tài năng thể thao. Xây dựng cơ chế, chính sách về xã hội hoá của các tập thể, cá nhân đầu tư, đóng góp các nguồn lực cho hoạt động TDTT, khuyến khích hỗ trợ, đầu tư vào lĩnh vực TDTT, dịch vụ. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để phát triển TDTT. Khuyến khích liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế với các đơn vị công lập để khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình TDTT của nhà nước.
Các giải pháp về tổ chức bộ máy, cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực cho TDTT: Phối hợp với các Trường Đại học TDTT, Viện Khoa học TDTT, các Liên đoàn Thể thao quốc gia mở các khoá đào tạo, chuẩn hoá trình độ chuyên môn cho cán bộ TDTT ở các cấp. Phối hợp với các Liên đoàn Thể thao quốc gia cử các huấn luyện viên các môn thể thao tham gia các lớp đào tạo, tuyển chọn và huấn luyện do IOC tổ chức và các lớp trọng tài cấp quốc gia, quốc tế... Tăng cường đầu tư đào tạo, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ và đào tạo lại đội ngũ cán bộ TDTT ở các cấp. Kiện toàn công tác tổ chức, cơ cấu huấn luyện viên về số lượng, chất lượng, chuyên ngành ở các môn thể thao hiện có và các môn thể thao theo định hướng phát triển, đảm bảo công tác tổ chức cán bộ TDTT ở các cấp.
Cuối cùng là nhóm các giải pháp về ngân sách đầu tư: Nhà nước đầu tư xây dựng cơ bản các công trình thể thao lớn, các trang thiết bị và phương tiện chuyên dùng hiện đại, cấp kinh phí cho hoạt động sự nghiệp TDTT cấp tỉnh, cấp huyện và một phần kinh phí cho cấp xã. Giai đoạn đến năm 2020: Nhà nước cấp kinh phí cho hoạt động sự nghiệp TDTT đạt khoảng 0,20 - 0,25%/ tổng chi ngân sách tỉnh; giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 0,25 - 0,4%; giai đoạn 2026 - 2030 bằng 0,4 - 0,65%. Đối với cấp xã: Thực hiện cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm. Đối với thôn/làng/bản/khu dân cư: Do nhân dân và các tổ chức đóng góp, đối với vùng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ bản và đầu tư trang thiết bị chuyên dùng. Khuyến khích các tổ chức kinh tế, xã hội, doanh nghiệp, cá nhân tài trợ, hỗ trợ, đóng góp kinh phí để xây dựng và duy trì hoạt động sự nghiệp TDTT cơ sở.
Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, ngân sách đầu tư cho lĩnh vực TDTT hạn hẹp. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, thách thức với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân, trong những năm gần đây công tác TDTT của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Phong trào thể thao quần chúng ngày càng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Đến nay, tỷ lệ người dân thường xuyên tham gia tập luyện TDTT là trên 30% và có 13,4% số hộ gia đình tham gia tập luyện thường xuyên. 100% các trường đảm bảo chương trình giáo dục thể chất chính khóa, 30% tham gia tập luyện thể thao ngoại khóa tại các trường học. Cùng với đó, hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang luôn được quan tâm đẩy mạnh và phát triển trong các đơn vị quân đội, công an. 100% cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đều duy trì tốt chế độ tập luyện thường xuyên.
|
VD