Công tác phát triển TDTT của huyện miền núi Tri Tôn –An Giang trong giai đoạn mới

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, công tác TDTT của huyện miền núi Tri Tôn – An Giang luôn được quan tâm chú trọng và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược, đồng bộ nhằm thúc đẩy công tác TDTT trên địa bàn huyện ngày càng phát triển ổn định, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/1/2024 của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển TDTT trong giai đoạn mới.

Nhiều thành quả tích cực

Dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của người dân trong công tác phát triển TDTT, phong trào tập luyện TDTT trên địa bàn huyện Tri Tôn ngày càng phát triển rộng rãi trong mọi đối tượng và địa bàn dân cư, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo thống kê, đến nay, toàn huyện có gần 35% dân số tập luyện thường xuyên, số hộ đạt danh hiệu gia đình thể thao là 31,8%. Phong trào rèn luyện TDTT thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, với 100% chiến sĩ quân đội, công an trong độ tuổi đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể, 67% CNVC-LĐ tập luyện TDTT thường xuyên. Toàn huyện có trên 30 CLB TDTT đơn môn, đa môn với số lượng thành viên tham gia ngày càng gia tăng. Ngoài việc duy trì tập luyện hàng ngày, các CLB TDTT thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu thể thao và tham gia các giải thi đấu do tỉnh, huyện tổ chức. Trong đó, nhiều CLB có số lượng hội viên tham gia đông như: Quần vợt, Võ thuật, Thể dục dưỡng sinh, Xe đạp, Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Thể hình, Bóng bàn…

Huyện Tri Tôn tập trung phát triển TDTT theo Kết luận 70/KL-TW

Công tác giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trong trường học cũng được quan tâm chú trọng, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện về trí, lực cho học sinh, sinh viên. Theo đó, 100% trường học các cấp thực hiện giờ TDTT nội khóa và 83% ngoại khóa. Trong nhiều năm qua ngành Giáo dục huyện đã từng bước đưa các hoạt động thể thao ngoại khóa vào trong các nhà trường và được tổ chức dưới hình thức CLB, trong đó tập trung ở một số môn được học sinh yêu thích như: Võ cổ truyền, Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Cờ vua, Chạy việt dã.

Với đặc thù là huyện miền núi, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn (Tri Tôn là một trong số 74 huyện nghèo nhất cả nước), phần đông dân số trên địa bàn huyện là người dân tộc thiểu số nên việc lựa chọn các môn thể thao phù hợp, nhất là những môn thể thao dân tộc, truyền thống được đồng bào yêu thích được ngành VHTT huyện đặc biệt quan tâm. Vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã tiến hành tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao và hội thao. Trong đó, các môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian, như: Kéo co, Đẩy gậy, Việt dã, Cờ tướng... được duy trì tổ chức rộng khắp và được đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia. Qua đó, không những góp phần nâng cao đời sống vật chất, thể chất và tinh thần của người dân mà còn bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer trên địa bàn huyện. 

Không chỉ có vậy, trong thời gian qua, huyện luôn quan tâm đến việc đầu tư phát triển hạ tầng đảm bảo đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực phát triển TDTT. Trong đó phải kể đến Nhà Thi đấu TDTT huyện Tri Tôn với sức chứa 1.000 chỗ vừa mới được khánh thành và đi vào sử dụng từ tháng 8/2024, đã góp phần phục vụ công tác tổ chức các hoạt động TDTT của huyện. Đây là công trình TDTT có quy mô lớn với mức đầu tư trên 48 tỷ đồng có diện tích 2.468m2, gồm các hạng mục: Khối nhà thi đấu, khán đài; sân đường nội bộ và sân tập diện tích 3.765m2; sân bê-tông, cây xanh diện tích 1.679m2; sân nền diện tích 10.301m2; nhà để xe diện tích 60m2, cùng hệ thống thoát nước, bể nước ngầm, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, chống sét, hệ thống cấp điện và chiếu sáng...

Ngoài kinh phí nhà nước, huyện cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT bằng những cơ chế, chính sách phù hợp, qua đó mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã huy động tốt nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng sân bãi, dụng cụ tập luyện, đóng góp kinh phí tổ chức các giải thể thao, hội thi thể thao và các cuộc giao lưu thể thao ở cơ sở. Bên cạnh đó, các loại hình tập luyện TDTT được thành lập dưới nhiều hình thức như CLB, điểm, nhóm tập luyện trong các cơ quan, đơn vị, khu dân cư ngày càng phát triển hiệu quả, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Để phong trào TDTT có sức lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân, các xã, phường trên địa bàn huyện đã tích cực, chủ động lồng ghép các hoạt động TDTT gắn với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Hằng năm, nhiều giải thể thao phong trào đã thu hút đông đảo các đối tượng tham gia và trở thành ngày hội thể thao của nhân dân,  góp phần đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. Trong đó, nhiều giải thể thao đã trở thành giải đấu truyền thống được tổ chức hàng năm như: giải Bóng đá, bóng chuyền mừng Đảng, mừng Xuân; Giải Cầu lông cán bộ, công chức, viên chức huyện..

Phát triển TDTT gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội nhằm hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới, các cấp chính quyền huyện Tri Tôn sẽ tiếp tục chú trọng phát triển TDTT quần chúng theo tinh thần Kết luận 70-KL/TW. Theo đó, huyện tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền về phát triển TDTT trong giai đoạn mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về phát triển TDTT; phát triển và mở rộng các loại hình TDTT cho mọi người thông qua việc triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn phong trào TDTT quần chúng; xây dựng công trình thể thao công cộng ở khu dân cư; tạo cơ hội cho mọi người được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí. Quan tâm phát triển thể thao dân tộc, thể thao giải trí, thể thao quốc phòng, các đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật... trong hoạt động TDTT

Đồng thời, huyện cũng chú trọng công tác giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trong trường học, thông qua việc đổi mới giáo dục thể chất và thể thao trường học gắn với mục tiêu giáo dục, phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, tạo nền tảng để phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng trẻ bổ sung cho lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao của tỉnh. Nâng cao chất lượng và thực hiện tốt giáo dục thể chất theo chương trình nội khóa; đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, phát triển các loại hình hoạt động, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tham gia hoạt động TDTT bảo đảm mục tiêu phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản. Duy trì, củng cố và phát triển hệ thống thi đấu các giải thể thao, ngày hội thể thao kết hợp với sinh hoạt, giao lưu văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của học sinh; chú trọng từng bước triển khai sâu rộng công tác phổ cập dạy và học bơi cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục.

Song song với đó, công tác TDTT trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, công nhân, người lao động và lực lượng vũ trang tiếp tục giữ vững nề nếp và phát triển ổn định.

Khôi phục, bảo tồn và phát huy các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian  mang tính truyền thống và bản sắc văn hoá của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gắn với các hoạt động văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer.

Ông Thái Quốc Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thanh huyện Tri Tôn cho  biết: Để thúc đẩy phong trào TDTT ngày càng phát triển, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; đồng thời phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động TDTT phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện trọng đại của đất nước và các ngày Lễ, Tết của dân tộc. Các môn thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện thường xuyên, gồm: Bóng đá, Bóng chuyền, Thể dục dưỡng sinh, Quần vợt... góp phần đẩy mạnh phong trào tập luyện TDTT của người dân trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh HL

Ảnh trong bài
  • Công tác phát triển TDTT của huyện miền núi Tri Tôn –An Giang trong giai đoạn mới