Phan Rang - Tháp Chàm phấn đấu đạt 45% số người tập luyện TDTT thường xuyên vào năm 2025

Đây là một trong những mục tiêu mà Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đề ra trong Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao (TDTT) trong giai đoạn mới.

Phát triển toàn diện từ TDTT quần chúng đến thể thao thành tích cao

Trong những năm qua, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm luôn được duy trì và phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, số lượng người tập luyện TDTT thường xuyên tăng mạnh với hơn 72.000 lượt người, chiếm 42,7% dân số; hơn 19.000 hộ gia đình tập luyện TDTT thường xuyên, chiếm tỷ lệ 36,75%. Những kết quả này là tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục đẩy mạnh phong trào TDTT, rèn luyện, nâng cao sức khỏe, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong toàn thành phố. 

Cơ sở tập luyện TDTT trên địa bàn cũng được đầu tư mở rộng với trên 176 cơ sở. Trong đó: CLB Yoga – thẩm Mỹ - Aerobic 15 cơ sở, nhà tập thể hình 12 cơ sở, Quần vợt trên 35 sân, Cầu lông 16 sân, Bóng đá mini cỏ nhân tạo 26 sân, Bóng bàn trên 50 bàn, Bóng đá lớn 03 sân, 15 địa điểm tập võ thuật, 02 hồ bơi, 06 bể bơi, Bóng chuyền 14 sân, Bóng rổ 05 sân và một số loại hình khác như bi-a 20 cơ sở, dưỡng sinh 03 cơ sở… Thành phố cũng đã vận động nhiều nguồn lực để lắp đặt các dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời tại các địa điểm công cộng như: công viên chung cư Bến xe Bắc, công viên chung cư C1, công viên trước UBND phường Đài Sơn, công viên 16 tháng 4, công viên trước bệnh viện tỉnh Ninh Thuận, công viên biển Bình Sơn…

Bóng đá thu hút đông đảo các em học sinh tham gia tập luyện

Phong trào TDTT trong trường học ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực: 100% số trường thực hiện đúng chương trình giảng dạy TDTT nội khoá theo quy định của Bộ GD&ĐT; 100% số trường có quy hoạch đất dành cho hoạt động TDTT theo tiêu chuẩn từ 6 - 14m2/học sinh; 100% trường cơ bản có đủ dụng cụ phục vụ giảng dạy nội, ngoại khóa. Hàng năm các trường học trong toàn thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả rèn luyện thân thể của học sinh thông qua việc tổ chức Đại hội Điền kinh học sinh, Hội khỏe Phù Đổng, tạo sân chơi bổ ích, hỗ trợ việc học tập văn hóa cho các em.

TDTT lực lượng vũ trang cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng cán bộ, chiến sỹ tham gia rèn luyện và tập luyện TDTT ở các môn Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng bàn… không ngừng tăng lên chiếm tỷ lệ 96% của ngành, đáp ứng yêu cầu sức khỏe phục vụ công tác, chiến đấu trong mọi tình huống. TDTT trong từng đơn vị, ngành vũ trang luôn được duy trì thường xuyên, gắn liền với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, với khẩu hiệu “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” nhằm đánh giá kết quả tổ chức huấn luyện, rèn luyện thể lực, sẵn sàng chiến đấu, thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của lực lượng vũ trang, của đất nước, của tỉnh và của riêng thành phố Phan Rang -Tháp Chàm.

Có thể nói, sự phát triển nhanh và mạnh của phong trào TDTT quần chúng chính là tiền đề để thể thao thành tích cao thành phố đạt nhiều kết quả khả quan. Theo đó, số lượng VĐV thể thao thành tích cao trên địa bàn thành phố luôn chiếm  tới 85% của toàn tỉnh, phân bổ đều ở 03 tuyến (năng khiếu, đội trẻ, đội tuyển). Các VĐV đều được tham gia tập luyện và thi đấu chuyên nghiệp ở các bộ môn mũi nhọn của tỉnh như: Điền kinh, Võ thuật, Bóng bàn, Quần vợt, Cầu lông… Hàng năm, thành phố luôn có từ 10 đến 15 VĐV đạt thành tích quốc gia ở các lứa tuổi trẻ, thiếu niên, nhi đồng.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Kết luận 70 trong thời gian tới

Phát huy những kết quả đạt được, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm triển khai hiệu quả Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới. Trong đó, TDTT quần chúng phấn đấu số người tập luyện thường xuyên vào năm 2025 đạt 50% và năm 2030 đạt 70% (mỗi năm tăng 04-05%); số gia đình thể thao vào năm 2025 đạt 30% và đến năm 2030 đạt 35% tổng số gia đình. Cùng với đó, tăng số CLB thể thao tại các cơ quan, đơn vị, các xã, phường năm 2025 lên 300 CLB, con số này sẽ là 600 CLB vào năm 2030 (trung bình mỗi năm tăng 20%).

Công tác phát triển TDTT trong nhà trường sẽ được tập trung chú trọng với mục tiêu đưa tỷ lệ học sinh, sinh viên thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa qua các năm đạt 100% đối với tất cả các cấp học. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa thường xuyên ở các cấp học và có CLB TDTT năm 2025 đạt 95%, đến năm 2030 đạt 98%.

Cũng theo kế hoạch, thành phố sẽ tập trung tăng cường tổ chức các giải thể thao, mục tiêu ở cấp thành phố sẽ tổ chức từ 08 - 10 giải thể thao đến năm 2025 và từ 15 - 20 giải thể thao đến năm 2030. Ở cấp xã, phường sẽ tổ chức từ 03 - 05 giải thể thao đến năm 2025 và từ 08 - 10 giải thể thao đến năm 2030.

Cùng với phát triển TDTT quần chúng, các cấp các ngành của thành phố sẽ tiếp tục đầu tư phát triển thể thao thành tích cao, trong đó giai đoạn 2026-2030 sẽ tiếp tục ổn định 10 môn thể thao (Taekwondo, Vovinam, Điền kinh, Quần vợt, Cầu lông, Karate, Cờ vua, Bóng đá, Bóng rổ, Bóng chuyền) đã có sự đầu tư, đào tạo ở giai đoạn trước và bổ sung thêm các môn thể thao theo xu hướng của Thế giới (Bóng bàn, golf, pickleball,…).

Chỉ tiêu đề ra đến Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026 phấn đấu đạt 04 huy chương các loại (01 HCV, 01 HCB và 02 HCĐ); phấn đấu đóng góp 02-03 VĐV vào các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia; phấn đấu đạt 40 -50 huy chương các loại trong các giải trẻ, giải vô địch toàn quốc và giải quốc tế từ năm 2026 đến năm 2030.

Về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT, phấn đấu đảm bảo theo quy định của Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh thành phố đến năm 2025, đến năm 2030 sẽ có nhà thi đấu đa năng. Tăng cường việc lắp đặt các dụng cụ TDTT ngoài trời tại các địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2025 đạt 60%, đến năm 2030 đạt 80%. Đặt chỉ tiêu ở cấp xã, số xã, phường có sân bóng mini hoặc khu thể thao giải trí vào năm 2025 đạt 80%, đến năm 2030 đạt trên 90%.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, thành phố cũng đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với công tác phát triển TDTT. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực TDTT. Đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí. Tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn phong trào TDTT quần chúng; chú trọng phát triển thể thao dân tộc, thể thao giải trí, nhất là các loại hình thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số, thể thao biển...

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong trường học, đảm bảo các trường học trên địa bàn thành phố có đủ giáo viên chuyên trách TDTT đạt chuẩn về trình độ, số lượng theo quy định; đẩy mạnh công tác huấn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu đáp ứng tiêu chuẩn; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, y học trong tuyển chọn, đào tạo VĐV thể thao thành tích cao; tăng cường nguồn lực cho sự nghiệp TDTT; chú trọng đầu tư ngân sách cho thể thao quần chúng; xây dựng, nâng cấp các thiết chế TDTT từ thành phố đến cơ sở đảm bảo theo quy định, đồng thời tăng cường hiệu quả 5 hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện có; ưu tiên đầu tư phát triển TDTT vùng ven thành phố. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển TDTT, thúc đẩy hợp tác công - tư, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức các hoạt động và cung cấp dịch vụ TDTT.

Bài, ảnh: Hồng Hạnh

Ảnh trong bài
  • Phan Rang - Tháp Chàm phấn đấu đạt 45% số người tập luyện TDTT thường xuyên vào năm 2025