You must configure this module first via "Module Settings"

Thái Thụy- Thái Bình: phát triển TDTT trong giai đoạn mới đảm bảo yêu cầu, phù hợp với điều kiện của địa phương

Những năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động TDTT luôn được các cấp chính quyền huyện Thái Thụy – tỉnh Thái Bình chú trọng quan tâm. Nhờ đó, các hoạt động TDTT quần chúng diễn ra sôi nổi, thường xuyên. Đây cũng chính là nền tảng để huyện tiếp tục triển khai những mục tiêu nhiệm vụ đặt ra trong công tác phát triển TDTT theo yêu cầu của Kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới.

Đa dạng các hoạt động TDTT quần chúng

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện tích cực tham gia các hoạt động TDTT. Với phương châm mỗi người tự chọn ít nhất một môn thể thao để tập luyện hàng ngày, các hoạt động tập luyện diễn ra dưới nhiều hình thức, nội dung, chương trình thi đấu phong phú, đa dạng đã thu hút nhiều tầng lớp từ người cao tuổi đến thanh niên, phụ nữ, công nhân viên chức, thiếu niên, nhi đồng... Nhờ đó, phong trào TDTT của huyện ngày càng phát triển sâu rộng, số hộ gia đình và số người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên gia tăng hàng năm. Trong đó, đặc biệt là việc phát triển các CLB, đội nhóm tập luyện TDTT. Đến nay, toàn huyện có trên 250 CLB, đội nhóm tập luyện TDTT. Trung bình mỗi năm có từ 25-30 CLB TDTT, đội nhóm tập luyện TDTT được thành lập trên tinh thần tự nguyện đóng góp kinh phí để mua sắm các dụng cụ, tổ chức hoạt động. Công tác giáo dục thể chất cho học sinh được lãnh đạo huyện quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực, 100% các trường học có sân chơi, phục vụ môn GDTC giúp học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, tập luyện và thi đấu TDTT.

Công tác GDTC và hoạt động Thể thao trong trường học được đặc biệt quan tâm

Nền tảng TDTT quần chúng phát triển đã tạo đà cho thể thao thành tích cao của huyện có nhiều khởi sắc. Cùng với đó, công tác phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn VĐV tiêu biểu của huyện tham gia các giải thi đấu quốc gia, cấp tỉnh được quan tâm và đạt nhiều thành tích cao. Nhiều VĐV của huyện đã giành được những thành tích cao tại các giải cấp tỉnh và trở thành những gương mặt tiêu biểu của thể thao Thái Bình tại các giải thể thao quốc gia như: Ngô Thị Khánh Ni, Lưu Thị Thu, Lương Thị Hồng (Biền kinh), Trần Minh Vương, Nguyễn Thanh Bình (bóng đá), Tạ Thanh Huyền (Đua Thuyền)….

Một trong những điểm nhấn trong phong trào TDTT của huyện Thái Thụy là công tác tổ chức Đại hội TDTT các cấp lần thứ IX. Đại hội có sự tham gia của 36 xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị và trường học với tổng số14.220 HLV, VĐV, trọng tài (bình quân mỗi xã có khoảng 395 người tham gia). Các VĐV tham gia tranh tài ở 10 môn thi đấu...

Phát triển TDTT theo kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới về phát triển TDTT theo Kết luận số 70- KL/TW của Bộ chính trị, UBND huyện đã ban hành Đề án số 06/ĐA-UBND ngày 17/5/2024 về "Phát triển TDTT huyện Thái Thụy trong giai đoạn mới”. Mục đích, yêu cầu của Đề án nhằm cụ thể hoá và triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung, nhiệm vụ theo Kết luận số 70- KL/TW; đồng thời đảm bảo phát triển TDTT phù hợp với điều kiện thực tiễn của huyện.

Theo đó, Đề án tập trung vào 6 mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể: Số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt tỷ lệ trên 40% dân số của huyện. Số gia đình luyện tập TDTT đạt tỷ lệ trên 30% số gia đình trong toàn huyện.

Về công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học, huyện đặt mục tiêu 100% các trường Tiểu học, THCS, THPT có CLB TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT, có đủ giáo viên và HDV TDTT; thực hiện tốt TDTT ngoại khóa. Kết quả đánh giá, xếp loại thể lực học sinh loại Đạt trở lên chiếm trên 95%.

Công tác TDTT trong lực lượng vũ trang: Tỷ lệ đơn vị Quân đội nhân dân tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên đạt trên 90%. Tỷ lệ đơn vị thực hiện đủ chương trình rèn luyện thân thể cán bộ, chiến sĩ theo quy định đạt trên 95%. Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ rèn luyện TDTT thường xuyên đạt trên 95%. Số đơn vị Công an nhân dân tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên đạt trên 90%. Tỷ lệ đơn vị thực hiện đủ chương trình rèn luyện thân thể cán bộ, chiến sĩ theo quy định đạt trên 95%. Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ rèn luyện TDTT thường xuyên đạt trên 95%.

Bên cạnh đó, công tác phát triển TDTT trong cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, nhất là lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng được đặc biệt quan tâm. Huyện đặt chỉ tiêu 100% các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đảm bảo cơ sở vật chất hoạt động TDTT cho công nhân; thường xuyên tổ chức, phối hợp với các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động TDTT dành cho công nhân lao động.

Song song với phát triển thể thao phong trào, huyện tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao với mục tiêu đảm bảo phát triển nhanh, bền vững; tập trung nguồn lực đầu tư vào những môn thể thao trọng điểm mà huyện có thế mạnh như: Vật cổ truyền, Bóng đá, Bơi lội, Việt dã; chú trọng phát triển các môn phong trào, được người dân yêu thích như: Cầu lông, Bóng bàn, Bóng chuyền hơi…

Nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ

Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra, huyện tập trung vào việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, nhất là người đứng đầu đối với nhiệm vụ phát triển TDTT; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về TDTT vào nghị quyết, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

 Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ứng dụng công nghệ số, tăng cường vai trò của các cơ quan báo chí, tuyên truyền về TDTT nhằm cung cấp kiến thức, thông tin về hoạt động thể chất cho nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền, vận động lực lượng cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tích cực tham gia tập luyện TDTT gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”.

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực TDTT; triển khai thực hiện đảm bảo nội dung các Đề án, Kế hoạch, Chiến lược phát triển sự nghiệp TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với điều kiện thực tiễn của huyện, trong đó chú trọng Đề án phát triển TDTT cho mọi người trong giai đoạn mới.

Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa TDTT bằng những cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho TDTT, nhất là xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa – thể thao ( Đến nay, 100% các xã, thị trấn có sân vận động, 100% thôn có sân thể thao. Các sân chơi, nhà tập luyện, từng bước đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân). Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích các CLB, doanh nghiệp hỗ trợ, tài trợ kinh phí để tổ chức các hoạt động TDTT. Trong đó, kinh phí tổ chức Đại hội TDTT các cấp (tại Đại hộiTDTT các cấp lần thứ IX của huyện, có đến 60% là từ nguồn kinh phí xã hội hóa).

Bài, ảnh HL

Ảnh trong bài
  • Thái Thụy- Thái Bình: phát triển TDTT trong giai đoạn mới đảm bảo yêu cầu, phù hợp với điều kiện của địa phương
  • Thái Thụy- Thái Bình: phát triển TDTT trong giai đoạn mới đảm bảo yêu cầu, phù hợp với điều kiện của địa phương