Việt Nam tăng cường công tác phòng chống Doping trong thể thao

Phòng, chống doping trong thể thao – một vấn đề tuy không mới nhưng luôn mang tính thời sự và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển thể thao nước nhà. Phóng viên Trang tin TDTT Việt Nam (www.tdtt.gov.vn) đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Minh Hà – Giám đốc Trung tâm Phòng chống Doping Việt Nam về tầm quan trọng của phòng, chống Doping trong thể thao - một nhiệm vụ không chỉ mang tính chuyên môn mà còn gắn liền với tinh thần thể thao trong sạch.

Ông Lê Minh Hà - Giám đốc Trung tâm Phòng chống Doping Việt Nam

Thưa ông, vì sao công tác phòng chống doping lại được coi là yếu tố then chốt trong việc xây dựng một nền thể thao trung thực và phát triển bền vững?

Tập luyện và thi đấu thể thao trung thực là giá trị nền tảng của tinh thần Olympic. Ở đó sẽ lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những hình ảnh đẹp, tinh thần thượng võ, bồi đắp và truyền tải giá trị thể thao sạch tới cộng đồng xã hội. Công tác phòng chống doping đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, giáo dục đạo đức, ý chí đối với không chỉ VĐV mà còn cả tới những người hỗ trợ như: HLV, Bác sĩ và những người liên quan. Không đánh đổi tất cả để có được thành tích hay nói một cách khác là tấm "Huy chương SẠCH" là thông điệp xuyên suốt của công tác phòng chống doping trong hoạt động thể thao tại Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng VĐV gặp phải những vấn đề liên quan đến doping trong thể thao Việt Nam hiện nay, đặc biệt là trong các giải đấu quốc gia và khu vực?

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, giá trị của thể thao thành tích cao cũng được tăng lên, sự quan tâm của xã hội cũng nhiều hơn, mang lại nguồn lợi, thu nhập cho VĐV cũng rất đáng kể. Do đó, HLV, VĐV cũng đầu tư nhiều hơn cho tập luyện để nâng cao thành tích dẫn đến việc vô tình hay cố ý vi phạm sử dụng chất cấm/phương pháp cấm cũng tăng lên. Trước đây, số vụ vi phạm doping chỉ rải rác ở một số môn với mức độ vi phạm không giống nhau do vô tình sử dụng chất cấm thì nay có những môn số lượng VĐV vi phạm tăng lên, tập trung ở một môn có cùng một hay nhiều chất cấm giống nhau trong mẫu thử. Hầu hết, những trường hợp vi phạm đều sử dụng những thực phẩm chức năng, hỗ trợ sức khỏe, mau hồi phục mà không có sự tư vấn, hướng dẫn của các bác sỹ, chuyên gia về dinh dưỡng, được đào tạo bài bản về doping dẫn đến vi phạm. Mà trên hết, việc sử dụng những chất cấm đó trong thời gian dài sẽ gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của người tập. Nhìn xa hơn là sức khỏe của cả một thế hệ trẻ.

Những khó khăn, hạn chế lớn nhất hiện nay trong công tác phòng chống doping tại Việt Nam là gì, đặc biệt từ góc độ cơ chế, nguồn lực và trang thiết bị?

Mặc dù đã có Thông tư 01/2024 của Bộ VHTTDL là văn bản then chốt trong việc qui định phòng chống doping trong hoạt động thể thao. Tuy nhiên, vẫn cần những văn bản khác qui định cụ thể hơn, hướng dẫn về mức phạt, trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan đến vi phạm phòng chống doping. Hiện nay, chúng ta mới chỉ đang thực hiện áp dụng hình thức phạt cấm thi đấu, tham gia hoạt động chuyên môn với các VĐV có hành vi vi phạm. Nhưng chưa có văn bản hướng dẫn, các công tác điều tra, xác định thông tin để phát hiện các hành vi vi phạm khác của các đối tượng liên quan như sở hữu, buôn bán chất cấm/phương pháp cấm; cho VĐV sử dụng chất cấm/phương pháp cấm hoặc hỗ trợ, bao che, dính líu đến bất kỳ hành vi vi phạm. Để làm tốt việc này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi pháp luật như công an, hải quan, quản lý thị trường, cơ quan bộ y tế quản lý thực phẩm chức năng, dược. Có như vậy chúng ta mới thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của quốc gia tham gia ký kết Công ước UNESCO phòng chống doping với quốc tế.

Theo ông, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là Bộ VHTTDL, Cục TDTT Việt Nam được thể hiện như thế nào trong việc tăng cường hiệu quả phòng chống doping?

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Bộ VHTTDL đến Cục TDTT Việt Nam được thể hiện thông qua những văn bản mang tính tổng quan như Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã quan tâm chú trọng đến phòng chống doping và cụ thể hướng dẫn tại Thông tư 01/2024. Tuy nhiên vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước khác như các Sở VHTTDL, Sở VHTT tại các địa phương chưa thực sự hiệu quả. Vẫn còn có những suy nghĩ của những cấp quản lý về việc "địa phương của chúng tôi kinh phí cho VĐV về dinh dưỡng còn chưa đủ thì sao mua nổi doping". Do đó, việc thay đổi nhận thức, hiểu rõ tầm quan trọng của phòng chống doping của các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương được đồng bộ thì khi đó công tác phòng chống doping mới đạt hiệu quả cao. Việc cử cán bộ quản lý, cán bộ có liên quan đi tập huấn chuyên môn về phòng chống doping do Trung tâm Phòng chống Doping Việt Nam tổ chức là rất quan trọng. Vừa qua, trung tâm đã tổ chức 01 lớp cho cán bộ quản lý và 01 lớp cho cán bộ giảng dạy phòng chống doping, nhưng việc cử người tham gia rất hạn chế, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có sự đầu tư cho thể thao lớn và các Hội thể thao quốc gia, có nhóm VĐV nguy cơ cao sử dụng doping.

Theo ông, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao cần làm gì để góp phần vào công cuộc đẩy lùi doping trong thể thao, đặc biệt ở các cấp đào tạo trẻ?

Công tác phòng chống doping là trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến hoạt động thể thao. Thông tư 01/2024 của BVHTTDL về qui định phòng chống doping trong hoạt động thể thao cũng đã ghi rất rõ trách nhiệm của Hội Thể thao quốc gia, ngăn chặn, đẩy lùi doping trong thể thao là rất quan trọng. Theo đó, định hướng các Hội thể thao quốc gia cần có những chế tài kỷ luật bổ sung đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm. Với vai trò được giao quản lý về chuyên môn, các Hội thể thao cần đầu tư nhiều hơn trong công tác giáo dục đạo đức, giá trị cốt lõi của thể thao trung thực, đạo đức trong thể thao đảm bảo rằng môi trường tập luyện và thi đấu được thực hiện công bằng, mọi người tham gia được đối xử với sự tôn trọng và phẩm giá. Xác định huấn luyện chuyên môn và giáo dục đạo đức, tư tưởng kết hợp chăm sóc sức khỏe giới tính cho VĐV phải được thực hiện đồng bộ. Trong đó vai trò người thầy, người huấn luyện viên đặc biệt quan trọng. Công tác đào trẻ quyết định đến thành tích và phát triển bền vững trong thể thao hiện đại, xã hội hiện đại.

Trong thời gian tới, Trung tâm có kế hoạch cụ thể nào để tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của VĐV, HLV và cán bộ ngành thể thao về vấn đề doping?

Ngay khi Thông tư 01/2024 được ban hành, Trung tâm Phòng chống Doping Việt Nam đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các địa phương, Hội Thể thao quốc gia, cơ sở đào tạo huấn luyện thể thao quốc gia và địa phương về công tác giáo dục, tuyên truyền phòng chống doping. Bên cạnh đó, cũng sẽ tập trung tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng, kênh thông tin của Bộ VHTTDL, Cục TDTT Việt Nam, mạng xã hội về các hoạt động tích cực nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe, trang bị kiến thức phòng ngừa rủi ro khi sử dụng thực phẩm chức năng không đảm bảo; phương pháp tập luyện và phục hồi, nghỉ ngơi chưa có cơ sở khoa học. Xa hơn nữa, sẽ nhắm đến đối tượng tuyền truyền là các em nhỏ ở các cơ sở giáo dục phổ thông, đối tượng cần hướng dẫn về tinh thần thể thao cao thượng, trung thực; giá trị cốt lõi của việc tập luyện thể chất, nâng cao sức khỏe hướng tới phát triển toàn diện Chân – Thiện – Mỹ. Đồng thời, Trung tâm Phòng chống Doping Việt Nam sẽ tham mưu Cục TDTT Việt Nam trình Bộ VHTTDL quy định bắt buộc VĐV, HLV hoàn thành chương trình giáo dục phòng chống doping khi tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc và Giải Vô địch. Việc này, tại các Đại hội thể thao thế giới và châu lục đã thực hiện.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thái Dương thực hiện

Ảnh trong bài
  • Việt Nam tăng cường công tác phòng chống Doping trong thể thao