1. Khudadadi và Đội tuyển Paralympic người tị nạn làm nên lịch sử
Đội tuyển Paralympic người tị nạn đã giành được những tấm huy chương đầu tiên tại Paris. Hai HCĐ ở nội dung Para-Taekwondo và Điền kinh Para là những di sản lâu dài về những gì mà người tị nạn khuyết tật có thể đạt được.
Zakia Khudadadi sinh ra tại Afghanistan đã đi vào lịch sử khi trở thành thành viên đầu tiên của Đội tuyển Paralympic người tị nạn giành HCĐ ở hạng mục Para-Taekwondo nữ K44-47kg.
Ba ngày sau đó, Guillaume Junior Atangana đã trở thành VĐV người tị nạn nam đầu tiên giành huy chương tại Paralympic, với tấm HCĐ ở nội dung 400m T11 nam
"Đó là khoảnh khắc siêu thực, tim tôi đập thình thịch khi nhận ra mình đã giành được HCĐ. Tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn để có được ngày hôm nay. Huy chương này dành cho tất cả phụ nữ Afghanistan và tất cả người tị nạn trên thế giới. Tôi hy vọng một ngày nào đó đất nước tôi sẽ có hòa bình.", Zakia Khudadadi chia sẻ về cảm xúc khi biết mình giành huy chương.
2. Các VĐV đại diện cho những quốc gia lần đầu tiên tham dự và tấm huy chương Paralympic đầu tiên
Đó là Kesete Weldemariam của Eritrea và Ongiou Timeon của Kiribati. Cả hai đều là VĐV Paralympic đầu tiên của đất nước mà mình đại diện. Trong đó, Palesha Goverdhan đã xuất sắc giành được huy chương đầu tiên - HCĐ ở nội dung K44 hạng cân dưới 57kg nữ Taekwondo cho đất nước Nepal.
Cung thủ Paralympic Jodie Grinham thi đấu tại Paralympic mặc dù đang mang thai ở tuần thứ 28 (ảnh: insidethegames).
3. VĐV Paralympic đầu tiên bước lên bục vinh quang khi đang mang thai 7 tháng
Đó là cung thủ Paralympic Jodie Grinham. Cô tham gia thi đấu tại Paralympic khi đang mang thai ở tuần thứ 28. "Bà bầu" VĐV này không chỉ thi đấu mà còn giành HCV ở nội dung Bắn cung hỗn hợp đồng đội và đi vào lịch sử khi chính là VĐV mang thai đầu tiên được bước lên bục vinh quang cao nhất của một kỳ Thế vận hội dành cho Người khuyết tật.
4. Lời cầu hôn tại Paralympic
VĐV chạy nước rút Paralympic người Ý Alessandro Ossola chạy đến đám đông tại Stade de France sau khi kết thúc vòng loại 100m T63 nam để hỏi bạn gái mình câu hỏi vô cùng quan trọng. Bạn gái của anh, Arianna Mandaradoni, một trong 40.000 người có mặt tại Stade de France, đã vô cùng "sốc" trước khi nói với Ossola rằng: cô đồng ý.
5. Màn trình diễn “không tưởng” của Pembroke
Một trong những màn trình diễn hay nhất của một VĐV Paralympic phải kể đến là VĐV Ném lao Dan Pembroke. VĐV 33 tuổi này đã phá kỷ lục thế giới hai lần ở nội dung Ném lao hạng F13 dành cho người khiếm thị để giành HCV, qua đó bảo vệ danh hiệu vô địch Tokyo 2020 của mình
Dan Pembroke đã giành thành tích 71,15m trong lần thử thứ ba và sau đó là 74,49m trong lần ném cuối cùng, cả hai đều phá kỷ lục 71,13m được lập vào 2017 của Aleksandr Svechnikov người Uzbekistan.
6. Ngôi sao Paralympic mới nổi
Ezra Frech nổi lên từ Thế vận hội Paralympic Paris 2024 như một siêu sao mới sau khi giành được hai HCV trong vòng 24 giờ. VĐV 19 tuổi này đã làm đảo lộn mọi dự đoán khi giành chiến thắng ở chung kết 100m T63 nam và ở nội dung Nhảy cao T63 nam với thành tích 1,94m.
Sau đó, Ezra Frech tiếp tục khiến báo giới phải ngạc nhiên khi đặt mục tiêu giành 03 HCV tại Thế vận hội Paralympic mùa hè Los Angeles 2028. Mục tiêu của anh là sử dụng sự nổi tiếng của mình để "xóa bỏ sự kỳ thị" đối với khuyết tật.
7. Nhà vô địch đơn nam Paralympic trẻ tuổi nhất
Vừa giành chức vô địch Wimbledon vào đầu năm nay, Alfie Hewett đã tham dự Paralympic với tư cách là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch Quần vợt xe lăn Paralympic. Tay vợt 18 tuổi này đã giành chiến thắng trong bốn ván đấu cuối cùng liên tiếp để đánh bại Hewett và trở thành nhà vô địch đơn nam Quần vợt xe lăn Paralympic trẻ tuổi nhất trong lịch sử.
8. Có một thần đồng Paralympic
Ở môn Bóng bàn, một VĐV 14 tuổi đã trở thành VĐV trẻ nhất Vương quốc Anh giành huy chương đó là Bly Twomen. VĐV bại não đã trở thành Thần đồng của Paralympic 2024 khi giành được 02 huy chương. Đó là HCĐ ở nội dung Đôi WD14 cùng với Fliss Pickard và ở nội dung Đơn WS7.
VĐV 14 tuổi đến từ Brighton, Anh, cũng đặt mục tiêu giành HCV tại Thế vận hội Paralympic mùa hè Los Angeles 2028.
9. Niềm tự hào dân tộc trong môn Bóng đá dành cho người khiếm thị
Đội tuyển Bóng đá dành cho người khiếm thị của nước chủ nhà đã nỗ lực đến tận cùng tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật. Được dẫn dắt bởi đội trưởng ấn tượng Frédéric Villeroux, đội tuyển Pháp đã vượt qua nhà vô địch thế giới Argentina trên chấm luân lưu, giành được HCV dưới chân Tháp Eiffel.
Đội tuyển Pháp, đội đã giành chiến thắng 3-2 trên chấm luân lưu, đã trở thành đội đầu tiên ngoài Brazil giành HCV môn Bóng đá dành cho người khiếm thị tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật.
Oksana Masters là nữ hoàng thực sự của Thế vận hội dành cho người khuyết tật (ảnh: insidethegames)
10.Cả thế giới thán phục Oksana Masters
Lời cảm ơn đặc biệt cuối cùng phải dành cho Oksana Masters, người đã giành được 02 HCV và 01 HCĐ tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paris 2024. Với thành tích này, cô đã nâng tổng số huy chương Paralympic của mình lên con số đáng kinh ngạc là 20. Sinh ra gần Chernobyl, Ukraine vào năm 1989, Masters mắc nhiều dị tật bẩm sinh được cho là hậu quả của bức xạ từ thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl khét tiếng.
Cha mẹ ruột của cô đã bỏ rơi cô và cô đã trải qua bảy năm đầu đời trong hoàn cảnh đau thương tại một số trại trẻ mồ côi trước khi được một giáo sư người Mỹ nhận nuôi và chuyển đến sinh sống tại Hoa Kỳ khi vừa tròn 07 tuổi. Sau khi cả hai chân bị cắt cụt, cô tiếp tục đại diện cho Hoa Kỳ tham gia cả Thế vận hội dành cho người khuyết tật mùa đông và mùa hè, giành được tổng cộng 9 HCV, 7 HCB và 4 HCĐ ở các môn Trượt tuyết người khuyết tật, Chèo thuyền người khuyết tật, Biathlon người khuyết tật và Xe đạp người khuyết tật.
Oksana Masters là nữ hoàng thực sự của Thế vận hội dành cho người khuyết tật.
A.T biên dịch