Được tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc ký kết, thỏa thuận lịch sử này nhấn mạnh thể thao là "động lực" quan trọng để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach phát biểu tại "Hội nghị thượng đỉnh tương lai" của Liên hợp quốc được tổ chức tại New York (ảnh: insidethegames)
Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Chủ tịch Thomas Bach đã gửi lời cảm ơn chân thành nhất về việc thông qua Hiệp ước vì tương lai, vì đã công nhận vai trò của thể thao là động lực quan trọng và là động lực thúc đẩy của các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 gần đây đã minh họa cách Ủy ban Olympic quốc tế đóng góp vào các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua thể thao.
Chủ tịch Thomas Bach cũng chia sẻ thêm rằng Ủy ban Olympic quốc tế cam kết tăng cường hơn nữa vai trò của thể thao như đã được đề cập đến trong Hiệp ước, thể hiện tinh thần Olympic "Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn - Cùng nhau".
Đáng chú ý, thể thao được đưa vào Hành động 11 trong số 56 Hành động được nêu trong Hiệp ước, trong đó các thành viên Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng "văn hóa và thể thao là một phần không thể thiếu của phát triển bền vững". Họ công nhận khả năng của thể thao trong việc thống nhất các cá nhân và cộng đồng, nâng cao phúc lợi, thúc đẩy bản sắc và gắn kết xã hội. Họ cũng cam kết tích hợp văn hóa và thể thao vào các chính sách và đầu tư công để thúc đẩy phát triển toàn diện, công bằng.
Hiệp ước cũng đề cập đến nhu cầu đầu tư vào giáo dục dễ tiếp cận, toàn diện và chất lượng cao, bao gồm giáo dục thể chất và thể thao, như một phần của việc xây dựng tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau. Thỏa thuận này dựa trên Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc năm 2015, trong đó cũng định vị thể thao là một phần thiết yếu của phát triển bền vững, khẳng định sự hợp tác lâu dài giữa Liên hợp quốc và Ủy ban Olympic quốc tế.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Thomas Bach nhấn mạnh cam kết của Phong trào Olympic đối với hòa bình và là "mục tiêu phát triển bền vững cơ bản nhất". Chủ tịch Thomas Bach đánh giá cao kỳ Thế vận hội Olympic gần đây vì đã thúc đẩy sự chung sống hòa bình giữa các VĐV từ 206 quốc gia và Đội tuyển Olympic người tị nạn, tất cả đều thi đấu với sự tôn trọng lẫn nhau, bất kể căng thẳng chính trị hay xung đột giữa các quốc gia quê hương của họ.
A.T biên dịch