Thực tế cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của CNTT trong mọi mặt, mọi lĩnh vực đời sống. CNTT đã thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh tế, xã hội tạo ra nhiều thay đổi và được đánh giá là động lực phát triển xã hội quan trọng nhất hiện nay. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước rất quan tâm phát triển CNTT trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Muốn làm được như vậy cần có một nguồn nhân lực đảm bảo về chất lượng và đồng bộ hoá thị trường nhân lực, trong đó đặc biệt chú trọng tăng cường các kỹ năng cao cấp, đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.
Vấn đề đặt ra ở đây là, nếu đã có một nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng yêu cầu thì cũng cần có một chế độ đãi ngộ thích hợp nhằm tránh tình trạng "chảy máu chất xám" hoặc tình trạng "chân trong chân ngoài" khi làm việc trong cơ quan nhà nước. Một trong những tiêu chí đặt ra để có thể huy động nguồn lực chất xám CNTT phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá phát triển đất nước chính là chế độ đãi ngộ hợp lý.
Chế độ đãi ngộ hợp lý không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa đền bù xứng đáng với nguồn chất xám những người làm CNTT bỏ ra mà còn giúp họ dành hết tâm trí cho khoa học và từ đó, chắc chắn sẽ sản sinh ra những "đứa con tinh thần" có giá trị cao. Chế độ đãi ngộ hợp lý ở đây không hẳn là những khoản tiền khổng lồ mà là một mức lương thoả đáng để có thể đảm bảo một mức sống tương đối. Thiết nghĩ, đó cũng không phải là bài toán quá khó. Ngoài ra, một môi trường với điều kiện làm việc thuận lợi cũng thật sự mang tính khuyến khích đối với họ.
Chế độ đãi ngộ nói trên không chỉ thu hẹp đối với nguồn nhân lực CNTT trong nước mà còn đối với những kỹ sư CNTT đang học tập và làm việc tại nước ngoài. Nghị Quyết 36 của Chính phủ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có nêu rõ "trong thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ từng bước hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước; xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao... mở rộng hợp tác, thu hút sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia công việc ở trong nước..."
Như vậy, với một chế độ đãi ngộ hợp lý bao gồm những lợi ích vật chất trực tiếp, gián tiếp, môi trường làm việc thuận lợi sẽ tạo nên sự hài lòng về mặt tâm lý. Đó chính là động lực để tạo ra nhiều lợi ích phi vật chất, tiêu biểu là sự gắn kết chặt chẽ giữa lao động với cơ quan sở hữu lao động đó.
Với sự quan tâm cũng như chỉ đạo đúng hướng của Đảng và Nhà nước, hy vọng CNTT Việt Nam sẽ tiến mạnh trong một thời gian không xa, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh.
A.T