Quốc gia mạnh về CNTT là quốc gia phát triển nhanh và bền vững, lấy thông tin làm nền tảng. Đó là một xã hội sôi động trong công việc phát triển hạ tầng; phương tiện thông tin; dịch vụ; hội tụ công nghệ giữa viễn thông - Internet - phát thanh truyền hình - thông tin điện tử; hình thành Chính phủ điện tử và công dân điện tử. Điều đó tạo ra nhu cầu phát triển sản xuất công nghiệp CNTT, phát sinh nhu cầu nhân lực cho các ngành, nghề mới về CNTT để hỗ trợ cho mọi ngành nghề khác.
Xác định được tầm quan trọng đó, trong thời gian tới Việt Nam sẽ rà soát các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch liên quan đến CNTT đã được phê duyệt và đang triển khai. Nghiên cứu các tiêu chí quốc gia mạnh về CNTT, xác định Việt Nam đang ở đâu để từ đó có các chính sách đột phá phù hợp.
Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT có thời gian thực hiện đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu của Đề án là đưa Việt Nam lọt vào tốp 70 quốc gia phát triển CNTT-TT hàng đầu thế giới vào năm 2015. Đến năm 2020, CNTT-TT của Việt Nam có trình độ ngang các nước tiên tiến. Trong đó, hạ tầng viễn thông và CNTT tương đương nước công nghiệp phát triển; các thiết bị thông tin như di động, Internet, điện thoại cố định và tivi đến được với mọi người dân có nhu cầu; cơ quan nhà nước ứng dụng CNTT và triển khai Chính phủ điện tử sâu rộng; nguồn nhân lực CNTT đạt trình độ nhóm các nước phát triển trong khu vực, bắt đầu xuất khẩu nhân lực ra quốc tế; hình thành các doanh nghiệp viễn thông và CNTT có quy mô khu vực và quốc tế; công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều sản phẩm có hàm lượng sáng tạo cao.
Để làm tốt được việc này, trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng chương trình phát triển hạ tầng, đưa thiết bị nghe nhìn về cơ sở; xây dựng chính sách kích cầu và chính sách đột phá về CNTT-TT và đào tạo nhân lực; xây dựng chương trình thúc đẩy ứng dụng CNTT và công nghiệp CNTT.
N.H