Chỉ sau vài năm khởi động, Báo điện tử đã tạo dựng và khẳng định rõ vị thế của mình trên mặt trận truyền thông. Không chỉ khẳng định tính ưu việt của loại hình thông tin, báo điện tử còn cho thấy những dấu hiệu của sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Có ngày hôm nay, loại hình thông tin này đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục để được hoàn thiện hơn
Vấn đề khó khăn trước tiên phải nói đến là hầu hết các Báo điện tử đều trong tình trạng bù lỗ. Mặc dù theo dự báo của eMarketer, trong năm 2005, nguồn kinh phí thu được từ quảng cáo của báo điện tử sẽ là 11 tỷ USD tuy nhiên phải thấy rằng trong số 20 tờ báo điện tử tiếng Việt hàng đầu hiện nay chỉ duy nhất có VnExpress tới đạt tới 700 triệu doanh số quảng cáo/tháng. Doanh thu từ quảng cáo của các báo khác là không đáng kể. Ngoài VnExpress, một số tờ báo được xem là số lượng người truy cập đáng kể như Thanh niên, Vietnamnet... cũng bày tỏ suy nghĩ của mình trước khó khăn này.
Theo Ông Nguyễn Công Khế (Tổng biên tập Báo Thanh niên): "Hiện nay, việc làm báo điện tử là lỗ. Trong 5, 10 năm nữa, tôi cũng chưa hình dung được, có thể lúc đó hệ thống báo điện tử ở nước ta phát triển đến mức nào, và quen thuộc với độc giả đến đâu. Lúc đó chúng ta mới tính đến chuyện có thu được quảng cáo hay không. Với bản thân tôi, tôi nghĩ còn rất lâu". Ông Nguyễn Anh Tuấn (Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamnet) khẳng định: "Hiện chưa có tờ báo điện tử nào có lợi nhuận từ việc kinh doanh báo điện tử của mình".
Nhận định nói trên là hoàn toàn phù hợp với thực tế, theo thống kê của tờ báo điện tử Diễn đàn nghiệp vụ báo chí Việt Nam thì chi phí cho việc trả nhuận bút, thuê đường truyền, máy chủ cũng chiếm khoảng 100 triệu, ngoài ra còn các khoản chi khác như đầu tư hạ tầng, trang thiết bị... Tờ báo có đầu tư lớn (trên dưới 6 tỷ đồng) như Thanh niên Online, cố gắng lắm cũng chỉ có thể bù khoảng 5% chi phí nói trên hay tờ báo điện tử có mức đầu tư lớn nhất trong năm qua như Vietnamnet cũng chỉ có doanh thu 100 triệu từ quảng cáo/tháng.
Mặc dù các báo điện tử phải chấp nhận một thực tế là sẽ không thể nhanh chóng thu lời từ nay đến hết 2010. Song, có công mài sắc, có ngày nên kim, báo điện tử sẽ là miền đất hứa cho ngành công nghiệp quảng cáo khi mà hoạt động này trên truyền hình, phát thanh, báo giấy đã trở nên bão hoà. Và hơn thế nữa, các báo điện tử còn có thể tạo ra những lợi ích gián tiếp (những nhân tố chìm cho sự phát triển lâu dài của loại hình này).
Khó khăn thứ 2 với báo điện tử là chất lượng tin bài và cơ cấu bộ máy tổ chức. Nhiều tờ báo điện tử chỉ chú trọng việc đưa tin nhanh mà chưa chú trọng đến chất lượng cũng như cân nhắc đến tính lợi, hại của thông tin đó. Tình trạng sử dụng bài của nhau giữa các tờ báo điện tử không phải là ít. Rồi phải kể đến mô hình, tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động chưa rõ ràng, chưa mang tính chuyên môn hoặc trình độ chuyên môn chưa cao. Vấn đề an ninh mạng cũng không kém phần quan trọng trong việc duy trì một tờ báo điện tử khi thực tế là các trang tin điện tử vẫn còn nhiều bất cập về trình độ kỹ thuật, trang thiết bị chưa theo kịp trình độ chung của châu lục và thế giới, tốc độ truy cập còn chậm, an ninh mạng chưa cao...
Và vấn đề cuối cùng phải đề cập đến là còn nhiều tờ báo điện tử, trang tin điện tử còn đơn điệu, lạc hậu, tuỳ tiện, chắp vá, gây nhàm chán cho độc giả, chưa tìm cho mình một phong cách riêng, một hướng đi riêng, chưa nêu bật được vai trò cũng như đặc thù của mình.
A.T