Nhu cầu tin học hóa công tác quản lý huấn luyện, đào tạo VĐV
Trình độ thể thao và lượng vận động hiện nay đã rất cao, thậm chí gần đến mức cực hạn, cho nên tiềm năng khai thác càng ít, càng khó. Do vậy, chỉ dựa vào kinh nghiệm là không đủ mà phải dựa nhiều khoa học công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng.
VĐV - đối tượng huấn luyện thể thao là một con người rất sống động, kết hợp cực kỳ phức tạp giữa ba yếu tố: xã hội, tâm lý, sinh lý, cộng thêm sự biến đổi khó lường và nhanh chóng của các yếu tố nguyên nhân, trạng thái…ảnh hưởng lớn đến thành tích. Để có tính thống nhất, tính tối ưu, tính khoa học và hiệu quả trong công việc thực hiện chức năng kế hoạch hóa trong công tác tổ chức quản lý huấn luyện thể thao thì yêu cầu cấp thiết đối với các nhà quản lý là cần phải có được các thông tin chính xác và nhanh chóng. Do đó việc tin học hóa các quy trình quản lý cũng như các thông tin quản lý là nhu cầu vô cùng cần thiết.
Để thực hiện chức năng quản lý và tổ chức quản lý của mình các nhà quản lý phải thường xuyên thực hiện các liên hệ với các đối tượng, nhân tố trong hệ thống quản lý (huấn luyện viên, các cán bộ quản lý,….) cần phải chuẩn hóa các thông tin và các cách thức phối hợp, việc tin học hóa các quá trình này sẽ tạo ra một môi trường tương tác khoa học, hiệu quả cũng như gia tăng đáng kể lượng thông tin trao đổi trong hệ thống.
Các quá trình quản lý đào tạo VĐV
Quá trình quản lý đào tạo VĐV gồm 6 vấn đề: Quản lý hồ sơ vận động viên; Quản lý chương trình, kế hoạch huấn luyện; Quy trình mua sắm trang thiết bị; Trao đổi thông tin; Quản lý nhân sự; Kiểm tra sức khoẻ và kiểm tra Y sinh học VĐV, cụ thể:
Quản lý hồ sơ vận động viên là quản lý tất cả thông tin (lý lịch cá nhân, tình trạng sức khoẻ, các thông tin về hiện trạng thể lực) của những VĐV sẽ được ghi vào hồ sơ VĐV (nhận được quyết định của tập trung đội tuyển và giấy triệu tập làm nhiệm vụ của các Trung tâm) và lưu trữ bằng thủ công.
Quản lý chương trình, kế hoạch huấn luyện gồm: Thông qua kế hoạch huấn luyện; Các biểu mẫu huấn luyện của đội (giáo án); Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch huấn luyện thông qua kiểm tra y sinh và các test chuyên môn và Theo dõi kế hoạch thi đấu tập huấn.
Quy trình mua sắm trang thiết bị được làm qua việc trao đổi mua bán bình thường với những món nhỏ và theo một quy trình đấu thầu với những mua sắm lớn.
Trao đổi thông tin (tài liệu, công văn) là lợi ích lớn nhất mà một dự án CNTT có thể mang lại cho cả hai mảng: công văn nội bộ và công văn đến từ bên ngoài. Hiện nay 90% công việc này đang được vận hành với cách truyền thống, nghĩa là bằng tay. Intrenet và Websites sẽ hỗ trợ đắc lực cho công việc này. Nếu email được sử dụng thường xuyên, thì việc sắp xếp hệ thống thông tin sẽ được sử dụng tốt hơn.
Hiện thời mỗi quá trình trong quá trình tổng thể này được điều khiển bằng tay (giấy tờ hồ sơ) hoặc gặp gỡ trực tiếp. Thông tin chính chủ yếu được ghi trên giấy (quản lý nhân sự).
Kiểm tra sức khoẻ và kiểm tra y sinh học VĐV sẽ được thông qua các bệnh viện kiểm tra sức khoẻ còn Trung tâm NCKH và Y học TDTT tiến hành kiểm tra theo chu kỳ huấn luyện. Tất cả các thông tin sẽ được lưu trữ bằng hồ sơ giấy tờ.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực TDTT đang và sẽ được từng bước thay thế từ lao động thủ công sang xử lý thông tin bằng máy tính với các chức năng nhận thông tin, khai thác và xử lý thông tin, truyền thông tin ra,...
Đồng thời, công tác này sẽ giữ vị trí quan trọng, hiệu quả trong việc quản lý đào tạo VĐV, thể hiện ở các mặt như: quá trình tập luyện của VĐV được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian; quản lý thời gian biểu huấn luyện của HLV; Mã hoá các bài tập luyện (thể lực, kỹ – chiến thuật,…) để xây dựng giáo án bằng máy tính. Không những vậy, nó còn giúp xác định được một cách dễ dàng mối quan hệ gữa các bài tập, lượng vận động,… nhanh chóng điều chỉnh được kế hoạch huấn luyện cũng như giúp dễ dàng lưu trữ và truy xuất số liệu thống kê ở từng buổi tập, từng tuần, từng thời kỳ, chu kỳ,…, đồng thời có thể biết được lượng vận động được thực hiện ở từng buổi tập hoặc từng nhóm bài tập trong từng thời kỳ.
Ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt trong quản lý nói chung và trong quản lý đào tạo VĐV nói riêng cần được quan tâm hàng đầu vì chúng ta cần phải phát triển nhanh hơn để tiến kịp sự phát triển của thời đại và phải biết tận dụng tối đa tiện ích của công nghệ thông tin để đưa ngành thể thao Việt Nam ngang tầm châu lục và thế giới.