Sáng ngày 25/02/2009, tại Trường Đại học TDTT Đà Nẵng đã diễn ra buổi Hội thảo về “Đổi mới phương pháp giảng dạy”. Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng của việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong thời gian qua, từ đó có thể đưa ra những đề xuất, giải pháp phù hợp, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy của Nhà trường. Tham dự Hội thảo có các đồng chí trong BGH, các Trưởng, Phó phòng khoa, bộ môn cùng toàn thể giảng viên.
Tại Hội thảo đã có 10/23 báo cáo tham luận của giảng viên các bộ môn được trình bày, gồm: Cần quan tâm một số vấn đề trong đổi mới phương pháp giảng dạy ở trường Đại học TDTT Đà Nẵng; Đổi mới phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị theo hướng phát huy tư duy sáng tạo của người học; Đổi mới phương pháp dạy học thực hành môn chuyên sâu Điền kinh; Một số suy nghĩ về đổi mới phương pháp giảng dạy các môn Y sinh; Một số phương pháp mới trong giảng dạy về công tác trọng tài và trợ lý trong tài môn Bóng đá; Thực trạng tình hình giảng dạy môn tiếng Anh tại trường Đại học TDTT Đà Nẵng và một số giải pháp quản lý công tác dạy - học môn tiếng Anh trong thời gian tới; Vận dụng một số phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy môn lý luận; những khó khăn, bất cập khi dạy và học các môn lý luận chính trị theo nội dung chương trình mới và một số giải pháp khắc phục trước mắt; Thực trạng và giải pháp nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy môn chuyên sâu Bóng đá….
Theo đánh giá của chuyên gia trong Hội đồng khoa học của trường, phần lớn các tham luận đã bám sát với nội dung cũng như yêu cầu của Hội thảo; đề cập đến các yếu tố quan trọng và cốt lõi là chất lượng giảng dạy và học tập thông qua vai trò chủ đạo giảng dạy của thầy giáo, cô giáo và giá trị hiệu quả của phương pháp giảng dạy mới... Bên cạnh đó, các tham luận đều đề cập tới việc giảm bớt giờ lên lớp lý thuyết và tăng giờ tự học, tăng tính chủ động cho sinh viên giúp sinh viên phát triển tư duy sáng tạo trong học tập; tăng cường thảo luận, cung cấp đầy đủ giáo trình, đề cương chi tiết môn học, giới thiệu tài liệu tham khảo để sinh viên có thể tự học ngoài giờ lên lớp, cũng như việc khai thác các điều kiện, phương tiện công cụ hỗ trợ cho việc cải tiến và nâng cao chất lượng trong việc dạy và học như: sử dụng công nghệ thông tin, (projector, ovehard, video, các phương tiện nghe nhìn…) trong giảng dạy các môn lý thuyết; các băng ghi hình (Video) kỹ thuật các môn thể thao trong giảng dạy các môn thực hành. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của một nền giáo dục hiện đại, hướng đến sự thành công trong việc chuyển đổi mô hình học tập từ niên chế sang tín chỉ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Là một trường đặc thù năng khiếu giảng dạy 2/3 các môn học thực hành, do vậy các phương pháp giảng dạy giúp sinh viên nắm vững các yếu lĩnh kỹ thuật động tác là một yêu cầu quan trọng trong quá trình giảng dạy ở các môn thể thao. Chính vì vậy, việc lựa chọn phương pháp truyền đạt (trực quan) làm mẫu phải chính xác; hướng làm mẫu phải đảm bảo sao cho sinh viên có thể quan sát ở nhiều góc độ; sử dụng các phương tiện bổ trợ giúp sinh viên định hình tốt được kỹ thuật động tác, sử dụng camera quay lại những động tác của người học thực hiện phân tích bằng hình ảnh trực quan qua đó, giúp sinh viên nhận biết được những động tác sai trong khi thực hiện, từ đó có biện pháp sữa chữa, khắc phục.
Ngoài ra, các giảng viên còn quan tâm tới việc sử dụng các phương pháp giảng dạy bằng cách cho sinh viên thực hành, giúp các em nắm bắt được Luật của từng môn thể thao thông qua các hình thức như: thường xuyên trao đổi các thông tin về Luật, tổ chức thi đấu, thực hành công tác Trọng tài trong các buổi tập... Qua đó, giúp các em rèn luyện được năng lực về chuyên môn cũng như phẩm chất nghề nghiệp cho từng sinh viên. Sự đổi mới về phương pháp giảng dạy, cùng những thay đổi trong cách đánh giá, hình thức thi, kiểm tra... chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.