Phối hợp đào tạo giữa trường Đại học TDTT Bắc Ninh và Trường Đại học Tổng hợp Quảng Tây: một hình thức thích hợp

Thực hiện thỏa thuận hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa Trường Đại học Tổng hợp Quảng Tây (Quế Lâm - Trung Quốc) và Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, hai trường đã phối hợp tổ chức tuyển sinh và đào tạo khoá cao học niên khoá 2006 - 2008. Đây là một trong những hoạt động của chương trình thực hiện công tác xã hội hoá, đa dạng hoá phương thức đào tạo nhằm đạt tới mục đích cuối cùng - nâng cao chất lượng đào tạo.

Sau 3 năm đào tạo dưới hình thức đào tạo không tập trung (2 năm học tại Trường Đại học TDTT Bắc Ninh và 1 năm học tại trường Đại học Tổng hợp Quảng Tây), khoá Cao học đầu tiên đã kết thúc. Tháng 12/2008, các học viên đã bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và nhận Bằng Thạc sỹ của trường Đại học Tổng hợp Quảng Tây (bằng có giá trị quốc tế) tại Trung Quốc.

Trong đợt công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Quảng Tây, nhóm cán bộ hướng dẫn khoa học của các học viên đã có dịp thăm quan, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, đặc biệt, trong công tác nghiên cứu khoa học với các cán bộ của Nhà trường. Tại đây, các cán bộ đều đánh giá cao hình thức đào tạo trong sự phối hợp của Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, Trường Đại học Tổng hợp Quảng Tây mà trực tiếp là Học viện TDTT (trực thuộc trường). Hình thức này còn đáp ứng được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác giáo dục, đào tạo.

Đây cũng là hình thức phù hợp với cán bộ công chức viên chức đang công tác của Việt Nam. Bởi lẽ hình thức đào tạo không tập trung (2+1), được coi là phù hợp khi các học viên vừa đi học vừa đi làm. Hơn nữa, kinh phí đào tạo (20.000 NDT/1 năm học tập ở Trung Quốc (khoảng 40.000.000đ) 7.500.000 VNĐ/1 năm học tập ở Việt Nam) cũng được đánh giá là vừa phải. Khi học tập tại Trung Quốc, các học viên cũng không phải quá khó khăn với các vấn đề sinh hoạt, khí hậu, thức ăn ở Trung Quốc vì cũng tương đối giống với điều kiện ở Việt Nam.

Tại đây, các học viên được học tập trong môi trường với cơ sở vật chất hiện đại, từ khu ký túc xá sạch sẽ, tiện lợi, an toàn; thư viện Nhà trường hiện đại, đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu của học viên; giảng đường... cùng với đội ngũ Giáo sư và Phó Giáo sư hùng hậu, kinh nghiệm, nhiệt tình giảng dạy, hướng dẫn... Những điều kiện thuận lợi đó đã góp phần hiệu quả trong việc học tập, nghiên cứu cũng như kết quả khoá học của các học viên.

Trong khoá đào tạo thứ nhất này, 100% học viên (46/46) đều bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và đạt 45 học viên kết quả Khá, Giỏi. Duy chỉ có 1 học viên đạt kết quả Trung bình.

Đạt được kết quả khả quan đó, phần lớn do sự quan tâm của lãnh đạo và sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Nhà trường.

 

Trường Đại học Tổng hợp Quảng Tây được thành lập từ thế kỷ 19. Đến năm 1959, Trước yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà trường đã thành lập Trường Dục Tài (Dục: giáo dục, Tài: tài năng) và sau 1 thời gian, Trường đổi tên thành Trường Nguyễn Văn Trỗi. Trường Nguyễn Văn Trỗi từ trước tới nay luôn đào tạo những con em của cán bộ Việt Nam đặc biệt của miền Nam và đang chiến đấu tại miền Nam Việt Nam. 

Trường Đại học Tổng hợp Quảng Tây đã và đang đào tạo đại học và sau đại học cho 16 quốc gia. Với bề dày kinh nghiệm trong việc đào tạo sinh viên, học viên quốc tế, Trường Đại học Tổng hợp Quảng Tây được coi là địa chỉ tin cậy cho sự hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các nước trong khu vực. 

Hiện tại, Học viện TDTT thuộc Đại học Tổng hợp Quảng Tây đang được mở rộng với diện tích 12ha. Trong đó, có xây dựng các Nhà thi đấu đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ngọc Khánh

 

Ảnh trong bài
  • Phối hợp đào tạo giữa trường Đại học TDTT Bắc Ninh và Trường Đại học Tổng hợp Quảng Tây: một hình thức thích hợp