Một nghiên cứu mới đây của Anh đã đưa ra nhận định: việc ứng dụng công nghệ mới có thể hỗ trợ cho công tác huấn luyện của các VĐV Điền kinh. Đề án SESAME (tinh thần cho thể thao và quản lý các bài tập) được phát triển dựa trên hệ thống video và những công nghệ gắn trên cơ thể người nhằm trợ giúp cho quá trình tập luyện của các VĐV trẻ cũng như VĐV chuyên nghiệp. Đề án này là kết quả của sự kết hợp những công nghệ trên thành 1 công nghệ duy nhất, tích hợp với hệ thống máy tính để cung cấp kết quả quá trình tập luyện của các VĐV cho các HLV trong suốt thời gian tập huấn. Đề án do Hiệp hội nghiên cứu khoa học (EPSRC) nghiên cứu ứng dụng cho các môn thể thao như chạy chặng ngắn, nhảy xa và nhảy sào...
Tiến sỹ Robert Harle của trường Đại học Cambridge cho biết: "Rất nhiều môn thể thao đều cần 1 hệ thống công nghệ hợp lý, nhằm nâng cao thành tích của VĐV cũng như giảm thiểu những chấn thương không đáng có. Điểm nổi bật của Đề án là kết quả mà nó mang lại trong quá trình quản lý tập luyện của HLV thông qua việc cung cấp những thông tin, dữ liệu cần thiết trong quá trình tập luyện của từng VĐV. Nhờ đó, HLV có thể đưa ra những bài tập với cường độ hợp lý, giúp các VĐV có thể giành thành tích cao nhất".
SESAME gồm 1 hệ thống camera ghi lại quá trình tập luyện của VĐV ở nhiều góc cạnh khác nhau. Hệ thống camera sẽ cung cấp đồng thời những động tác chuyển động của VĐV, sau đó 1 hệ thống máy tính sẽ phân tích những chuyển động đó. Những thông tin và hình ảnh tập luyện của VĐVsẽ được chuyển đến cho các HLV.
Thêm nữa, Đề án còn có 1 hệ thống công nghệ không dây được xây dựng dựa trên những cảm biến trên cơ thể VĐV như: đầu gối, cổ tay... trong quá trình tập luyện. Dữ liệu này có thể truyền trực tiếp đến HLV hoặc được đồng bộ hoá với hệ thống video. Từ đó, phân tích tìm ra những phương pháp huấn luyện thích hợp.
Căn bản, hệ thống mới này giúp cho HLV cung cấp những thông tin hữu ích cho VĐV. Trong thời gian tập luyện khi VĐV không đạt được phong độ, ngay lập tức hệ thống sẽ phân tích đưa ra những điểm yếu cần khắc phục mà không làm gián đoạn đến chương trình huấn luyện. Đơn cử như đối với những VĐV nhảy sào, các HLV có thể căn cứ vào phong độ tập luyện của VĐV để tăng hoặc giảm mức sào, hoặc căn cứ vào khoảng cách nâng lên hạ xuống của đầu gối trong tốc độ chạy...
Tiến sỹ Robert Harle cho biết thêm: "Chúng tôi là sử dụng công nghệ mới nhằm mục đích để trợ giúp các HLV chứ không phải để thay thế họ. Một khía cạnh khác của Đề án SESAME là nhằm lắng nghe các HLV cũng như tìm hiểu xem họ cần gì. Tôi nghĩ, kết quả mà Đề án mang lại sẽ là 1 bước tiến trong việc ứng dụng công nghệ vào sự phát triển của các VĐV trong thời gian tới".
Thuỳ Linh (tổng hợp)