Chính phủ điện tử Việt Nam tăng 36 bậc(24/08/2007)

Theo bảng kết quá đánh giá về Chính phủ điện tử toàn cầu năm 2007 của nhóm nghiên cứu trường Đại học Brown - Hoa Kỳ vừa công bố, Việt Nam đã vươn lên vị trí 90 trong bảng xếp hạng thế giới, tăng 36 bậc so với năm 2006.

Theo bảng kết quá đánh giá về Chính phủ điện tử toàn cầu năm 2007 của nhóm nghiên cứu trường Đại học Brown - Hoa Kỳ vừa công bố, Việt Nam đã vươn lên vị trí 90 trong bảng xếp hạng thế giới, tăng 36 bậc so với năm 2006.

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang ở vị trí thứ 5 sau Singapore, Malaysia, Brunei và Campuchia. Điều này cho thấy bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động của cơ quan Chính phủ nhằm cung cấp các dịch vụ của Chính phủ cho công dân.

Kết quả này được tiến hành nghiên cứu trên gần 2.000 website của các cơ quan Chính phủ thuộc gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Căn cứ vào các tiêu chí như: thông tin, cơ sở dữ liệu, hình ảnh, âm thanh, hỗ trợ những ngôn ngữ khác, chế độ bảo mật, an toàn thông tin, khả năng cung cấp các dịch vụ tiện ích (thanh toán bằng thẻ, góp ý trực tuyến...), hình thức quảng cáo..., nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra những con số thống kê chính xác để đánh giá và xếp hạng các website.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện tại 96% website các cơ quan Chính phủ trên toàn thế giới đã được đưa ra công khai để người dân có thể truy cập nhưng chỉ có 80% đã cung cấp cơ sở dữ liệu. Riêng ở Việt Nam, số lượng website của cơ quan Chính phủ được công khai hoạt động là 89 % với 100 % các website đều đã cung cấp cơ sở dữ liệu cho người dân trong đó 22 % website có cung cấp dịch vụ trực tuyến cho người dân (tỉ lệ trung bình của thế giới ở tiêu chí này là 28 %).

Gần 56 % website có mục ý kiến phản hồi của người dân và 11% website cho phép người dùng cập nhật thông tin (tỉ lệ trung bình của thế giới là 42 % và 21 %). Ngoài ra, Việt Nam cũng có 33 % website có hình thức truy cập dành riêng cho người khuyết tật (tỉ lệ trung bình của thế giới là 23%).

Tuy nhiên, tất cả các website của cơ quan Chính phủ ở Việt Nam đều chưa có chính sách bảo mật và an ninh (trên thế giới có 23% website có chính sách bảo mật, 21% có chính sách an ninh). Đây là 1 trong những điểm yếu mà Việt Nam cần sớm khắc phục nếu muốn đưa Chính phủ điện tử tiến xa hơn nữa.

Quỳnh Trang
 

Ảnh trong bài
  • Chính phủ điện tử Việt Nam tăng 36 bậc(24/08/2007)