Sự cần thiết đẩy mạnh tin học hoá công tác huấn luyện và tổ chức quản lý huấn luyện TDTT (18/07/2007

Hiện nay, nếu so với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là một trong 3 nước đứng đầu về sự phát triển TDTT đặc biệt là thể thao thành tích cao đang ngày một phát triển mạnh mẽ. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, hiện nay, các VĐV đỉnh cao có trình độ thường phải thực hiện lượng vận động rất cao, thậm chí đến mức cực hạn, cho nên tiềm năng khai thác càng ít nên rất khó khăn trong việc đào tạo nhân tài thể thao...

Theo các nhà chuyên môn, tin học hoá công tác huấn luyện là quá trình tác động trực tiếp tới công tác huấn luyện cụ thể là tác động trực tiếp tới các HLV, VĐV thông qua việc quản lý các vấn đề về: giáo trình - giáo án giảng dạy, hồ sơ VĐV, kế hoạch huấn luyện và các phần mềm kiểm tra, đánh giá, thống kê, phân tích tổng hợp số liệu huấn luyện thể thao... Còn tin học hoá công tác tổ chức quản lý huấn luyện là quá trình tác động trực tiếp tới quy trình quản lý của HLV và của các nhà quản lý thông qua hệ thống tác nghiệp quản lý VĐV, HLV, hệ thống các cơ sở dữ liệu chuyên ngành (về thành tích thi đấu, về phương pháp huấn luyện...), hệ thống trao đổi thông tin tác nghiệp phục vụ huấn luyện thể thao...

Từ bước đầu hình thành và phát triển

Từ thời cổ xưa cho đến ngay cả những năm 50 của thế kỷ 20, việc huấn luyện thể thao và quản lý huấn luyện trên thế giới vẫn chủ yếu theo kinh nghiệm là chính, việc áp dụng khoa học đặc biệt là ứng dụng tin học trong công tác này chưa được áp dụng và là một vấn đề mới. Bởi lẽ, do nhiều yếu tố trong giai đoạn đó công nghệ thông tin chưa phát triển và ứng dụng vào cuộc sống. Phải đến thập kỷ 70, môn lý luận và phương pháp huấn luyện thể thao ra đời thì đã được nhanh chóng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật nói chung và các ứng dụng công nghệ thông tin nói riêng vào quá trình huấn luyện và tổ chức quản lý huấn luyện thể thao.

Tuy nhiên, trên thực tế huấn luyện thể thao ở nước ta hiện nay, việc ứng dụng công nghệ tin học trong huấn luyện cũng như trong tổ chức quản lý huấn luyện còn hạn chế nhiều mặc dù môn lý luận đó đã được đưa vào ứng dụng trong chương trình giảng dạy tại các trường Đại học TDTT của ngành trên toàn quốc.

Đến nhu cầu thực tế của huấn luyện thể thao hiện đại

Hiện nay, nếu so với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là một trong 3 nước đứng đầu về sự phát triển TDTT đặc biệt là thể thao thành tích cao đang ngày một phát triển mạnh mẽ. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, hiện nay, các VĐV đỉnh cao có trình độ thường phải thực hiện lượng vận động rất cao, thậm chí đến mức cực hạn, cho nên tiềm năng khai thác càng ít nên rất khó khăn trong việc đào tạo nhân tài thể thao. Hơn nữa, thành tích của VĐV ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố (xã hội, tâm sinh lý... với nhiều biến đổi) mà chỉ có tin học hoá mới có thể nắm bắt được các quy luật để kịp thời điều chỉnh chương trình cho phù hợp với thực tế đối tượng. Do vậy, việc huấn luyện không chỉ dựa trên kinh nghiệm mà cần thiết dựa vào khoa học công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng nhằm đưa thành tích thể thao của VĐV đến mức tối đa có thể theo khả năng VĐV.

Đối với HLV - đối tượng có tác động tích cực đến thành tích của VĐV, ngoài những yêu cầu về phẩm chất, trình độ, kinh nghiệm, HLV cũng cần thiết được trang bị những ứng dụng tin học để có thể kịp thời nắm bắt các thông tin nhằm nhanh chóng có được những phương pháp và phương tiện huấn luyện phù hợp để có thể đưa VĐV của mình đạt thành tích cao nhất. Đơn cử cho việc ứng dụng có hiệu quả công tác này đó là hiện nay, đội tuyển Cờ vua quốc gia đang thực hiện áp dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện bằng cách sử dụng các chương trình Cờ trong tập luyện và cả thi đấu với các VĐV trong nước và quốc tế thông qua mạng Internet để nâng cao trình độ qua việc tăng hệ số Elo. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, cách thức này rất phù hợp với tình hình của đội tuyển, việc sử dụng đơn giản, tiện lợi, vừa đem lại hiệu quả cao lại tiết kiệm rất nhiều kinh phí tập huấn và thi đấu.

Trong công tác quản lý huấn luyện, để đạt được tính thống nhất, tối ưu, khoa học và hiệu quả khi thực hiện chức năng kế hoạch thì yêu cầu thiết yếu đối với các nhà quản lý là cần phải có được các thông tin chính xác và nhanh chóng. Hơn nữa, để thực hiện chức năng quản lý và tổ chức quản lý của mình, các nhà quản lý phải thường xuyên thực hiện các liên hệ với HLV, VĐV, cán bộ quản lý... nên cần phải chuẩn hoá các thông tin và cách thức phối hợp. Do đó, việc tin học hoá các quy trình quản lý cũng như các thông tin quản lý là nhu cầu vô cùng cần thiết.

Trước những nhu cầu hết sức thiết thực đặc biệt của thể thao hiện đại, việc đẩy mạnh tin học hoá trong công tác huấn luyện và tổ chức quản lý huấn luyện là hết sức cần thiết và cần được áp dụng trong thực tế.

Ngọc Khánh
 

Ảnh trong bài
  • Sự cần thiết đẩy mạnh tin học hoá công tác huấn luyện và tổ chức quản lý huấn luyện TDTT (18/07/2007