Cần phải tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 Đề án 112(19/06/2006)

Đó là phần lớn ý kiến của các đại biểu trong Hội nghị tổng kết công tác Đề án 112 giai đoạn 1 (2001 – 2005) diễn ra ở Hải Phòng. Các đại biểu cũng cho rằng trong giai đoạn 2 (2006 – 2010), Ban Điều hành Đề án 112 nên xác định nhiệm vụ trọng tâm cho từng khoảng thời gian, xây dựng những mô hình thí điểm thành công sau đó mới phát triển rộng ở các tỉnh, địa phương để tránh tình trạng dàn trải như ở giai đoạn 1 của Đề án.

Đó là phần lớn ý kiến của các đại biểu trong Hội nghị tổng kết công tác Đề án 112 giai đoạn 1 (2001 – 2005) diễn ra ở Hải Phòng. Các đại biểu cũng cho rằng trong giai đoạn 2 (2006 – 2010), Ban Điều hành Đề án 112 nên xác định nhiệm vụ trọng tâm cho từng khoảng thời gian, xây dựng những mô hình thí điểm thành công sau đó mới phát triển rộng ở các tỉnh, địa phương để tránh tình trạng dàn trải như ở giai đoạn 1 của Đề án.

Sau 5 năm thực hiện giai đoạn 1, Đề án đã xây dựng được cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ nhiệm vụ tin học hoá Quản lý hành chính nhà nước; nâng cao trình độ tin học của cán bộ, công chức nhà nước, từ đó đưa CNTT áp dụng vào công việc hàng ngày của các cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả công việc; Bắt đầu đưa các dịch vụ cơ bản, hộp thư điện tử cũng như phần mềm ứng dụng chung vào công tác quản lý hành chính; Nâng cao dần trình độ, chuyên môn của đội ngũ cán bộ tin học chuyên trách…

Bên cạnh những thành tựu đó cũng phải kể đến những khuyết điểm và những mặt chưa làm được. Điển hình là chưa ứng dụng được nhiều dịch vụ công vào công tác hành chính, điều hành tác nghiệp. Trong khi đó, việc xây dựng Trung tâm Tích hợp dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng bộ. Việc triển khai, xây dựng phần mềm dùng chung còn chưa thực sự có hiệu quả cao (Đề án 112 có 34 phần mềm dùng chung thì mới đưa vào ứng dụng được 3 phần mềm), chưa triển khai được mạng trục truyền số liệu của Chính phủ. Đội ngũ cán bộ quản lý hệ thống thông tin điện tử chưa có nhiều kinh nghiệm và cũng chưa có quy chế cụ thể về tổ chức các đơn vị tin học chuyên trách phục vụ công tác quản lý hành chính nhà nước.

Lý giải cho những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ của Đề án 112, ông Nguyễn Đình Xướng, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban Nhân dân Thanh Hoá phát biểu: “Mục tiêu của Đề án đặt ra quá lớn, vượt quá khả năng về nguồn nhân lực cũng như trình độ CNTT của cả nước. Trong khi đó, số lượng cán bộ của Ban điều hành Đề án 112 rất ít không thể đảm đương được hết một Đề án lớn như vậy”.

Chặng đường 5 năm không phải là một thời gian dài. Mặc dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng nhìn chung Đề án 112 đã phần nào tạo ra bước ngoặt về hạ tầng cơ sở của Công nghệ thông tin phục vụ Quản lý hành chính Nhà nước. Đề án phần nào đã tác động làm thay đổi dần nhận thức của các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đối với công nghệ thông tin, từ đó xây dựng được đội ngũ nhân lực ở các Bộ, ngành, địa phương.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đối với các Bộ, ngành, địa phương "phải đẩy mạnh ứng dụng tin học hoá quản lý hành chính nhà nước để giảm văn bản, giấy tờ, hành chính, tiến tới chủ yếu thực hiện qua mạng tin học. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ trong Quý III/2006 phải sớm ban hành Quy chế quản lý, sử dụng mạng tin học diện rộng của Chính phủ, đồng thời quy định rõ ràng cho các Bộ, ngành, các đơn vị, các tỉnh phải gửi và nhận báo cáo, văn bản Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua mạng tin học diện rộng chứ không qua đường bưu điện, fax hoặc chuyển tay như hiện nay. Đối với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị hành chính các cấp, Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị số 10/2006/CT-TTg quy định phải cập nhật đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của cấp trên phục vụ cho việc tra cứu của cán bộ, công chức trong thừa hành công vụ trên mạng tin học nội bộ, từ đó, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các cấp sao chụp văn bản nhận được từ cơ quan cấp trên để gửi cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Đây là một trong những "động thái" mạnh của Chính phủ nhằm đẩy nhanh tiến độ tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước từng bước tiến tới Chính phủ điện tử, một trong những việc làm cấp thiết trong quá trình hội nhập với thế giới đặc biệt trong việc gia nhập WTO của Việt Nam trong thời gian tới.

V.A
 

Ảnh trong bài
  •  Cần phải tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 Đề án 112(19/06/2006)