Sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm 2005 của ngành CNTT là việc Quốc hội thông qua Luật giao dịch điện tử. Dự thảo Luật giao dịch điện tử bắt đầu giai đoạn xây dựng từ đầu năm 2004, sau nhiều lần thảo luận, lấy ý kiến, ngày 19/11/2005, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật giao dịch điện tử với 72,27% đại biểu tán thành. Theo dự kiến, Luật giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/03/2006.
Luật gồm 8 chương, 54 điều, phạm vi điều chỉnh chủ yếu là giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, kinh doanh, thương mại và trong lĩnh vực dân sự. Luật quy định về thông điệp điện tử; chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong giao dịch điện tử...
Theo Luật Giao dịch điện tử, khi tiến hành giao dịch điện tử, các cơ quan nhà nước phải quy định rõ định dạng, biểu mẫu thông điệp dữ liệu; loại chữ ký điện tử, chứng thực điện tử trong trường hợp giao dịch điện tử cần có chữ ký, chứng thực điện tử; các quy trình bảo đảm tính an toàn, bí mật của giao dịch điện tử. Luật giao dịch điện tử ra đời là môi trường pháp lý tạo cơ sở, nền tảng cho sự phát triển giao dịch điện tử trong những năm tới, đồng thời cũng là một bước đệm trong chương trình xây dựng Chính phủ điện tử.
Năm 2005 cũng là năm cuối cùng trong việc triển khai Đề án "Tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2005" (Đề án 112). Sau 5 năm triển khai, Đề án đã chưa thu được kết quả như mong đợi. Hai trong số những công việc quan trọng trong Đề án 112 là việc xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu và xây dựng phần mềm dùng chung vẫn chưa phát huy được hiệu quả trong việc ứng dụng CNTT vào quản lý hành chính Nhà nước. Việc xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu là nhằm mục đích phá bỏ tình trạng cát cứ thông tin và đồng bộ cơ sở dữ liệu ở tất cả các Bộ, Tỉnh, Thành phục vụ cải cách hành chính. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này cơ sở dữ liệu ở các Tỉnh, Thành vẫn đang trong giai đoạn cập nhật và chuẩn hoá nên chưa phát huy được hiệu quả.
Vấn đề thứ 2 rất quan trọng trong Đề án 112 là hệ thống các phần mềm dùng chung ứng dụng trong quản lý hành chính nhà nước. Cho đến nay, mới chỉ có 3 phần mềm (quản lý công văn và hồ sơ, hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế - xã hội và trang thông tin điện tử phục vụ điều hành tác nghiệp) đang được triển khai ở các tỉnh, thành trong cả nước. Các phần mềm này đều tập trung vào phục vụ điều hành tác nghiệp, còn những phần mềm phục vụ trong quản lý hành chính nhà nước và dịch vụ công vẫn chưa được triển khai.
Tuy không có nhiều sự kiện nổi bật nhưng có thể nói năm 2005, ngành CNTT mà đặc biệt là giao dịch điện tử, chương trình xây dựng Chính phủ điện tử đã có nền móng vững chắc hơn trong công cuộc phát triển, hội nhập với khu vực và thế giới.
V.A