Trong vài năm trở lại đây, công nghệ thông tin được nhận định là ngành công nghiệp phát triển nhanh, các lĩnh vực về công nghệ thông tin (Internet, phần mềm...) được đánh giá phát triển với tốc độ "chóng mặt" và dần trở thành một công cụ không thể thiếu trong các cơ quan hành chính Nhà nước, các doanh nghiệp và trong cuộc sống của mỗi người dân.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin ở nước ta còn chậm, chưa có chiến lược, không đồng bộ các hoạt động nghiên cứu, phát triển. Tiến độ thực hiện đề án 112 còn chậm, các địa phương còn lúng túng trong triển khai, công nghiệp phần mềm chưa phát triển cao, quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là gia công cho nước ngoài, việc quản lý an toàn thông tin trên mạng rất yếu.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là trình độ công nghệ thông tin của các cán bộ, công chức và viên chức trong các cơ quan Nhà nước. Hiện nay trong một số cơ quan Nhà nước, trình độ công nghệ thông tin của các cán bộ còn rất thấp, một số ít còn chưa biết sử dụng máy tính. Tình trạng này đã dẫn đến việc khai thác nguồn thông tin trên mạng cũng như sử dụng các phần mềm dùng chung trong quá trình tin học hoá quản lý hành chính gặp rất nhiều khó khăn.
Một thực tế cho thấy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính Nhà nước như Đề án Tin học hoá quản lý hành chính Nhà nuớc giai đoạn 2001 - 2005 (Đề án 112) cho đến thời điểm này vẫn dậm chân tại chỗ một phần cũng do trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.
Ngay trong một cuộc họp về bản dự thảo Luật công nghệ thông tin, các đại biểu cũng rất quan tâm đến vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước. Nhiều đại biểu cho rằng nên đưa vào Luật công nghệ thông tin một quy định bắt buộc cán bộ Nhà nước phải biết về công nghệ thông tin, có thể sử dụng mạng, truy cập và lấy tài nguyên trên trang Web của Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Tỉnh Đak Nông) phát biểu "Có lẽ phải đưa vào luật là những cán bộ Nhà nước không chịu học công nghệ thông tin, không dùng được website, không dùng được mạng của Chính phủ thì nên từ chức. Đã đến lúc những cán bộ Nhà nước không thể không hiểu biết về công nghệ thông tin".
Trong giai đoạn hiện nay, khi mà Việt Nam đang tiến hành tin học hoá trong quản lý hành chính Nhà nước bước tới xây dựng Chính phủ điện tử, trình độ về công nghệ thông tin của các cán bộ Nhà nước lại càng phải đòi hỏi cao hơn. Bởi cán bộ, công chức Nhà nước chính là những người phải "đứng mũi chịu sào", đi đầu trong công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử đưa đất nước ta tiến ngang tầm với các nước trong khu vực.
V.A