Muốn làm được điều đó, vị thứ trang web của bạn cần nằm ở vị trí từ 1-30 trên Google ứng với một từ khóa nhất định. Nếu website của bạn có vị thứ qua 30 thì gần như chẳng mấy ai tìm ra trang web của bạn cả. 10 yếu tố cơ bản sau sẽ giúp bạn tối ưu hóa một trang web với bộ máy tìm kiếm.
1. Xác định cấu trúc website
Trước tiên bạn cần phải phác họa sơ qua nội dung, các mục chính của trang web. Từ đó nó sẽ giúp bạn xác định trang web của bạn cần có những gì và hình thức ra sao.
Ví dụ về một trang web về sách kinh tế, bạn cần có những mục riêng cho những loại sách khác nhau như: tiếp thị, Quản trị, Tài chính kế toán, Luật, Xuất nhập khẩu, v.v… từ đó bạn lại tiếp tục nghĩ tới những mục con, ví dụ như trong sách “tiếp thị” có tiếp thị cơ bản, tiếp thị quốc tế, nghiên cứu thị trường, quảng cáo, tiếp thị trực tiếp… Dựa vào cách phân loại trên mà bạn sẽ cấu trúc các thư mục tương đương với các chuyên mục, sau đó tạo ra một trang web index.html trong từng thư mục lớn để giúp bộ máy tìm kiếm có thể phân loại thông tin một cách dễ dàng.
Bộ máy tìm kiếm sẽ đọc theo thứ tự cấu trúc của trang web, vì vậy cách xây dựng như trên sẽ giúp cho việc tìm kiếm được nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều.
2. Nội dung trang web luôn quan trọng
Nội dung của trang web luôn được xem là quan trọng nhất vì vậy bạn cần phải hết sức để ý. Bạn cần phải tìm hiểu cách thức mà thị trường sẽ tìm kiếm sản phẩm của bạn. Cần tìm ra những giả thiết khác nhau, thử nghiệm và điều chỉnh sao cho hợp lý.
Chúng ta cần phải quan tâm đến cả hai phương diện là làm sao nội dung phải phù hợp với người truy cập và việc nội dung đó bố trí như thế nào để phù hợp với bộ máy tìm kiếm.
Ngoài ra, bạn cần phải có những định hướng tổng quát về nội dung của trang web trước khi bắt tay vào làm. Nên dùng những nguồn tài nguyên trên mạng để chắc chắn rằng bạn đã có sự kết hợp giữa các nội dung trang web và từ khoá thích hợp. Nếu làm được điều này thì trang web sẽ có khả năng xếp thứ vị cao về lâu dài.
3. Xác định tiêu đề, từ khoá và mô tả nội dung trang web
Meta Tags bao gồm 3 loại chủ yếu là tiêu đề, từ khoá và phần mô tả trang web. Meta tags cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc có thứ vị cao trên bộ máy tìm kiếm. Nếu không thiết kế meta tags đúng thì có thể sẽ gây ra những tác động ngược lại với ý định ban đầu của bạn.
Tiêu đề được đánh giá là quan trọng nhất trong 3 loại meta tags. Nó không chỉ giúp thu hút tỉ lệ truy cập thông qua kết quả tìm kiếm mà còn ảnh hưởng tới bộ máy tìm kiếm với từ khóa hay nhóm từ thích hợp. Nên đặt tiêu đề có bao gồm từ khóa mà bạn muốn định vị cho trang web mình.
Meta tag từ khóa, nên được chọn lựa những từ khóa liên quan đến nội dung trang web và từ khóa đó có xuất hiện trong phần nội dung. Số lượng lần xuất hiện của từ khóa trong một trang web thì không nên quá 3 lần vì nhiều hơn thì hiệu quả cũng không được cải thiện.
4. Cẩn thận đối với việc sử dụng một số phương pháp kỹ thuật
Một điều hết sức quan trọng là bạn cần thiết kế sao cho con nhện tìm kiếm có thể tìm thấy các mục chính một cách dễ dàng nhất. Vì vậy việc lạm dụng các kỹ thuật thiết kế như flash, frame sẽ gây khó khăn cho các bộ máy tìm kiếm đọc dữ liệu của trang web. Vì vậy vị thứ của trang web sẽ bị hạn chế.
Nói cụ thể hơn là khi sử dụng flash hoặc frame thì người truy cập sẽ nhìn thấy được nội dung nhưng các bộ máy tìm kiếm thì sẽ không thể đọc được nội dung và xem nó như là một trang trắng.
5. Làm sơ đồ của trang web
Thiết kế sơ đồ cho trang web sẽ giúp ích cho lẫn người truy cập và các con nhện tìm kiếm. Cách sắp xếp hợp lý các đường dẫn HTML – bao gồm cả từ khoá hiệu quả (ví dụ: thay vì sử dụng từ khoá “quần áo” một cách chung chung thì nên sử dụng từ khóa phù hợp với một đối tượng nào đó “quần áo trẻ con”. Sơ đồ trang web này phải được thiết kế để nối kết toàn bộ trang web.
6. Giữ cho trang web gọn nhẹ
Để góp phần tối ưu hóa bộ máy tìm kiếm, các trang link từ trang chủ chỉ nên có từ 350 đến 550 từ. Khi nội dung của một trang quá dài thì nên chia thành nhiều trang khác nhau, và nên giữ nguyên sự sắp xếp (layout) ban đầu.
Có một số bộ máy tìm kiếm thường bỏ qua những trang vượt quá 100Kb. Vì thế cần tìm cách giảm thiểu được dung lượng của trang web.
7. Luôn đảm bảo tính thống nhất
Thiết kế trang web làm sao giúp cho những con nhện tìm kiếm được nội dung dễ dàng. Chẳng hạn, con nhện sẽ không đọc được menu popup, chính vì vậy nên thiết kế những đường dẫn vào các trang HTML cố định.
Đối với các hình ảnh trong trang web, bạn nên đặt tên sao cho phù hợp với nội dung của trang web và từ khóa riêng của từng trang. Các mục tiêu về tối ưu hóa bộ máy tìm kiếm cần được thống nhất xuyên suốt trang web của bạn - mỗi trang cần được xem như một ngõ vào tiềm năng từ các bộ máy tìm kiếm.
8. Tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh
Tìm hiểu về hiện trạng của các trang web cạnh tranh. Để hiệu quả hơn nên nghiên cứu các trang web có vị thứ cao với từ khóa đó để hiểu được họ đang làm gì và tại sao trang web lại có vị thứ cao.
Nên tạo ra một “bảng so sánh đối thủ cạnh trang” – liệt kê một số đối thủ cạnh tranh hàng đầu với một vài nhóm từ khóa đặc trưng cho thị trường hàng hóa hay dịch vụ kinh doanh của bạn.
Phải phân tích một cách chi tiết để hiểu tại sao những trang web đó lại đặc biệt thành công – có phải do tên miền, tiêu đề trang, nội dung... Cách duy nhất để có thể tham gia cuộc đua vị thứ trên bộ máy tìm kiếm là cần hiểu về các đối thủ cạnh tranh và biết họ đang làm gì.
9. Xây dựng, đo lường và hiệu chỉnh
Nếu bạn thực sự coi trọng về vị trí trang web của bạn trong các bộ máy tìm kiếm thì bạn cần chuẩn bị một số những thay đổi và điều chỉnh sao cho thật hợp lý. Và để biết được công việc của bạn có hiệu quả hay không thì cần một khoảng thời gian tương đối dài, có thể là 6 tháng.
Bạn cần xây dựng trang web với mục tiêu là tạo thuận lợi cho cả những người truy cập và những con nhện tìm kiếm. Hãy kiểm tra xem bạn có cung cấp đầy đủ thông tin cho người truy cập và cả bộ máy tìm kiếm chưa?
10. Nên tập trung vào một số bộ máy tìm kiếm nhất định
Bạn nên thận trọng đối với việc đưa trang web lên quá nhiều bộ máy tìm kiếm. Để có một thứ vị cao trên một bộ máy tìm kiếm thì cần phải có sự hoạch định kỹ lưỡng, định hướng rõ ràng cùng với việc sử dụng các đoạn mã hay số liệu của HTML chứ không phải việc đăng ký ồ ạt lên các bộ máy tìm kiếm.
Bạn cần biết cách đọc xem bao nhiêu người truy cập trang web, lượng truy cập thông qua từng bộ máy tìm kiếm. Liên lạc thường xuyên với người phụ trách trang web, điều này sẽ giúp bạn hiểu sâu thêm về thị trường, các đối thủ cạnh tranh và đặc biệt là những thị trường tiềm năng mới.
Theo Tuoi tre