Như một làn gió mới thổi vào Lễ báo cáo luận văn Thạc sỹ cao học khoá 14, đề tài: "Nghiên cứu một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng tin học trong quản lý hành chính nhà nước tại Uỷ ban TDTT (khối Quản lý Nhà nước)" của học viên Nguyễn Mạnh Tuân đã để lại nhiều ấn tượng tích cực đối với Hội đồng khoa học cũng như các đồng nghiệp.
|
Báo cáo viên Nguyễn Mạnh Tuân (Ảnh: NTH) |
Cùng với 2 đề tài khác thuộc lĩnh vực xã hội hoá TDTT và truyền thông thể thao, đề tài của học viên Nguyễn Mạnh Tuân là một trong 3 đề tài có hướng nghiên cứu hoàn toàn mới, chưa hề được tác giả nào đề cập tới (kể cả ở cấp học vị cao hơn là Tiến sỹ).
Xuất phát từ thực tiễn việc ứng dụng và phát triển CNTT hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa khẳng định được vị trí mũi nhọn cho công cuộc đổi mới và phát triển, thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của đất nước nói chung và mục tiêu cải cách hành chính Nhà nước nói riêng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân quan trọng là các cơ quan Bộ, Ngành nói chung chưa tập trung được thông tin thành nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, hay nói cách khác là chưa có quy hoạch CNTT để định hướng và tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, đầu tư phát triển lĩnh vực này một cách hiệu quả. Vì vậy, tác giả của đề tài đã mạnh dạn "dấn thân" vào một lĩnh vực hết sức khó khăn và hoàn toàn mới mẻ này.
Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của TS. Đàm Quốc Chính cùng sự nỗ lực của bản thân học viên, đề tài đã hoàn thành xuất sắc, những kết quả thu được không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận, mà còn có ý nghĩa ứng dụng thực tiễn cao trong công tác quản lý hành chính nhà nước của ngành TDTT.
Bằng phương pháp điều tra, khảo sát, tác giả đã đánh giá được thực trạng việc ứng dụng và phát triển CNTT tại Uỷ ban TDTT tại các giai đoạn trước năm 2002 và giai đoạn 2002 - 2005. Với cách tiếp cận và giải quyết vấn đề nghiên cứu khá chặt chẽ và lôgíc, tác giả đã đánh giá được hiện trạng ứng dụng và phát triển CNTT tại Uỷ ban TDTT, đồng thời cũng đánh giá được kết quả triển khai Đề án Tin học hoá quản lý hành chính nhà nước tại Uỷ ban TDTT giai đoạn 2002 - 2005 về các mặt: Xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT (số lượng thiết bị CNTT tăng trung bình 74.18% so với trước năm 2002; kết quả triển khai các dịch vụ CNTT và hệ thống thông tin CSDL chuyên ngành), đào tạo nguồn nhân lực CNTT (nguồn nhân lực CNTT tăng trung bình 140.67% so với thời điểm trước năm 2002) và tạo cơ chế, chính sách phát triển CNTT tại Uỷ ban TDTT. Đây là những con số hết sức có ý nghĩa, cho thấy sự tìm tòi, dày công thu thập số liệu của tác giả.
|
Rất đông bạn bè, đồng nghiệp và gia đình đã tới cổ vũ cho
các học viên (Ảnh: NTH |
Trong khoảng thời gian thực nghiệm 02 năm, tác giả đã khẳng định được hiệu quả rõ rệt của các giải pháp lựa chọn thông qua tần suất sử dụng các hệ thống thông tin, CSDL (số lượt người truy cập, khai thác các hệ thống thông tin tăng từ 53.00% đến 112.21%), đồng thời căn cứ vào ý kiến đánh giá của chuyên gia thông qua chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT&TT (xếp hạng 20/35 Bộ, cơ quan ngang Bộ) là đủ độ tin cậy và đảm bảo cơ sở khoa học của phương pháp.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, đề tài của học viên Nguyễn Mạnh Tuân còn tồn tại một số hạn chế. Nếu luận văn chú ý hơn tới đến việc thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy của Chính phủ (thời điểm tháng 7/2007), và việc sáp nhập Uỷ ban TDTT, thành lập Tổng cục TDTT trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, bởi vấn đề này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai thực hiện các giải pháp nghiên cứu khi áp dụng trong điều kiện thực tiễn hiện nay thì hiệu quả của luận văn còn cao hơn nữa.
Với 119 trang A4 được cấu trúc thành 5 phần: Đặt vấn đề, 4 chương, phần kết luận kiến nghị, cùng danh mục 45 tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt và phần phụ lục; 16 biểu bảng, 05 sơ đồ... đề tài của học viên Nguyễn Mạnh Tuân được Hội đồng khoa học đánh giá là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, chặt chẽ và nghiêm túc. Điều đó được thể hiện ở chỗ học viên đã xác định đúng hướng nghiên cứu của đề tài, với 2 nhiệm vụ đặt ra rõ ràng và 5 phương pháp truyền thống được sử dụng để giải quyết là đảm bảo tính khoa học, có đủ độ tin cậy. Điểm trung bình chung đạt 9.6 là một kết quả xứng đáng cho sự nỗ lực của học viên.
Xuân Nhi