Sáng nay 2/10/2007, tại Viện Khoa học TDTT - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã diễn ra Lễ bảo vệ luận án Tiến sỹ Giáo dục học chuyên ngành Huấn luyện thể thao cấp Nhà nước của NCS Trần Hiếu - Trường Đại học TDTT I. Với nững cố gắng, nỗ lực, đề tài của NCS Trần Hiếu đã nhận được sự tán thành của tất cả các thành viên trong Hội đồng khoa học.
Tham dự buổi bảo vệ luận án Tiến sỹ cấp Nhà nước có: Hội đồng khoa học chấm luận án, gồm: GS.TS Dương Nghiệp Chí; GS.TS Lưu Quang Hiệp; PGS.TS Trần Đức Dũng; PGS.TS Nguyễn Xuân Sinh; PGS.TS Lê Quý Phượng; TS. Trương Anh Tuấn và TS. Nguyễn Thế Truyền cùng đông đảo các nhà khoa học trẻ, bạn bè, đồng nghiệp và gia đình của NCS.
Sau một thời gian dài nghiên cứu cùng sự giúp đỡ của các Nhà khoa học, các bạn đồng nghiệp và đặc biệt là sự hướng dẫn của PGS. TS Nguyễn Danh Thái và TS. Lương Kim Chung, NCS Trần Hiếu đã hoàn thành luận án "Nghiên cứu hệ thống bài tập phát triển sức mạnh tốc độ cho nam VĐV Bóng bàn 14-15 tuổi giai đoạn chuyên môn hoá ban đầu" bao gồm: Đặt vấn đề; Các nội dung chính của Luận án: Chương I - Tổng quan các vấn đề nghiên cứu, Chương II - Phương pháp và tổ chức nghiên cứu; Phần kết luận và kiến nghị. Đặc biệt, 96 các danh mục tài liệu tham khảo bằng cả tiếng nước ngoài và tiếng Việt đã cho thấy sự ham học hỏi, tìm tòi và dày công nghiên cứu của tác giả. Ngoài ra, 31 bảng, 01 sơ đồ và 07 biểu đồ cũng đã góp phần làm sáng tỏ kết quả của công trình nghiên cứu. Theo ý kiến thống nhất của 3 phản biện thì đây là luận án được ghi nhận có hàm lượng kiến thức phong phú, đa dạng.
Đây là luận án Tiến sỹ thứ 5 nghiên cứu về chuyên sâu Bóng bàn (trước đây các NCS: Lê Thiết Can, Bùi Huy Quang, Vũ Thái Hồng, Nguyễn Danh Hoàng Việt cũng nghiên cứu về vấn đề này). Tuy nhiên, đề tài: "Nghiên cứu hệ thống bài tập phát triển sức mạnh tốc độ cho nam VĐV Bóng bàn 14-15 tuổi giai đoạn chuyên môn hoá ban đầu" của NCS có nhiều nét mới. Bên cạnh những phương pháp nghiên cứu sư phạm truyền thống, đề tài đã mạnh dạn sử dụng phương pháp phân tích chuyển động thể thao (công nghệ video kỹ thuật số 2D - 3D với phần mềm Simi -motion) để phân tích các chỉ số động tác. Đây là phương pháp ứng dụng công nghệ hiện đại lần đầu tiên trong nghiên cứu VĐV Bóng bàn ở Việt Nam.
Luận án cũng đã lựa chọn được 6 test sư phạm, 30 bài tập đánh giá, phát triển sức mạnh tốc độ cho nam VĐV Bóng bàn lứa tuổi 14-15 giai đoạn chuyên môn hoá ban đầu đảm bảo tính khoa học, độ tin cậy và có thể ứng dụng rộng rãi trong công tác đào tạo VĐV Bóng bàn trẻ ở nước ta hiện nay.
Bên cạnh những đóng góp mới, luận án vẫn còn bộc lộ những nhược điểm cần khắc phục. Theo các Nhà khoa học, nếu giải trình rõ hơn về cách thức áp dụng công nghệ hiện đại như thế nào trên đối tượng nghiên cứu cũng như tính toán chính xác kết quả nghiên cứu bằng phương pháp này sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.
Có thể nói, NCS đã lựa chọn một đề tài có ý nghĩa thực tiễn trong công tác huấn luyện thể thao thành tích cao. Nếu tiếp tục mở rộng, đi sâu nghiên cứu trên đối tượng VĐV Bóng bàn các lứa tuổi, giới tính khác nhau, đặc biệt việc áp dụng thành công công nghệ hiện đại trong xác định thành tích nhằm nâng cao hiệu quả phát triển sức mạnh tốc độ nói riêng và của quá trình đào tạo huấn luyện VĐV Bóng bàn ở nước ta nói chung, chắc chắn sẽ đem lại nhiều kết quả bất ngờ.
Thịnh Hường