Chương trình nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam là một dự án cấp Nhà nước nhằm cải thiện rõ rệt thể lực và tầm vóc của người Việt Nam trong khoảng thời gian là 25 năm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ sở tốt cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ an ninh quốc phòng. Chương trình càng có ý nghĩa to lớn, thiết thực trước tình hình Việt Nam tham gia sân chơi lớn của thế giới là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tiếp tục triển khai dự án trên, vừa qua (9/4/2007), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về Chương trình nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2007 - 2030. Tham dự cuộc họp còn có Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Uỷ ban TDTTT, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Văn phòng Chính phủ.
Kết thúc buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định đây là chương trình khung, do vậy cần phải bao quát, lồng ghép các chương trình, đề án, dự án có liên quan từ Trung ương xuống địa phương, cơ sở; đồng thời, Chương trình cần được xây dựng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và cần làm rõ hơn các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình gắn với điều kiện cụ thể và mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước trong mỗi giai đoạn.
Hơn nữa, đây là một Chương trình mang tính chiến lược của quốc gia, do vậy cần tận dụng và đẩy mạnh công tác xã hội hoá, đồng thời cần được tuyên truyền, vận động, huy động mọi người dân, mọi gia đình, tổ chức, các nguồn lực cùng tham gia thực hiện các mục tiêu chủ Chương trình.
Chương trình sẽ bao gồm 4 đề án lớn: Xúc tiến nghiên cứu cơ bản phục vụ nâng cao thể lực và tầm vóc con người, Tiến hành chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh từ 6 - 18 tuổi, Phát triển thể dục thể thao trường học góp phần nâng cao thể lực và tầm vóc cho học sinh từ 6 - 18 tuổi, Giáo dục và tuyên truyền về nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam. Trong từng đề án sẽ có mục tiêu cụ thể, rõ rệt cho từng giai đoạn và bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, khi xây dựng chi tiết, mỗi đề án cần nêu rõ các Chương trình, đề án,dự án liên quan đã và đang triển khai, đề xuất cơ chế đặc thù, nguồn lực, tổ chức thực hiện, cơ quan chủ trì... Các nội dung mới được chỉnh sửa hoặc bổ sung cũng sẽ được thể hiện rõ trong đề án. Tất cả những yêu cầu đó nhằm đảm bảo sự lồng ghép có hiệu quả nhất của tất cả các Chương trình, đề án, dự án liên quan.
Nhà nước đầu tư có trọng điểm và giữ vai trò chỉ đạo, hướng dẫn và điều phối hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan trong Chương trình, còn Uỷ ban TDTT là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm điều phối thực hiện Chương trình này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã giao cho Uỷ ban TDTT chủ trì, phối hợp với các Bộ Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Lao động - Thương bình và Xã hội, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh dự thảo Chương trình tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam (giai đoạn 2007 - 2030).
HX tổng hợp