Trong thể thao, dinh dưỡng là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực vận động của VĐV thông qua việc lựa chọn đúng các loại thực phẩm đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nước. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trong việc đào tạo, huấn huyện VĐV và thành tích thể thao, nhưng do điều kiện kinh tế của đất nước còn hạn chế nên dù đã có những thay đổi phù hợp song vấn đề dinh dưỡng trong thể thao vẫn chưa thực sự được đáp ứng thoả đáng . Mặt khác, ngành TDTT cũng chưa đầu tư thích đáng trong việc nghiên cứu vấn đề dinh dưỡng trong thể thao cho nên vấn đề này vẫn còn mới mẻ và nhiều lĩnh vực cần nghiên cứu.
Trước thực tế đó, với mục đích đáp ứng một cách đầy đủ chất dinh dưỡng cho một số đối tượng VĐV, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia II (TTHLTTQG II) - Trường Đại học TDTT II sẽ tiến hành triển khai Đề tài khoa học: "Nghiên cứu hiệu quả việc bổ sung các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cho các đội tuyển quốc gia tập huấn tại TTHLTTQG II".
Nội dung đề tài được chia làm 3 phần chính: Đánh giá mức độ đáp ứng về năng lượng và dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, nước uống đối với việc đảm bảo nhu cầu của VĐV trong từng giai đoạn huấn luyện. Trên cơ sở đó, xây dựng thực đơn mẫu và quy trình bổ sung chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất theo từng giai đoạn huấn luyện. Từ đó, sẽ đánh giá tác động của quy trình đến hệ miễn dịch và thành tích thể thao. Đề tài được bắt đầu tiến hành từ tháng 6/2007 đến 12/2008.
Đề tài này sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển TDTT nói chung, thể thao thành tích cao nói riêng. Sau khi nghiên cứu, đề tài sẽ là tài liệu về dinh dưỡng thể thao, tài liệu hướng dẫn về dinh dưỡng theo giai đoạn huấn luyện trong chu kỳ huấn luyện cho một số môn thể thao, đồng thời sẽ xây dựng phần mềm về thực đơn và quy trình sử dụng chất dinh dưỡng bổ sung. Theo nhóm tác giả nghiên cứu đề tài, với kết quả dự kiến đạt được sẽ được Uỷ ban TDTT xác nhận và cho phép sử dụng rộng rãi trong toàn quốc, đặc biệt ở các TTHLTTQG, tỉnh thành, các Trường nghiệp vụ thể thao và các CLB thể thao. Đồng thời, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý dinh dưỡng cho các đội tuyển.
Bên cạnh đó, đề tài còn mang ý nghĩa xã hội, thể hiện ở đối tượng tập luyện thể thao. Trên cơ sở lý luận đó, người tập thể thao sẽ có kiến thức về dinh dưỡng, từ đó tự điều chỉnh cũng như tránh được các nguy cơ suy giảm thể chất, chức năng cơ thể khi tập luyện quá sức mà dinh dưỡng không đảm bảo cũng như phục vụ cho quá trình hồi phục của VĐV. Điều đó sẽ giúp cho cơ thể VĐV được đảm bảo về sức lực sau khi giã từ sự nghiệp và nó sẽ là hành trang đảm bảo cho cuộc sống của họ, góp phần tạo nguồn lực cho xã hội đảm bảo yêu cầu về thể chất.
Có thể khẳng định, việc lựa chọn và nghiên cứu đề tài này đã mở ra hướng đi mới trong việc NCKH đối với ngành TDTT đồng thời tạo nền tảng cho lĩnh vực nghiên cứu dinh dưỡng trong thể thao - một vấn đề cần thiết được nghiên cứu đối với ngành TDTT hiện nay.
Hồng Xiêm