PGS - TS Dương Nghiệp Chí - Viện trưởng Viện khoa học TDTT - than thở về chương trình nâng cao tầm vóc và thể trạng người VN: "Quá chậm!"

TT - 25 năm sau, chiều cao trung bình tối thiểu của nam thanh niên VN sẽ 1,70m, nữ thanh niên là 1,59m (hiện nay các con số này được khảo sát năm 2001 ở lứa tuổi 20 là nam VN cao trung bình 1,637m và nữ là 1,53m). Đó là mục tiêu của chương trình quốc gia “Nâng cao tầm vóc và thể trạng người VN...” do Viện Khoa học TDTT VN chủ trì.

Dù đã trải qua nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, các nhà khoa học và hàng ngàn người dân nhưng PGS-TS Dương Nghiệp Chí - viện trưởng Viện khoa học TDTT - đã thốt lên chiều 27-7: “Chương trình này có thể bị xếp xó nếu không được phê duyệt ngay từ bây giờ để triển khai từ năm 2005”.

* Thưa ông, cái khó nhất để biến chương trình này thành hiện thực là gì?

- Qua nhiều cuộc hội thảo, các ý kiến đóng góp đều cho rằng chương trình này rất đáng được coi trọng, là đầu tư trực tiếp cho sự phát triển nòi giống VN, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế. Muốn hiện thực hóa chương trình, Nhà nước phải đóng vai trò chính.

Nhưng cái khó là muốn được phê duyệt, phải trải qua rất nhiều thủ tục rườm rà ở Chính phủ, Quốc hội... Khó biết là bao giờ chương trình có thể thực hiện được vì đưa lên tầm quá lớn và cuối cùng không biết ai lo.

* Hiện tại chương trình này đã được đặt lên bàn Chính phủ chưa?

- Chưa. Chính vì các bước yêu cầu phải làm quá nhiều, quá rườm rà nên hiện tại chúng tôi chỉ biết tiếp tục sửa, bổ sung ý kiến. Còn các bước tiếp theo thế nào phải do lãnh đạo Ủy ban TDTT quyết định.

Với đà này chương trình hầu như không có khả năng thực hiện vào năm 2005 như dự kiến. Càng kéo dài càng không có người làm, rồi lại trở lại những năm tháng trước đây: không ai làm dù ai cũng bảo việc đó là quan trọng.

* Nếu được phê duyệt, Viện Khoa học TDTT sẽ phối hợp với các bộ ngành làm gì trong năm 2005?

- Chúng tôi sẽ chủ yếu nghiên cứu về dinh dưỡng, đưa ra các thực đơn về dinh dưỡng, điều tra các trường học về điều kiện tập luyện TDTT, đưa ra các thiết kế, trang bị về cơ sở vật chất cho các trường, chuẩn bị bổ túc cho đội ngũ giáo viên, chuẩn bị danh sách các gia đình tham gia thí điểm...

Những việc này năm đầu được thực hiện trên 6.920 học sinh độ tuổi 6 - 18 ở 124 trường học ở miền Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên và một vài thành phố lớn.

* Trong bốn nhóm giải pháp mà chương trình đề ra, nhóm giải pháp nào được coi là cú hích mạnh mẽ và hiệu quả nhất vào việc cải tạo tầm vóc và thể trạng người VN

- Đó là nhóm giải pháp can thiệp đồng bộ về dinh dưỡng, TDTT và lối sống đối với thanh thiếu niên vị thành niên. 

Theo tài liệu của Viện Khoa học TDTT VN, chương trình nâng cao tầm vóc và thể trạng người VN cần 619 tỉ đồng thực hiện. Trong đó nguồn từ ngân sách nhà nước là 506 tỉ, 97 tỉ huy động từ nhân dân và 15 tỉ huy động từ các nguồn tài trợ quốc tế.

Chương trình được thực hiện ở học sinh lứa tuổi 6 - 18, kéo dài 25 năm và bước đầu thực hiện từ năm 2005-2010 với bốn nhóm giải pháp chính:
1. Xúc tiến nghiên cứu khoa học phục vụ nâng cao tầm vóc và thể trạng con người.

2. Tiến hành can thiệp đồng bộ về dinh dưỡng, TDTT, lối sống.

3. đảm bảo cơ sở vật chất cho TDTT.

 Theo Tuổi Trẻ

Ảnh trong bài
  • PGS - TS Dương Nghiệp Chí - Viện trưởng Viện khoa học TDTT - than thở về chương trình nâng cao tầm vóc và thể trạng người VN: "Quá chậm!"