Những yếu tố cần và đủ phát triển CNTT Việt Nam: (Phần 3)(20/07/2007)

Sự thay đổi về công tác đào tạo, sẽ kéo theo việc phải sớm thay đổi cơ chế cũng như phải sớm ban hành các quy chuẩn chất lượng... Nếu làm được như vậy, nguồn nhân lực CNTT Việt Nam sẽ có bước đột phá mới, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe hơn trên thị trường CNTT thế giới.

Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực CNTT Việt Nam trong những năm qua được đánh giá là còn yếu và thiếu. Hiện tại, số lượng trường Đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành CNTT đã lên đến 150 với 20.000 chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm. Tuy nhiên, con số các cử nhân, kỹ sư CNTT ra trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nước ngoài, nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam sau đào tạo có nền tảng kiến thức tốt, cần cù, thông minh nhưng năng lực ứng dụng còn rất hạn chế, rất thiếu các “kỹ năng mềm” như giao tiếp, làm việc theo nhóm, trình bày, làm việc theo quy trình..., hay trình độ ngoại ngữ.

Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, CNTT Việt Nam cần phải đặt nhiệm vụ nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cử nhân, kỹ sư CNTT. Muốn làm được điều đó, trước tiên chúng ta phải lập tức thay đổi các quan niệm cũ về việc đào tạo nguồn nhân lực không sát nhu cầu thực tế. Phải xây dựng những hệ thống chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo CNTT (cơ sở vật chất, giáo trình, trình độ giáo viên, môi trường thực hành...) và chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo (kiến thức chuyên ngành, độ sẵn sàng, trình độ kỹ năng, sáng tạo...).

Tất nhiên, sự thay đổi về công tác đào tạo, sẽ kéo theo việc phải sớm thay đổi cơ chế cũng như phải sớm ban hành các quy chuẩn chất lượng... Nếu làm được như vậy, nguồn nhân lực CNTT Việt Nam sẽ có bước đột phá mới, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe hơn trên thị trường CNTT thế giới.

Quỳnh Trang
 

Ảnh trong bài
  • Những yếu tố cần và đủ phát triển CNTT Việt Nam: (Phần 3)(20/07/2007)