Hành lang pháp lý
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Chính phủ, rất nhiều văn bản, luật về CNTT đã được ban hành như: Luật giao dịch điện tử (của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội), các Nghị định hướng dẫn (Nghị định về chữ ký số và chứng thực điện tử, Nghị định ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, Nghị định về công nghiệp CNTT và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CNTT), các chương trình lớn đã được xây dựng và trình Chính phủ như: Phát triển công nghiệp điện tử, Phát triển công nghiệp phần mềm, Phát triển công nghiệp nội dung số... đã tạo nên hành lang pháp lý đồng bộ cho CNTT Việt Nam. Đặc biệt, sự ra đời của Luật CNTT là một bước tiến quan trọng của CNTT Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở hành lang pháp lý tạo đà cho quá trình phát triển của CNTT Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tuy nhiên, việc áp dụng các văn bản, luật trên vào đời sống vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Hành lang pháp lý chưa thông thoáng và tình trạng cát cứ thông tin giữa các Bộ, ngành, địa phương vẫn là những cản trở lớn cho sự phát triển của CNTT Việt Nam. Quá trình tin học hoá hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chưa hết, đến nay Pháp lệnh Thương mại điện tử vẫn chưa được ban hành đã làm thất vọng nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, họ đang mất niềm tin vì phải chờ quá lâu mà hành lang pháp lý cho TMĐT vẫn chưa thể hoàn thiện. Trong khi cơ hội cho sự phát triển Thương mại điện tử tại Việt Nam là rất lớn.
Nguồn vốn đầu tư
Kinh nghiệm của các nước đang phát triển cho thấy, muốn đẩy mạnh CNTT nguồn vốn đầu tư là một trong những yếu tố rất quan trọng. Có thể nói đây là yếu tố chính giúp CNTT Việt Nam hoàn thành những dự án, kế hoạch đã đề ra. Thông thường những nước có nền CNTT phát triển đều phải có mức đầu tư hàng năm không dưới 1% ngân sách. Điển hình như Hàn Quốc (1 trong những quốc gia hàng đầu tại châu Á về tốc độ phát triển CNTT) cũng đã dành gần 1,4% ngân sách cho việc đầu tư phát triển CNTT.
Trong khi đó, theo ước tính ở Việt Nam, ngân sách đầu tư cho CNTT trong giai đoạn từ năm 2001 – 2005 chưa tới 0,4% - một xuất phát điểm quá thấp để có thể tạo đà đẩy nhanh tốc độ phát triển của CNTT Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hầu hết các chương trình, dự án liên quan đến ứng dụng và phát triển CNTT trong giai đoạn này bị chậm chễ, đình trệ.
Việc tăng nguồn ngân sách đầu tư, đầu tư có trọng điểm tránh việc dàn trải là một trong những kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia CNTT đề xuất với Chính phủ nhằm khắc phục những vấn đề còn hạn chế trong giai đoạn tới.
Quỳnh Trang