Tại buổi làm việc, ông Hoàng Quốc Vinh- Trưởng phòng Thể thao thành tích cao cho biết: Hiện phòng đang tích cực phối hợp chặt chẽ cùng các bộ môn, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia triển khai thực hiện Đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035" (hay gọi tắt là Đề án 223) theo đúng lộ trình và kế hoạch đề ra. Theo đó, trong năm 2025 sẽ có một số vận động viên (VĐV) – tài năng trẻ thể thao ở các môn được lựa chọn từ trước tiếp tục tham gia các khóa tập huấn, đào tạo tại nước ngoài (có thể là Hàn Quốc và Trung Quốc).

Phó Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam Nguyễn Hồng Minh chủ trì buổi làm việc
Nhằm đảm bảo tính xuyên suốt, hiệu quả của Đề án 223, Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh đề nghị các bộ môn thể thao thành tích cao, đơn vị liên quan thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá kỹ lưỡng những ưu điểm để phát huy và tìm ra điểm hạn chế, khó khăn khi triển khai Đề án. Từ đó, kịp thời, tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn, đưa ra phương án, cách giải quyết tốt nhất khi bước vào giai đoạn mới thực hiện Đề án trong thời gian tới.
Cũng theo Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh, Đề án 223 rất hay, tốt, có ý nghĩa, giá trị thực tiễn cao. Nếu Đề án được triển khai hiệu quả, đạt được đúng với mục đích, mục tiêu đề ra, sẽ làm cơ sở vững chắc thúc đẩy phát triển thể thao thành tích cao nói riêng và các môn thể thao trọng điểm nói chung hướng đến các đấu trường lớn như ASIAD và Olympic.

Các bộ môn báo cáo
Bàn về Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046, Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh khẳng định: Dù đã qua nhiều lần xin ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, giới chuyên môn thông qua các hội nghị, hội thảo tổ chức thời gian qua, lãnh đạo Cục TDTT Việt Nam, tổ soạn thảo Chương trình đã lĩnh hội được nhiều ý kiến hữu ích, thiết thực phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển của thể thao thành tích cao Việt Nam hiện nay cũng như dự báo trong những năm tới. Theo đó, Chương trình này đang được ráo riết rà soát, khoanh vùng nhóm môn có khả năng cạnh tranh Huy chương ở đấu trường ASIAD và Olympic để đầu tư trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải nhiều môn như dự kiến ban đầu của Chương trình đặt ra.
Riêng ở Chương trình này, ngoài việc đưa ra được các mục tiêu thành tích cụ thể, cũng như các giải pháp thực hiện, Chương trình phải làm rõ ràng, chi tiết được 3 vấn đề chính gồm: kinh phí đầu tư cho từng môn, cho từng đối tượng cụ thể (thi đấu, tập huấn, mời chuyên gia), nguồn lực (con người – lựa chọn đúng đối tượng VĐV có tiềm năng), và điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất (trang thiết bị, dụng cụ, nhà tập… tập luyện, thi đấu ). Có như vậy, mới đảm bảo tính thuyết phục, khả thi của Chương trình khi được đưa vào áp dụng trong thực tiễn.

Toàn cảnh buổi làm việc
Theo kế hoạch, dự thảo Chương trình này được ấn định phải hoàn thành trước 30/4, đệ trình lên lãnh đaọ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trong tháng 5 tới.
Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh đề nghị phòng Thể thao thành tích cao tiếp tục tập trung cao độ cùng cán bộ chuyên môn và các đơn vị chuyên môn hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo về tiến độ thời gian và chất lượng Đề án và hoàn thiện dự thảo Chương trình.
N. Hương, Ảnh: V. Duy