Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong Đề án, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo bám sát từng nội dung cụ thể; đồng thời cân đối nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình xây dựng nông thôn mới và phát huy mọi nguồn lực xã hội để đầu tư nâng cấp hệ thống thiết chế VHTT; quan tâm cải tạo, sửa chữa và xây mới thiết chế văn hóa, thể thao ở thôn, xóm sau khi thực hiện sáp nhập... Cùng với đó là các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý để phát huy nguồn lực, hệ thống thiết chế VHTT hiện có để nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân...
Với tổng kinh phí thực hiện Đề án là hơn 4.675 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương gần 3.100 tỷ đồng, nguồn huy động khác và xã hội hóa hơn 658 tỷ đồng. Theo đó, đối với nhà văn hóa - khu thể thao thôn, xóm, bản, tổ dân phố ngân sách địa phương hỗ trợ tùy theo khả năng. Với các xã đặc biệt khó khăn, ngân sách nhà nước phấn đấu hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và một phần chi phí hoạt động.
Nhà văn hóa là nơi tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, thể thao phục vụ các nhiệm vụ chính trị
Đến nay, toàn tỉnh hiện có 2.175/2.254 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa với 2.662 nhà văn hóa - khu thể thao, trong đó: 2.175/2.664 nhà văn hóa - khu thể thao đang hoạt động; có 1.460 TCVHCS đạt chuẩn (đạt gần 67,12%), 715 nhà văn hóa - khu thể thao chưa đạt chuẩn (32,88%). Đây là địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là diện mạo văn hóa của mỗi địa phương, có vai trò quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp Nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện đề án còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, quỹ đất, nhất là ở những vùng sâu, vừng xa. Hiện vẫn còn 79 xóm, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa - khu thể thao. Hơn nữa, do thực hiện sáp nhập các tổ dân phố, nên số lượng thiết chế VHTT nhiều hơn so với tổng số xóm, tổ dân phố. Tuy dôi dư về số lượng thiết chế VHTT, nhưng một vấn đề nảy sinh đó là rất nhiều thiết chế VHTT không đủ diện tích, chỗ ngồi cho nhân dân hội họp và tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa.
Trước thực trạng đó, mới đây, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao; các địa phương được sử dụng nguồn ngân sách cấp để đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế VHTT cơ sở, từ đó phát huy hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Cụ thể, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa-khu thể thao xóm, tổ dân phố và hỗ trợ mua sắm thiết bị cho nhà văn hóa-khu thể thao giai đoạn 2023-2025. Tỉnh sẽ hỗ trợ từ 250 đến 500 triệu đồng để xây mới nhà văn hóa-khu thể thao đối với các xóm, tổ dân phố thuộc xã khu vực một và xóm thuộc xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ từ 150 đến 300 triệu đồng để sửa chữa đối với xóm thuộc xã khu vực một và khu vực khó khăn. Mỗi nhà văn hóa-khu thể thao được hỗ trợ 50 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị.
Nhờ có chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh cùng sự đồng thuận của nhân dân, nhiều thiết chế VHTT ở cơ sở được xây dựng, sửa chữa kịp thời. Trong đó phải kể đến Nhà văn hóa xóm Làng Hang (xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai). Công trình vừa được khánh thành vào dịp 30/4 vừa qua, với tổng kinh phí xây dựng 500 triệu đồng (trong đó, kinh phí nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng, số còn lại từ nguồn đóng góp của 185 hộ gia đình trong xóm và con em xa quê tài trợ).
Hay như Nhà văn hóa xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng. Công trình được xây dựng khang trang, phía trước nhà có sân rộng, được đổ bê-tông sạch đẹp, chung quanh được trồng cây xanh, rất thích hợp cho các hoạt động văn hóa, thể thao ngoài trời, tổ chức cưới hỏi của con em trong xóm. Đây là công trình được xây dựng hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa – do Công ty cổ phần Ðầu tư và Khai thác khoáng sản Thăng Long tài trợ hơn 1 tỷ đồng).
Với chủ trương đúng đắn của nhà nước, sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh và sự đóng góp của nhân dân trong việc xây dựng thiết chế VHTT ở cơ sở, diện mạo nhiều xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã từng bước thay da đổi thịt. Trong đó phải kể đến xã Văn Lang (huyện Đồng Hỷ) – địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70%. Do được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay 100% các xóm của Xã đã có Nhà văn hóa, đây là nơi Nhân dân thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và cũng là nơi tổ chức hoạt động của các đoàn thể; qua đó việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật có hiệu quả.
Hệ thống thiết chế VHTT cơ sở có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Với nhiều thiết chế VHTT (nhất là hệ thống nhà văn hóa) đạt chuẩn được xây dựng mới đã góp phần thúc đẩy công tác văn hóa, thể thao của tỉnh ngày càng phát triển.
Thái Nguyên phấn đấu, đến năm 2025 hệ thống thiết chế VHTT từ tỉnh đến thôn, xóm, tổ dân phố được phát triển đồng bộ, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân trên địa bàn. Đến năm 2035, hệ thống thiết chế VHTT từ tỉnh đến cơ sở phát triển đạt các tiêu chí quy định của Bộ VHTTDL.
Cụ thể đến năm 2025: Phấn đấu từ 80 - 90% nhà văn hóa - khu thể thao ở thôn, xóm đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL; trong đó, xây mới 600 nhà văn hóa - khu thể thao. Đến năm 3035, phấn đấu 100% nhà văn hóa - khu thể thao thôn, xóm đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL, cải tạo và sửa chữa 1.478 nhà văn hóa - khu thể thao, xây mới 257 nhà văn hóa - khu thể thao...
Sự đầu tư về cơ sở vật chất, trong đó có hệ thống thiết chế VHTT ở cơ sở đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển. Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 30,2% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên. Trong đó, 14,2% đồng bào dân tộc và miền núi tham gia và 23,1% số gia đình luyện tập TDTT; 100% xã, phường, thị trấn, đơn vị có câu lạc bộ hoặc điểm tập luyện TDTT; 100% giáo viên TDTT đạt chuẩn và trên chuẩn; 100% trường học ở các cấp đảm bảo công tác giáo dục thể chất có chất lượng. Số CLB TDTT được thành lập và gia tăng nhanh chóng, đến nay toàn tỉnh có gần 1.900 CLB TDTT cơ sở; trên 1.300 hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT hoạt động thường xuyên ở cấp huyện, các xã miền núi, vùng cao.
Phong trào TDTT trong lực lượng vũ trang được duy trì nền nếp. 100% cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tập luyện thể thao, rèn luyện thân thể; duy trì tốt các phong trào, các giải thể thao truyền thống; tham gia và có đóng góp tích cực vào các hoạt động TDTT lớn của tỉnh
Sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng đã góp phần tạo đà cho thể thao thành tích cao của tỉnh từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ quốc gia, quốc tế. Gần nhất, tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX, các VĐV Thái Nguyên đã giành 59 huy chương các loại, trong đó 18 HCV, 15 HCB, 26 HCĐ, xếp thứ Nhất trên tổng số 19 tỉnh miền núi toàn quốc, xếp thứ 14 trên 65 đoàn các tỉnh thành, ngành tham dự Đại hội (vượt 6 bậc so với chỉ tiêu được giao). Đặc biệt, tại 2 kỳ SEA Games 31, 32, các VĐV Thái Nguyên đã thi đấu xuất sắc và giành nhiều tấm huy chương quý giá cho đoàn TTVN (SEA Games 31 giành 4 HCV, 3 HCB; SEA Game 32 giành 6 HCV, 4 HCĐ).
Những kết quả trên là minh chứng rõ nét cho thấy sự đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trong đó có hệ thống thiết chế VHTT đã mang lại những giá trị thiết thực, hiệu quả và mang ý nghĩa to lớn, góp phần đặc lực trong việc triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần của nhân dân.
Bài, ảnh VD