Quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao
Để thúc đẩy phong trào TDTT, các cấp chính quyền huyện Tam Đảo đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, nhất là các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Theo thống kế, toàn huyện có 14 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 110 sân bóng chuyền, 64 sân cầu lông, 8 sân tennis; 08 bể bơi, 3 sân bóng rổ và 01 Sân Gofl Tam Đảo đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó Trung tâm Văn hoá – Thông tin - Thể thao huyện được đầu tư với các nhiều hạng mục như: 01 sân vận động; 02 sân Tennis; 01 nhà thi đấu thể thao đa năng; 01 Nhà văn hóa đa năng và đang hoàn thiện Nhà văn hóa thiếu nhi.
Hiện 8/9 xã, thị trấn đã có Trung tâm Văn hoá -Thể thao xã với các hạng mục như: Sân vận động, nhà tập luyện thể thao đa năng cơ bản đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu thể thao cho quần chúng nhân dân. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết bị thể dục thể thao ngoài trời cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao của các xã, phường, thị trấn và khu thể thao ở các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả thiết thực. Huyện đã hoàn tất việc lắp đặt các thiết bị tập luyện TDTT tại 03 Trung tâm Văn hóa - Thể thao các xã: Hồ Sơn, Tam Quan và Minh Quang; 32 Khu thể thao thôn, tổ dân phố và đã hoàn thiện thủ tục đấu thầu và đang triển khai lắp đặt 04 Trung tâm Văn hóa, thể thao các xã: Bồ Lý, Yên Dương, Đạo Trù, Hợp Châu; 46 Khu thể thao thôn, dự kiến sẽ hoàn tất việc lắp đặt các trang thiết bị tập luyện trong năm 2024.
Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-TU, nhiều trang thiết bị, dụng cụ tập luyện TDTT được lắp đặt tại các công viên, quảng trường phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân
Cùng với đó, việc khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao được thực hiện hiệu quả, đã góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa - thể thao trên địa bàn huyện ngày càng phát triển sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần tăng cường thể chất, nâng cao đời sống tinh thần và tạo sự gắn kết trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện.
Việc tổ chức các hoạt động TDTT luôn được ngành VH-TT huyện lồng ghép với các hoạt động văn hóa, lễ hội, các ngày lễ lớn của dân tộc. Nhiều giải thể thao phong trào với các môn như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, vật dân tộc, kéo co, chọi gà, cờ tướng… được tổ chức thường xuyên và đã trở thành giải thể thao truyền thống hàng năm.
Với nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai, đã góp phần đưa tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn huyện đạt 38%; hộ gia đình thể thao đạt 28,1%; có 25 CLB thể thao có quyết định công nhận, ngoài ra có rất nhiều nhóm tập luyện, sinh hoạt TDTT thường xuyên, tiêu biểu là các môn Bóng chuyền hơi, dân vũ, khiêu vũ thể thao...
Hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong các trường học cũng được quan tâm. Hệ thống nhà giáo dục thể chất trong nhà trường đã và đang được triển khai xây dựng, hiện có 10 nhà thể chất đi vào hoạt động; đảm bảo trên 90% các trường học bố trí ít nhất 01 khu vực có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ cần thiết dành cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao theo quy định; 100% trường học tổ chức hoạt động vận động thể lực phù hợp cho học sinh thông qua các hoạt động thể thao ngoại khóa, hình thức câu lạc bộ thể thao;
Công tác phối hợp, tổ chức các giải thể thao quần chúng trên địa bàn huyện cũng được tổ chức từ huyện đến cơ sở. Hàng năm, ngành VHTT huyện thường xuyên phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Ban chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện... tổ chức các giải thể thao cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn huyện.
Phấn đấu đạt trên 40% dân số vào năm 2025
Với những tiềm năng, thế mạnh của mình, huyện Tam Đảo đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: Số người tập luyện thể thao thường xuyên đạt trên 40% và số gia đình tập luyện thể thao đạt trên 30%. Đến năm 2030: Số người tập luyện thể thao thường xuyên đạt trên 45%, số gia đình tập luyện thể thao đạt trên 35%. Xây dựng, phát triển từ 3 - 5 CLB thể thao quần chúng trong các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị.
Huyện đặt mục tiêu đạt trên 40% dân số tập luyện TDTT thường xuyên vào năm 2025
Phấn đấu đến năm 2030: 100% các xã, thị trấn có Trung tâm văn hóa - thể thao với quy mô tiên tiến, hiện đại của vùng đồng bằng Sông Hồng; trên 90% thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt văn hóa, khu luyện tập thể thao cơ bản đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mỗi năm xây dựng, phát triển từ 3 - 5 CLB thể thao quần chúng trong các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị; đến năm 2030 toàn huyện có trên 100 CLB. Mỗi năm, cấp huyện tổ chức từ 4 - 5 giải; cấp xã, thị trấn tổ chức từ 2 - 3 giải; thôn, tổ dân phố tổ chức từ 1 - 2 giải thể thao quần chúng. Tiếp tục duy trì và không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học môn giáo dục thể chất trong các nhà trường. Phấn đấu tỷ lệ học sinh tham gia tập luyện TDTT ngoại khoá thường xuyên ở các cấp học: Tiểu học đạt trên 80%; Trung học cơ sở đạt trên 90%; Trung học phổ thông đạt trên 95%; Tỷ lệ học sinh đạt tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thể lực học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tiểu học; Trung học cơ sở đạt 95%; Trung học phổ thông đạt 95%. Duy trì và phát triển các hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang: Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực đạt trên 95%...
Cùng với phát triển TDTT quần chúng, huyện cũng đặt mục tiêu phát triển Thể thao thành tích cao. Cụ thể, trong năm 2024-2025, huyện tập trung phát hiện và giới thiệu các hạt nhân có năng khiếu các môn thể thao cho trung tâm đào tạo vận động viên của tỉnh ở 6 môn thể thao, gồm: Bóng chuyền, Đua thuyền, Bắn cung, Vật dân tộc, Pencak Silat, Karate và giai đoạn 2026-2030, tập trung vào 10 môn thế mạnh, gồm: Bóng chuyền, Đua thuyền, Bắn cung, Vật dân tộc, Pencak Silat, Karate, Điền kinh, Golf, Bóng đá, Taekwondo.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, huyện đặt ra các giải pháp đó là: Nâng cao trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị; nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phát triển sự nghiệp thể dục thể thao. Lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về thể dục, thể thao trong nghị quyết, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và các xã, thị trấn. Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp và đánh giá việc tổ chức thực hiện các chủ trương 3 của Đảng về phát triển TDTT; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai nhiệm vụ phát triển thể dục thể thao. Kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực thể dục thể thao.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng thể thao thể thao quần chúng, giáo dục thể chất và thể thao trường học: Sân bãi, nhà tập luyện thi đấu, các câu lạc bộ, dụng cụ TDTT...; huy động tài trợ, thúc đẩy xã hội hoá phát triển thể thao. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch, phát triển mạng lưới thiết chế, cơ sở thể thao đồng bộ, từng bước hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc gia. Quan tâm, tạo điều kiện phát triển các môn thể thao thế mạnh của huyện, trong đó chú trọng khâu phát hiện, giới thiệu nhân tố có năng khiếu thể thao đi đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao. Triển khai thực hiện các chế độ, chính sách khen thưởng, hỗ trợ động viên kịp thời cho huấn luyện viên, vận động viên thể thao của huyện.
Tiếp tục nâng cao mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên thể dục thể thao tại cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động thể dục thể thao của cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp….
Bài, ảnh P.Anh