You must configure this module first via "Module Settings"

Lâm Đồng quan tâm phát triển GDTC và thể thao học đường theo hướng bài bản, chuyên nghiệp

Vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất, công tác GDTC và hoạt động thể thao trong trường học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang ngày càng phát triển. Các đoàn VĐV học sinh của tỉnh đã để lại nhiều dấu ấn tại các kỳ HKPĐ cũng như các giải thể thao dành cho học sinh, sinh viên... Đó cũng chính là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành GDĐT và ngành TDTT tỉnh trong việc quyết tâm đưa thể thao học đường phát triển một cách bài bản, chuyên nghiệp và vững chắc.

Những con số ấn tượng

HKPĐ các cấp cho đến toàn quốc chính là minh chứng rõ nhất đánh giá hiệu quả hoạt động, phát triển của công tác GDTC và hoạt động thể thao học đường. Năm 2024, với số lượng huy chương đoạt được nhiều nhất qua các kỳ, đoàn VĐV học sinh của tỉnh Lâm Đồng đã đem đến niềm tự hào rất lớn cho thể thao tỉnh nhà.

HKPĐ toàn quốc 2024, thể thao học sinh Lâm Đồng đã giành nhiều huy chương quý giá

Theo đó, Tại HKPĐ toàn quốc lần thứ X năm 2024 diễn ra tại Hải Phòng, đoàn VĐV học sinh tỉnh Lâm Đồng đã xuất sắc giành được 15 tấm huy chương, trong đó có 4 HCV, 5 HCB và 6 HCĐ, đứng thứ 26/63 tỉnh, thành. Trước đó, ở giai đoạn 1 của HKPĐ khu vực Tây Nguyên, đoàn Lâm Đồng cũng xuất sắc đứng ở vị trí cao nhất với 13 tấm HCV. Thống kê con số huy chương chỉ để khẳng định, thể thao học đường của Lâm Đồng đã có sự thay đổi rõ rệt cả về chất lẫn lượng, giúp mang đến cái nhìn đầy tích cực cho những người làm thể thao của tỉnh. Kết quả này đến từ việc thực hiện chiến lược dài hơi, có hoạch định và lộ trình khoa học của ngành GDĐT tỉnh.

Theo số liệu của Sở GDĐT, trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 680 đơn vị trường học ở các bậc học, với tổng số học sinh khoảng 334.000 em; 100% trường học đều có sân tập, sân chơi, đáp ứng cơ bản được nhu cầu dạy và học của thầy và trò. Số giáo viên giảng dạy môn GDTC trong các cơ sở giáo dục phổ thông là trên 800 người, trong đó có 12% giáo viên đã tốt nghiệp cao học, còn lại hầu hết đã tốt nghiệp đại học.

Đặc biệt, với thế mạnh ở môn Võ cổ truyền, Lâm Đồng đã và đang tập trung mở rộng để đưa môn thể thao này vào học đường. Hiện, Võ cổ truyền đã có mặt tại 12 huyện, thành phố của Lâm Đồng với gần 40 CLB, phòng tập, có trên 100 võ sư, HLV và xấp xỉ 4.000 môn sinh tập luyện thường xuyên hàng ngày, trong đó chủ yếu là học sinh các cấp học phổ thông. Các huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Di Linh... là những địa phương gặt hái được nhiều quả ngọt sau lộ trình dài đưa môn thể thao này trở nên phổ biến tại các trường học. Trong tổng số 4 HCV đoàn Lâm Đồng đoạt được ở HKPĐ toàn quốc năm 2024 thì môn Võ cổ truyền đã chiếm tới một nửa và đều đến từ hai trong số ba địa phương kể trên.

Sự tổng hòa, đồng bộ của nhiều giải pháp

Trước tiên là chú trọng đầu tư cơ sở vật chất: Để tạo điều kiện cho việc giảng dạy môn học, Sở GDĐT đã chỉ đạo các trường học hàng năm xây dựng kế hoạch phát triển cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy GDTC và thể thao trường học. Việc triển khai thực hiện xây dựng, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ GDTC và thể thao trường học được các ngành có liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Bể bơi trong các trường học ở Lâm Đồng được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa

Thứ hai là nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên GDTC: Xác định rõ tầm quan trọng của công tác GDTC và thể thao trong trường học, Sở GDĐT đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các Phòng Giáo dục, các trường học thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từ đó giúp cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm trong việc phát triển GDTC và thể thao trường học.

Việc tập luyện thể thao đã trở thành một phong trào rộng khắp, thu hút sự hưởng ứng ở mỗi cơ sở giáo dục và khích lệ học sinh các cấp phổ thông lựa chọn một môn thể thao phù hợp cả trong và ngoài nhà trường để nâng cao sức khỏe cho bản thân.

Luôn xác định, chất lượng đội ngũ giáo viên GDTC là yếu tố quan trọng nhất trong việc đẩy mạnh phát triển thể thao học đường, trong thời gian qua, các giảng viên, giáo viên GDTC đều được lãnh đạo các nhà trường quan tâm tạo điều kiện tham gia các khóa đào tạo dài hạn về chuyên ngành; được tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn do Bộ, Sở, Phòng GDĐT tổ chức để hoàn thiện và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong giai đoạn mới.

Với sự đào tạo bài bản và chuyên sâu, lực lượng giáo viên GDTC đã đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy và tổ chức các hoạt động TDTT trong các nhà trường, nhất là việc thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học. Nội dung, hình thức tổ chức hoạt động thể thao trường học đã được thực hiện theo hướng đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của từng địa phương, chú trọng việc giữ gìn, nâng cao sức khỏe, thể lực cho học sinh. Ở mỗi cấp học, mục tiêu, nội dung giáo dục phát triển thể chất và chương trình môn học GDTC đều phù hợp với từng độ tuổi.

Bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, Sở GDĐT tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các lớp bồi dưỡng trọng tài, tổ chức thi đấu cho đội ngũ giáo viên GDTC với những môn thể thao thường xuyên thi đấu trong trường học như: Điền kinh, karatedo, Bóng đá, Bóng rổ, Cầu lông, Bơi, Taekwondo, Võ cổ truyền... Từ đó, nâng cao năng lực tổ chức thi đấu các môn thể thao tại trường học. 

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa: Do nguồn kinh phí xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước có hạn, Sở GDĐT cũng đã khuyến khích các cơ sở giáo dục mạnh dạn tìm kiếm nguồn xã hội hóa. Đã có gần 50 trường học trong tỉnh xây dựng được sân cỏ nhân tạo trong trường cho học sinh tập luyện từ nguồn vốn huy động này. Riêng môn Bơi, thực hiện theo Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước, đến nay đã có nhiều trường xây dựng được hồ bơi để dạy bơi cũng như tập luyện cho học sinh như: Trường THPT Nguyễn Du - TP Bảo Lộc; THPT Lương Thế Vinh - huyện Đức Trọng...

Thành lập các CLB TDTT trong trường học: Cùng với việc tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, tăng cường tìm kiếm nguồn lực xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của GDTC, thể thao học đường, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên góp phần hoàn thiện giáo dục toàn diện cho học sinh, Ngành GDĐT Lâm Đồng đã yêu cầu các trường học ở 12 huyện, thành phố trong tỉnh tùy theo khả năng, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, nhu cầu và nguyện vọng của học sinh để thành lập các CLB TDTT trong trường học của mình.

Theo đó, các trường học đã xây dựng kế hoạch hoạt động của CLB một cách cụ thể, dựa trên tình hình thực tế của trường. Học sinh sinh hoạt trong CLB phải có đơn tự nguyện đăng kí và có sự đồng ý của phụ huynh học sinh. Đồng thời, HLV của CLB phải có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định hoặc chuyên ngành đào tạo do liên đoàn thể thao cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia xác nhận.

Nhìn thực tiễn nhu cầu chơi thể thao của các em học sinh, các môn võ, Cầu lông, Bóng bàn, Bóng đá, Cờ vua, Bơi lội, Aerobic... là những môn hiện thu hút rất đông học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh tập luyện. Đây cũng chính là những môn được các trường học trên địa bàn tỉnh lựa chọn tổ chức CLB ngoại khóa. Tính đến năm 2024, 100% các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đều có CLB thể thao học sinh, có giáo viên, HLV, hướng dẫn viên trực tiếp tổ chức hoạt động. Trong đó, Võ Cổ truyền hiện đang là môn đi đầu trong cả hoạt động lẫn số lượng CLB.

Với những kết quả trên cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành; sự quyết đoán trong các quyết sách cùng những giải pháp cụ thể và khoa học, Lâm Đồng đã, đang hiện thực hóa mục tiêu đưa GDTC và thể thao học đường phát triển theo hướng chuyên nghiệp và bài bản. 

Hoa Phượng, ảnh: BLĐ

 

Ảnh trong bài
  • Lâm Đồng quan tâm phát triển GDTC và thể thao học đường theo hướng bài bản, chuyên nghiệp
  • Lâm Đồng quan tâm phát triển GDTC và thể thao học đường theo hướng bài bản, chuyên nghiệp