You must configure this module first via "Module Settings"

Thành phố Sầm Sơn – Thanh Hóa: phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao

Những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, cơ bản đáp ứng việc phục vụ các phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT cũng như các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Việc đầu tư, xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hóa, thể thao từ cơ sở đến thành phố đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo báo cáo của ngành VHTT thành phố, hiện trên địa bàn có 1 nhà thi đấu thể thao, đáp ứng được nhu cầu tổ chức các giải đấu thể thao trong nhà cấp tỉnh, cấp quốc gia; 3 sân khấu ngoài trời (sân khấu bãi biển) và 1 công viên (Công viên Hòn Trống Mái) đảm bảo điều kiện tổ chức các sự kiện văn hóa cấp tỉnh và quốc gia; 11/11 đơn vị hành chính cấp xã, phường có thiết chế văn hóa cấp xã, phường, đạt tỷ lệ 100%; 85/86 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 98,84%.

Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn 11 xã và thành phố Sầm Sơn không ngừng được quan tâm, đầu tư về mọi mặt. Các thiết chế văn hóa, thể thao được trang bị đầy đủ các phương tiện như âm thanh, ánh sáng, một số nơi có sân tập luyện TDTT khang trang hiện đại, có nơi được trang bị các phương tiện, dụng cụ tập luyện TDTT.. qua đó đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, tập luyện TDTT của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố.

Để đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao thành phố Sầm Sơn đã ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao với mức từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/công trình. Bên cạnh đó, thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao ở 11 xã, phường. Hàng năm, thành phố đều tiến hành rà soát thực trạng, đánh giá chất lượng và đăng ký với Sở VHTTDL các nội dung tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ văn hóa. Đồng thời, dành một khoản kinh phí cho các hoạt động VHVN, TDTT trên địa bàn.

Ngoài các thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng, tu sửa bằng nguồn kinh phí nhà nước, thành phố cũng đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đóng góp cho việc xây dựng các thiết chế, văn hóa, thể thao ở cơ sở. Nhờ đó, trên địa bàn thành phố ngày càng nhiều các trung tâm văn hóa - thể thao xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn có giá trị hàng chục tỷ đồng. Trong đó phải kể đến nhà văn hóa các xã Quảng Minh và Quảng Hùng…

Nhờ đó, đã góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên thành phố đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Cùng với các phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển, đời sống tinh thần nhân dân được nâng cao, đến nay, tỷ lệ người tham gia luyện tập TDTT trên địa bàn thành phố thường xuyên đạt 51%, gia đình thể thao đạt 56%. Hàng năm, nhiều câu lạc bộ TDTT được thành lập và hoạt động hiệu quả, trong đó tập trung vào một số môn như: xe đạp thể thao, cầu lông, bóng bàn, bóng đá, bóng chuyền, bóng chuyền hơi, tennis, võ thuật, dưỡng sinh..

Với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng khang trang, hiện đại, cùng với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng đã giúp cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT của thành phố không ngừng phát triển. Bên cạnh đó, thành phố còn đăng cai tổ chức thành công một số giải thi đấu thể thao có chất lượng chuyên môn cao như: Giải cờ thẻ, cờ tướng, đẩy gậy, vật tay, kéo co trong khuôn khổ Lễ hội Cầu phúc năm 2021. Đăng cai, tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh, giải toàn quốc, khu vực, như: Giải bóng bàn, cầu lông, quần vợt hè Sầm Sơn năm 2021; Giải vô địch cầu mây toàn quốc năm 2021... Năm 2022, ngoài việc đăng cai một số môn thể thao trong hệ thống thi đấu của tỉnh, quốc gia, thành phố Sầm Sơn còn là địa phương được lựa chọn tổ chức các môn trong chương trình Đại hội TDTT tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX, Đại hội TDTT thành phố Sầm Sơn và môn Cầu mây tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX... Cùng với đó, UBND các xã, phường đã chủ động lồng ghép các môn thi đấu trong đại hội TDTT cấp cơ sở với hoạt động văn hóa, lễ hội tại địa phương, thu hút được đông đảo người dân và du khách hưởng ứng, theo dõi, cổ vũ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Sầm Sơn hiện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa còn khó khăn; một số thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa thường xuyên tổ chức các hoạt động hoặc sử dụng sai mục đích; kinh phí hỗ trợ hoạt động tại các nhà văn hóa tổ dân phố, thôn còn hạn chế; công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại các nhà văn hóa xã, phường chủ yếu do cán bộ văn hóa - xã hội kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách; trang thiết bị hoạt động một số nơi đã cũ, không được bổ sung, chưa thực sự đáp ứng được các nhiệm vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, sự kiện lớn hoặc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật...

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm VHTTTTDL TP Sầm Sơn: Hoạt động VHVN, TDTT có vai trò quan trọng trong việc chăm lo, bồi dưỡng sức khỏe, đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn thành phố, phong trào VHVN, TDTT đã lan tỏa khắp các địa bàn dân cư, cơ quan, trường học, tạo sợi dây liên kết chặt chẽ, kết nối tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, góp phần quan trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, thành phố Sầm Sơn đặt ra một số giải pháp đó là: Tiếp tục duy trì các lớp năng khiếu TDTT (như cầu lông, bóng bàn, tennis, bóng đá, võ thuật...); các CLB Văn hóa, văn nghệ thôn, xã, phường…;

Phát huy vai trò của Trung tâm VHTTTTDL, đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở trong việc hỗ trợ chuyên môn, hướng dẫn tổ chức hoạt động cho câu lạc bộ VHVN, TDTT tại xã, phường; Đẩy mạnh phát triển thêm các câu lạc bộ VHVN, TDTT cho giới nữ như: bóng chuyền hơi, dân vũ... Cùng với đó, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các giải đấu thể thao cấp thành phố, đăng cai giải khu vực, toàn quốc phù hợp với điều kiện của dịa phương.

Mặt khác, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội nhằm tổ chức các giải giao lưu VHVN, TDTT trong quần chúng Nhân dân và các câu lạc bộ, tạo khí thế thi đua sôi nổi, giúp người dân phát triển toàn diện cả về tinh thần và thể chất... Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Quy hoạch và dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa từ thành phố đến cơ sở. Tăng cường xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao, tranh thủ mọi nguồn lực xây dựng hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

VD